933 học sinh xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 trường Hà Nội- Amsterdam có bảng điểm “siêu nhân” chỉ toàn 10 trong suốt 5 năm tiểu học.
Nhìn vào bảng điểm của 933 học sinh đủ điều kiện xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhiều người không dám tin vào mắt mình. Bởi không thể tin nổi trong suốt 5 năm tiểu học, đa số các em trong danh sách này chỉ đạt toàn điểm 10 và 10, hãn hữu lắm với có một số ít em đạt điểm 9.
Đây là một kết quả đáng mừng cho ngành giáo dục, hay đáng lo vì căn bệnh thành tích về điểm số đã đạt đến mức “thượng thừa”? Đó là câu hỏi gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Quả thực, nếu một học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, cả 2 môn Toán và Tiếng Việt chỉ đạt toàn điểm 10, không có một môn nào điểm 9, thì chắc hẳn em này phải thuộc diện “thiên tài”, “siêu nhân” và có thể đạt đến trình độ của… những nhà giáo viết sách giáo khoa.
Một Toán đạt điểm 10 còn có cơ sở, còn môn Văn, nếu trong suốt 5 năm tiểu học, năm nào cũng đạt điểm 10 thì chắc chắn, học sinh đó cũng có 2 trường hợp xảy ra, hoặc là thiên tài, hoặc là một “siêu nhân học vẹt”, thuộc chuẩn xác đến từng dấu phẩy, dấu chấm câu của các bài văn mẫu.
Điều đó có đáng mừng, đáng hãnh diện, tự hào cho chúng ta hay không?
Thực sự, nhìn vào bảng điểm này, nhiều người phải ngậm ngùi thừa nhận 1 điều, đó là bệnh thành tích, bệnh “học bạ đẹp” đã ăn sâu vào nhiều bậc phụ huynh cũng như nhiều nhà trường, nhiều thầy cô giáo. Để rồi tất cả cùng chung tay góp sức tạo nên những bảng điểm “siêu thực”, đẹp như mơ, hoàn hảo đến mức khó tin. Và bảng điểm ấy chỉ để phục vụ cho mục đích chạy cho con đủ điều kiện để được dự tuyển vào những trường top đầu, trường chuyên, lớp chọn.
Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu với bảng điểm thế này, ngành giáo dục thăng hoa thế này, tại sao chúng ta có ít bằng sáng chế, phát minh đến thế? Hay chúng ta chỉ mải miết đào tạo ra những thế hệ học trò học gạo, học vẹt với những kiến thức thiên về lý thuyết trên ghế nhà trường, còn khi ra đời, chúng chỉ là những chú gà công nghiệp lơ ngơ trong cuộc sống?
Hiện tượng những lớp học có 43 học sinh thì 42 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, chỉ 1 em học sinh khá không còn là chuyện hiếm. Bởi vì có những lớp học như vậy, thì mới có những bảng điểm khiến người ta nhìn vào và thấy “choáng váng” như ở trường Ams.
Nếu không còn chuyện xét tiêu chuẩn học bạ, bảng điểm để đạt điều kiện thi tuyển vào những trường chuyên, trường chất lượng cao thì ngay lập tức, những lớp học 42/43 học sinh đạt loại giỏi đó sẽ biến mất. Phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo cũng không còn bị áp lực phải chạy đua để “làm đẹp điểm số” phục vụ cho những mục đích đó, môi trường giáo dục chắc chắn sẽ trở về bình thường.
Sự “bành trướng” của căn bệnh thành tích, lạm phát danh hiệu học sinh giỏi đang là một căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, bao nhiêu năm nay dư luận xã hội đã lên tiếng về hiện tượng này nhưng mãi vẫn chưa cải thiện được là bao. Trái lại, càng ngày căn bệnh này lại càng phát tác trầm trọng hơn, nở rộ trên diện rộng hơn.
Ngắm bảng điểm “siêu thực” của các “siêu nhân, thiên tài”, thấy lo cho tương lai của nền giáo dục, nếu cứ mải chạy theo những thành tích tô vẽ thế này, tất cả rồi sẽ đi về đâu?
'Cuộc đua' vào lớp 10 tại Hà Nội: Phụ huynh đứng ngồi không yên với nỗi lo 'dân lập' Được đánh giá là gay go, khốc liệt hơn cuộc thi THPT Quốc gia 2019, kỳ thi vào lớp 10 khiến phụ huynh lo lắng, ... |
Phụ huynh đội nắng ngóng con thi môn cuối vào lớp 10 Nhiều phụ huynh ngồi trước cổng trường chờ con trong tâm trạng lo lắng, sốt ruột khi thí sinh làm bài thi những môn cuối ... |