Một người ăn xin viết thư cho tòa soạn VnExpress. Anh ta muốn hạ ảnh của mình trong một bài báo. 

 

Một người ăn xin viết thư cho tòa soạn VnExpress. Anh ta muốn hạ ảnh của mình trong một bài báo.

Đó là bài về thực trạng chăn dắt ăn xin tại Việt Nam. Bên cạnh lời của nhiều nhân chứng, gồm cả trẻ bị đánh đập bắt đi ăn xin, phóng viên VnExpress dành thời gian theo dõi một nhóm ăn xin tại Ngã Tư Sở trong hai ngày.

Nhân vật chính trong hoạt cảnh đó là một thanh niên nhập vai khuyết tật vận động nặng, ngồi bên hè phố và ngửa mũ xin tiền người qua đường. Đến giờ giải lao, anh ta vận động nhanh nhẹn: mua bia uống, đi lại hút thuốc, cười đùa. 

Buổi chiều ngày thứ hai, cả nhóm ăn xin tại Ngã Tư Sở nhận lệnh di tản qua điện thoại di động. Hai thanh niên đeo khẩu trang chặn phóng viên lại trên đường theo dấu. Các phóng viên bị đe dọa vì đã xen vào cái gọi là "việc làm ăn" của người khác.

Bài báo lên được vài ngày, tòa soạn nhận được email với yêu cầu: gỡ ảnh nam thanh niên đang ăn xin. "Làm thế khác nào bôi nhọ người khác" - người tự nhận là nhân vật trong bài tuyên bố.

Có một vấn đề với thực trạng chăn dắt ăn xin tại Việt Nam là khung pháp lý rất thiếu. Thực trạng đã được nêu trong các văn bản của ngành Lao động Thương binh Xã hội và cán bộ ngành này đang gặp vô vàn thách thức trong thu gom người lang thang xin ăn. Nhưng ngay cả việc định danh thế nào là "chăn dắt ăn xin" vẫn khó khăn, chưa bàn đến xử lý hình sự.

Tôi thận trọng tham khảo phòng pháp chế của VnExpress trước khi trả lời email. Đó là lần hiếm hoi trong thời gian làm biên tập viên ở tờ báo này, tôi phải tham khảo pháp chế khi trả lời độc giả; không phải là doanh nghiệp, tổ chức hay các học giả, mà là với một người ăn xin - giả định khiếu nại do chính anh ta viết.

Tôi đã trả lời qua email công việc, trích dẫn Luật Báo chí và Bộ luật Dân sự để khẳng định việc phản ánh thực trạng trên thuộc về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo. Chúng tôi sẽ không làm theo yêu cầu.

Cuộc trao đổi bằng email với người ăn xin (hoặc tổ chức của anh ta) tạm kết ở đó. Tôi sẽ cập nhật thêm với độc giả khi có diễn biến mới. Nhưng biểu hiện chuyên nghiệp cực đoan này, gửi khiếu nại qua Internet, tạo thành một suy nghĩ không dứt trong tôi: sự xuất hiện của những mô hình tổ chức ăn xin chuyên nghiệp, ảnh hưởng tới bản chất của việc xin và cho như thế nào? 

Ngay dưới các bài báo của chúng tôi về thực trạng chăn dắt ăn xin, đa số độc giả tuyên bố đã hoặc sẽ không cho tiền ăn xin nữa, nhưng một số người khẳng định vẫn sẽ cho.

Lý do là họ cảm thấy không thanh thản, nhỡ người đó đói thật; và quan trọng hơn, họ cho để nuôi dưỡng lòng tốt của chính mình. Người cho cũng được hưởng lợi từ việc làm phúc.

Có hai cách phân định đạo đức phổ biến: đạo đức hành động (act morality) và đạo đức chủ thể (agent morality). Đạo đức hành động đòi hỏi phải biết quả của nghiệp. Tức là bạn phải xét đến hành động cho tiền đó tạo ra kết quả cuối cùng gì, cách cho tiền nào là tốt nhất để thay đổi cuộc đời người kia. Nghĩ theo cách này, một số người nói họ sẽ ủng hộ các tổ chức từ thiện uy tín chứ không cho tiền trực tiếp ăn xin.

Nhưng trong đạo đức chủ thể, chúng ta phán xét tính đúng đắn của hành động bằng ảnh hưởng của nó lên chủ thể - tức là chính bạn. Hành động tốt đẹp là khi nó khiến bạn nhân ái và từ bi hơn. Có độc giả đã bình luận rằng mỗi lần cho tiền họ đều nghĩ xem tiền này sẽ vào tay ai, nhưng "Thôi kệ, chỉ cần tấm lòng mình có".

Ở đây tôi không khuyến khích việc phủ nhận đạo đức chủ thể. Bạn không nên chỉ trích vì ai đó không thể làm ngơ trước một người đói khổ chìa tay về phía họ. Việc một người cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn chút ít, duy trì được tình yêu đồng loại, mang thói quen bố thí, là thứ không thể xem thường. Nó là lợi-ích-thực-sự mà việc này mang lại.

Hãy cứ cho rằng trong một kịch bản lý tưởng, khi tất cả người ăn xin trong xã hội thực sự cùng đường, giá trị của "đạo đức hành động" và "đạo đức chủ thể" là bằng nhau, một lượng A tốt đẹp nào đó. Mọi người tự do chọn lựa, giúp người hoặc giúp chính mình, đều mang lại A.

Sự xuất hiện của các đường dây chăn dắt ăn xin thay đổi cán cân này. Lúc đó, "đạo đức chủ thể" có một cái giá: việc bạn duy trì lòng nhân ái của bản thân có thể tạo ra gánh nặng cho một người ăn xin đang bị chăn dắt. Những người này, theo lời khai, có lúc tình nguyện, nhưng cũng thường xuyên bị bóc lột bởi chủ thầu, cơ cực và nhục nhã. Đặc biệt là trẻ em.

Bạn cho tiền, chủ chăn dắt có lý do duy trì việc làm ăn, thậm chí mở rộng. Họ về các miền quê, tuyển dụng thêm người già, trẻ em và người khuyết tật lên thành phố "làm ăn".

Bạn hãy tưởng tượng về một tổ chức từ thiện. Tổ chức này dùng một đội ngũ chuyển phát nhanh để đưa gạo, đến tận tay những người đói. Mỗi ngày, họ vận chuyển mười nghìn chuyến hàng. Người đói bớt đói, và người cho nhận được món quà hạnh phúc của việc cho đi. Nó làm mười nghìn người vui hơn mỗi ngày, truyền được cảm hứng cho những người xung quanh về lòng thiện.

Nhưng vì tình trạng thiếu hụt nhân lực, một ngày, tổ chức của chúng ta tuyên bố: cứ mười nghìn lần vận chuyển, họ lại phải bắt một đứa trẻ mười tuổi làm nô lệ cõng gạo.

Bạn có tham gia ủng hộ tổ chức đó nữa không? Bạn tự cân đo giữa hạnh phúc được cho đi của mười nghìn người và sự cơ cực của một đứa trẻ, và tự quyết định.

Nếu câu trả lời là vẫn tham gia, tôi sẽ không phán xét bạn. Nhưng nếu câu trả lời là "không tham gia", hãy nghĩ thêm một chút: tại sao bấy nhiêu người lại phải hy sinh đạo đức bản thân; tại sao bạn muốn làm việc thiện lại phải chùn tay; tại sao lại có kẻ ác độc đến mức đưa ra một tuyên bố như thế?

Thế mà chuyện tưởng tượng đó lại rất gần với thực tế. Kẻ đưa ra tuyên bố kia, chính là các đường dây chăn dắt ăn xin.

Như đã trình bày, chúng ta chưa bàn đến việc cho tiền trực tiếp một người đói là tốt hay không tốt (đó là vấn đề của lựa chọn). Nhưng ngay cả khi bạn đã lựa chọn rằng mình sẽ hành động vì lòng trắc ẩn, nó cũng bị dẫm đạp bởi sự nghi ngờ. Hàng triệu người có thể phải tự ngoảnh mặt với tâm thiện của mình. Vì lòng tham và sự dã man của một nhóm nhỏ. Giá trị mà xã hội mất đi là không thể đo đếm được.

Và luật pháp thì vẫn đang gặp khó khăn trong việc định danh nhóm đối tượng này. Nếu lần sau có ai đó thuộc các nhóm này viết mail hạch sách, có thể tôi vẫn sẽ phải tham khảo pháp chế: họ nằm ở một khoảng mờ pháp lý.

Con số mười nghìn trong ví dụ của tôi chỉ là một giả định an toàn. Thực ra, với những lời chứng thu được, chúng tôi tin rằng mật độ nô lệ cao hơn thế rất nhiều.

Đức Hoàng

 

TP HCM khuyến nghị không cho tiền người ăn xin
Người ăn xin phải đóng tiền để được hành nghề ở Thụy Điển
Người ăn xin phải đóng tiền để được cấp phép hành nghề
Chăn dắt ăn xin: cuộc bóc lột siêu lợi nhuận

 

/ vnexpress.net