Theo các giáo viên, Bộ GD&ĐT đồng ý cho học sinh dùng điện thoại trong lớp chẳng khác nào "thả gà ra đuổi".

Từng có 12 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Lê Hoài Thu, giáo viên trường THCS (quận Đống Đa, Hà Nội) phản đối việc để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Theo cô, thực tế việc học sinh sử dụng điện thoại để tìm hiểu thông tin và bài học trên lớp là không nhiều, mà các em chủ yếu tò mò những thông tin về thần tượng, sở thích bản thân, hoặc “chat”, nói chuyện, tương tác qua Facebook, Zalo.

Trung bình mỗi năm học cô Thu xử lý trên dưới 10 học sinh lén dùng điện thoại di động trong giờ học. Một tiết học 45 phút, giáo viên vừa lo truyền đạt kiến thức, vừa kiểm soát, đốc thúc học sinh chú ý vào bài giảng, việc làm không xuể giờ lại thêm quản lý các em sử dụng điện thoại khiến cô cảm thấy như thêm gánh nặng.

"Trước đây, cấm đoán thì các em lém lút dùng trộm điện thoại, giờ Bộ GD&ĐT đồng ý cho học sinh công khai dùng khác nào "thả gà ra đuổi". Điều quan trọng là Bộ phải đưa ra giới hạn nhất định; xác định rõ mục đích sử dụng điện thoại là gì, thời gian bao lâu. Nếu không giáo viên sẽ rất lúng túng trong việc kiểm soát và càng nguy hiểm hơn là học sinh lạm dụng dùng vào các mục đích khác”, cô Thu chia sẻ.

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Ngọc Phương giáo viên trường THCS (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lo lắng trước quy định học sinh được dùng điện thoại trong giờ. Ông cho rằng, điều đó không cần thiết, chỉ làm mất thời gian và gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.

Theo thầy Phương, chỉ nên cho phép học sinh lớp 9, 10, 11, 12 được dùng điện thoại phục vụ mục đích ôn tập bài học và chuẩn bị cho việc thi cử. "Học sinh tới trường để học không phải để dùng điện thoại", thầy nói.

Các thầy cô vẫn nên giới hạn và giám sát học sinh sử dụng điện thoại bằng cách yêu cầu tắt chuông, đặt chung vào một giỏ nhựa cuối lớp, chỉ được phép sử dụng trong giờ ra chơi. Cách này khá là hiệu quả vì học sinh sẽ tập trung hơn vào bài học, vui chơi với ban bè hơn, thay vì bị cuốn hút lạm dụng sử dụng điện thoại.

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp chẳng khác gì 'thả gà ra đuổi' - 1
(Ảnh minh hoạ: NLĐ)

Thầy Nông Ngọc Trọng (trường THPT An Mỹ, Bình Dương) ủng hộ quy định cho học sinh dùng điện thoại phục vụ học tập.

Bản thân thầy Trọng cũng thường xuyên phải nhờ vào công nghệ, trong đó có điện thoại để tra cứu, cập nhật kiến thức mới giúp bài giảng sinh động hơn, tiếp cận gần hơn với học trò.

“Ngoài phấn trắng, bảng đen, sách vở; học sinh có thể học qua điện thoại - thiết bị công nghệ tiện ích cho mọi người. Thời đại 4.0, thế giới nằm trong bàn tay của chúng ta, vì thế không nên cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại trong học tập”, thầy Trọng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo thầy Trọng, để học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích, cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể hơn của Sở GD&ĐT và của nhà trường; đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh.

Trước những băn khoăn của phụ huynh về việc học sinh bị phân tâm khi sử dụng điện thoại trong giờ học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong một giờ học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát.

Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011. Một trong những thay đổi đáng chú ý liên quan đến quy định sử dụng điện thoại trong giờ học.

Cụ thể, nếu Điều lệ ban hành kèm Thông tư 12 quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Khi nào học sinh được dùng điện thoại? Khi nào học sinh được dùng điện thoại?
Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp: Quy định cởi mở, nhưng cần cụ thể Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp: Quy định cởi mở, nhưng cần cụ thể
Bộ Giáo dục-Đào tạo nói gì về quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp? Bộ Giáo dục-Đào tạo nói gì về quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp?
Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Phụ huynh nói gì? Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Phụ huynh nói gì?

/ vtc.vn