Công ty cổ phần Đầu tư (CPĐT) Đèo Cả đã đưa ra cảnh báo hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả có nguy cơ bị đóng cửa. Nguyên nhân công ty này đưa ra là do thiếu hụt nguồn thu vì lỗi của Bộ Giao thông Vận tải (?).
Những ngày qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến việc Công ty CPĐT Đèo Cả đã đưa ra cảnh báo 2 hầm huyết mạch của cả nước là hầm Hải Vân (nối Huế - Đà Nẵng) và hầm Đèo Cả (nối Phú Yên - Khánh Hòa) có nguy cơ đóng cửa vì công ty này thiếu hụt nguồn thu cho công tác quản lý, vận hành, khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không cho thu phí ở trạm Nam Hải Vân và La Sơn - Túy Loan.
Công trình một nơi, muốn thu phí một nẻo!
Trao đổi với Dân Việt, ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CPĐT Đèo Cả cho biết, theo phương án đưa ra năm 2016, khi đó, Chính phủ đã có chủ trương cho phép Công ty CPĐT Đèo Cả được thu phí trên đoạn La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án BOT Đèo Cả và thu phí ở trạm Nam Hải Vân để hoàn vốn cho dự án mở rộng hầm Hải Vân 2... Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT lại không cho lập trạm thu phí La Sơn - Túy Loan theo hợp đồng vì lý do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi” dễ gây phản ứng cho người tham gia giao thông.
Đổi lại, ông Thủy cho hay, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ dự án.
Hầm Hải Vân. Ảnh: Đình Thiên
Liên quan vấn đề này, ông Lưu Xuân Thủy cho rằng, trong hợp đồng BOT về Phương án tài chính (PATC), nhà đầu tư được tổ chức thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan từ ngày 1.1.2019. Nhưng tháng 5.2018, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu phí tại trạm này khi chưa thống nhất với nhà đầu tư và xét ảnh hưởng của Hợp đồng tín dụng đã ký với nhà tài trợ. Điều này dẫn đến PATC bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có khả năng mất cân đối khoảng 3.200 tỷ đồng.
“Việc đơn phương thực hiện của Bộ GTVT đã vi phạm các điều khoản trong Hợp đồng dự án và ảnh hưởng trực tiếp đến các điều khoản của Hợp đồng tín dụng như “Quyền thu phí đã được thế chấp để vay vốn thực hiện dự án” gây nên tâm lý hoang mang cũng như sự bất tín nhiệm của các tổ chức tín dụng cho vay. Mặt khác, việc không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan sẽ làm phân lưu phương tiện đi qua tuyến La Sơn - Túy Loan và QL1, phá vỡ lưu lượng đã duyệt trong PATC của cả Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng và mở rộng hầm Hải Vân 2”, ông Thủy nói.
Bộ GTVT thiếu sót?
Liên quan đến kinh phí cho việc sửa chữa, trùng tu, vận hành hầm Hải Vân 1 và hoàn vốn cho việc mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ bằng ngân sách và thống nhất phương án thu hồi vốn cho dự án này bằng cách mà sử dụng trạm thu phí ở Bắc Hải Vân để thu chung cho 2 dự án (hầm Phú Gia - Phước Tượng và mở rộng hầm Hải Vân).
Bộ GTVT cũng đã giải thích không thể thực hiện việc thu phí Nam Hải Vân vì người dân đi qua hầm Hải Vân sẽ phải mất phí 2 lần, gây bức xúc vì trạm thu phí Bắc Hải Vân chỉ cách đó chưa đến 10km.
Tuy nhiên, vị Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CPĐT Đèo Cả không đồng tình với đề nghị trên của Bộ GTVT. Vị này cho rằng, việc cho đặt trạm thu phí hoàn vốn của dự án BOT hầm Phú Gia - Phước Tượng tại cửa Bắc hầm Hải Vân (vì đầu tư một nơi, thu phí một nơi) là thiếu sót của Bộ GTVT đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị khắc phục.
Hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả có ý nghĩa không chỉ về giao thông mà liên quan đến cả kinh tế, an ninh quốc phòng. Ảnh: Đình Thiên
“Việc Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư để thống nhất phương án thu hồi vốn cho 2 dự án này bằng cách mà sử dụng trạm thu phí ở Bắc Hải Vân để thu chung cho 2 dự án chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời cho sai sót của Bộ GTVT. Đặc biệt, nguồn phân bổ cho Công ty Đèo Cả không đảm bảo đủ kinh phí quản lý vận hành hầm Hải Vân (gây thiếu hụt khoảng 2.905 tỷ đồng trong vòng 28 năm). Hơn nữa, hiện nay, Công ty BOT Phú Gia - Phước Tượng và ngân hàng tài trợ vốn cho dự án này chưa đồng ý phương án của Bộ GTVT và chưa thực hiện chia sẻ doanh thu tại trạm thu phí Bắc Hải Vân cho dự án mở rộng hầm Hải Vân”, ông Thủy cho hay.
Khi trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Công ty CPĐT Đèo Cả tỏ ra không hài lòng khi hơn 1 năm qua, Bộ GTVT vẫn chưa có kết quả về việc nghiên cứu sửa đổi khung giá dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình hầm.
“Gần một năm rưỡi qua, Bộ GTVT cho nghiên cứu giá dịch vụ cho công trình hầm mà đã ra kết quả đâu? Chúng tôi không gây sức ép lên Bộ GTVT mà chúng tôi đang đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng tháo gỡ, đồng thời thực hiện theo đúng Hợp đồng đã ký. Hiện nay, do vướng mắc của Thông tư 35 nên mức thu phí quy định trong hợp đồng dự án không thực hiện được đang gây thiệt hại cho dự án mỗi tháng mất nguồn thu khoảng 7,3 tỷ đồng”, ông Lưu Xuân Thủy thông tin.
Không có chuyện gián đoạn hoạt động hầm Hải Vân do nợ tiền điện Lãnh đạo Công ty Đèo Cả và Giám đốc Điện lực Đà Nẵng đều khẳng định tiếp tục đáp ứng việc vận hành hầm Hải ... |
Báo cáo Thủ tướng về nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân Việc hầm đường bộ Hải Vân, công trình huyết mạch giao thông của cả nước đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vì thua ... |
Hầm Hải Vân, Đèo Cả không chỉ là chuyện kinh doanh Hầm Hải Vân, Đèo Cả có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì mất cân đối tài chính. Một công trình lớn như Hải Vân ... |
Hầm Hải Vân có nguy cơ dừng vận hành do thiếu kinh phí Công ty CP Đèo Cả đã chi 1.200 tỷ đồng cho sửa chữa nâng cấp và quản lý hầm Hải Vân 1 song chưa thu ... |