Việc hàng loạt “đại gia” lên tiếng sẵn sàng từ bỏ tập đoàn, doanh nghiệp “con cưng” của mình để chọn “ghế nóng” ngân hàng như ông Đỗ Quang Hiển, ông Dương Công Minh, bà Thái Hương, ông Đỗ Minh Phú đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Minh bạch nguồn gốc tài sản mới là cốt lõi”
Bắt đầu từ ngày 15.1.2018, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực, hàng loạt đại gia ngân hàng sẽ buộc phải lựa chọn một là chiếc ghế chủ tịch HĐQT ngân hàng hay làm chủ doanh nghiệp.
Việc Quốc hội thông qua điều luật này được giới chuyên gia đánh giá là một biện pháp mạnh tay bên cạnh Thông tư 36 để phòng tránh tình trạng sở hữu chéo. Đã từng có thời điểm các ngân hàng và các công ty “sân sau” cho vay chồng chéo. Việc hạn chế được sở hữu chéo, hạn chế vốn “ảo” của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông thao túng ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hoạt động hệ thống.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng “Về mặt luật pháp và văn bản thì câu chuyện có vẻ tốt đẹp nhưng ngầm sau đó vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Kinh tế Việt Nam và luật pháp Việt Nam không quy định chặt chẽ về việc minh bạch nguồn gốc tài sản. Chính vì không được kê khai minh bạch nên không ai giám sát được. Có thể các ông chủ tuyên bố rời bỏ vị trí Chủ tịch DN để làm ngân hàng nhưng người thân vẫn làm. Câu chuyện lách luật sở hữu chéo vẫn hoàn toàn có thể xảy ra”.
Vấn đề cốt lõi để xử lý dứt điểm sở hữu chéo là phải minh bạch nguồn gốc tài sản, minh bạch nguồn tiền ngay từ khi thành lập doanh nghiệp và của từng công dân, lùng nhùng ngay từ đầu. Các ngân hàng cần tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực quy định cho vay đối với doanh nghiệp và nhóm khách hàng liên quan. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ đối tượng vay có liên quan tới ông chủ nhà băng, cần phải báo ngay cho cơ quan giám sát và thường xuyên rà soát đánh giá chất lượng cho vay.
Làn sóng thay đổi lãnh đạo cấp cao
Mặc dù không còn “chính danh” điều hành doanh nghiệp, nhưng đa phần các đại gia đều nắm lượng lớn cổ phần của doanh nghiệp. Một trong những “đại gia” đầu tiên lên tiếng trước “làn sóng” biến động nhân sự cấp cao là ông Dương Công Minh. Theo thông tin từ Sacombank, hiện ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank và không còn kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch tại các đơn vị khác như CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần hay CTCP Chứng khoán Liên Việt. Trả lời báo chí, ông Minh cho biết sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT tại Him Lam để tập trung vào quá trình tái cơ cấu Sacombank. Kể từ khi về Sacombank, ông Minh “dồn dập” mua vào lượng lớn cổ phiếu STB.
Mặc dù không còn là Chủ tịch Him Lam nhưng ông Minh đang sở hữu 99% cổ phần của Him Lam. Theo ông, việc thôi chức ở Him Lam sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Khi ông rời khỏi vị trí chủ tịch, công ty sẽ thực hiện bầu lại cơ cấu của ban quản trị và dự kiến ông Trần Văn Tĩnh sẽ đảm nhiệm chức vụ này thay ông.
Ông Đỗ Quang Hiển cũng lên tiếng chọn ghế Chủ tịch SHB thay vì Tập đoàn T&T. Trao đổi với báo chí về quyết định của mình, ông Đỗ Quang Hiển cho biết “Với các doanh nghiệp như T&T, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc nhưng tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời gian tôi dành toàn bộ ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn ổn”.
Nhân vật “đình đám” tiếp theo lên tiếng lựa chọn ghế Chủ tịch ngân hàng là ông trùm kinh doanh vàng Đỗ Minh Phú. Theo kế hoạch, ông Phú DOJI sẽ thôi làm chủ tịch DOJI sau ĐHCĐ của TPBank vào tháng 4.2018. Dù đã gắn bó với DOJI 1/4 thế kỷ nhưng ông Đỗ Minh Phú cho rằng TPBank với chặng đường sắp tới có thể sẽ cần mình hơn, còn DOJI đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài và các thế hệ kế cận có thể đảm trách thay ông.
Sau 10 năm gắn bó với Tập đoàn TH True Milk - người đàn bà quyền lực - bà Thái Hương - cho biết sẽ chọn vị trí TGĐ BacABank. Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người. Tuy nhiên, bà Hương cho biết vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk. Bà Thái Hương - Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch BacABank - hiện đang trực tiếp nắm giữ 4,325% cổ phần BacABank.
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 15.8.2018, tuy nhiên trong thời gian chuyển tiếp, các chức danh chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐ thành viên, TGĐ… của tổ chức tín dụng vẫn được đảm nhiệm người quản lý của doanh nghiệp khác (nếu có) cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện nay, không gây xáo trộn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đại án VNCB: Ngụy tạo hồ sơ vay ngàn tỷ vì bị thúc ép tăng vốn điều lệ Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh thừa nhận hành vi ngụy tạo hồ sơ vay hàng ngàn tỷ tại BIDV là sai trái, nhưng ... |
6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào? Trong 45 tổ chức liên quan đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê... đang xét xử có tới 6 ngân hàng. Khoản tiền sai phạm ... |