Bà Vũ Thị Ánh cho rằng việc phá dỡ sẽ ảnh hưởng kết cấu toàn bộ công trình và du khách mất nơi an toàn săn ảnh đẹp về Mã Pì Lèng.

Chiều 10/10, bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư nhà hàng Panorama cho hay, bà không đồng tình với đề xuất của Sở Xây dựng Hà Giang là phá dỡ 6 tầng của công trình. "Đề xuất đó không hợp lý. Tôi rất buồn và thất vọng", bà Ánh nói. 

Theo bà, việc phá dỡ 6 tầng nhà hàng nhô ra phía sông Nho Quế sẽ ảnh hưởng đến phần kết cấu còn lại, bởi công trình được thiết kế liền một khối và liên kết chặt chẽ với nhau. Đồng thời, vật liệu từ việc phá dỡ có thể gây ô nhiễm môi trường.

Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Giang Huy 

Bà cũng lo ngại, sau khi phá dỡ những ban công để chụp ảnh, khách du lịch qua đây sẽ không có địa điểm an toàn để chụp được những bức ảnh đẹp trên đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế, việc này trái với mong muốn của nhiều du khách. Thậm chí, nhiều người có thể gặp nguy hiểm khi cố gắng đứng ra phía sườn đèo để chụp ảnh. 

Hơn nữa, bà biết rằng chụp ảnh ở đây lúc rạng sáng và buổi chiều là đẹp nhất. Vậy nên mặc dù chuyên gia UNESCO khuyến nghị chỉ xây điểm dừng chân cho du khách, nhưng bà đã làm cả phòng nghỉ để "phục vụ nhu cầu của những người đến săn ảnh đẹp lúc rạng sáng và chiều tối".

"Tôi đã đầu tư vào nhà hàng rất nhiều công sức và tiền bạc. Nếu phá đi thì không biết bao giờ tôi mới trả được hết nợ bạn bè và ngân hàng", bà Ánh nói và nêu quan điểm "bên nào sai thì bên đó phải chịu. Tôi sai đâu sẽ sửa ở đó, chính quyền sai đến đâu thì phải sửa đến đó".

Thay vì tháo dỡ công trình, bà Ánh kiến nghị nhà chức trách cho bà hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến tòa nhà. "Nếu được giữ lại tòa nhà, tôi sẽ phủ xanh toàn bộ để công trình thân thiện với cảnh quan, trông như hoang sơ", chủ đầu tư nhà hàng Panorama đề xuất. 

Thời gian tới bà sẽ gửi kiến nghị đến chính quyền địa phương, nêu giải pháp khắc phục. "Nếu chính quyền vẫn quyết định yêu cầu tháo dỡ thì tôi sẽ chấp hành", bà nói.

Trước đó, ngày 8/10, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này, đề xuất phá dỡ toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế, để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Huyện Mèo Vạc được giao chỉnh trang, cải tạo phần công trình còn lại (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. 

Đồng thời, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày. Tỉnh Hà Giang sẽ tham khảo ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi ra quyết định.

 

Toà nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.

 

Tại sao lại đề xuất phá dỡ 6 tầng nhà hàng Panorama ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng?
Ngắm mã Pì Lèng không cần sàn bê tông, đừng ngụy biện với Panorama
"Cởi truồng" trên Mã Pì Lèng: Sở Văn hóa Hà Giang lên tiếng
Đề xuất tháo dỡ toàn bộ phần nhô ra sông Nho Quế của Mã Pì Lèng Panorama
Hiếu Orion khỏa thân trên Mã Pì Lèng: Tôi biết mình sai, chấp nhận chịu phạt

/ vnexpress.net