Chịu áp lực đè nặng về tài chính bởi COVID-19 hoành hành hết đợt này đến đợt khác, nhiều chủ tàu du lịch Hạ Long kiệt quệ, bị sốc tâm lý nặng.
“Đến lúc này em mệt lắm rồi, oải lắm rồi anh ạ. Tình trạng này mà kéo dài vài tháng nữa không biết em có trụ nổi không”. Đó là tình cảnh của anh Lê Dương Minh (SN 1980, chủ tàu du lịch Huy Hoàng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) khi chia sẻ với PV VTC News về thực trạng khốn đốn, kiệt quệ của các doanh nghiệp và chủ tàu du lịch Hạ Long sau nhiều đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến ngành du lịch ở đây phải tạm "đóng cửa".
Nhìn người đàn ông với chiếc áo nhăn nhúm, mặt khó đăm đăm, tóc tai rối bời, mắt sâu hoắm, không ai có thể nghĩ rằng, đây từng là một ông chủ tàu có tiếng ở Hạ Long chỉ gần 2 năm về trước. Uể oải, Anh Minh cho biết, cả năm nay, tâm lý anh lúc nào cũng nặng nề, trĩu nặng lo toan mà không biết gỡ bằng cách nào. Trong một ngày, anh phải chìm vào suy nghĩ mất mấy tiếng, gần như bị sốc và thực sự áp lực bởi phải lo bao khoản tiền chi phí mà nguồn thu thì không có, dịch dã thì cứ hết đợt này đến đợt khác.
"Hiện em rất kiệt quệ và gần như hết sức rồi", anh Minh nghẹn ngào nói.
3 con tàu du lịch của gia đình anh Lê Dương Minh giờ đang phải neo đậu, nằm im lìm bên cảng tàu khách quốc tế Hạ Long mà chưa biết đến khi nào mới hoạt động trở lại. |
Bán sạch để trả lãi ngân hàng
Anh Lê Dương Minh cho biết, hơn 20 năm về trước, anh từ quê ở huyện An Lão (Hải Phòng) ra Quảng Ninh tìm việc làm, bắt đầu rửa bát, bưng bê rồi bén duyên với nghề làm dịch vụ du lịch cho các chủ tàu du lịch ở Hạ Long.
Hơn 10 năm trước, anh cùng người thân góp chung vốn chung mua sắm tàu du lịch để tự chủ kinh doanh. Từ lúc góp 1 nửa tàu rồi đến 1 con tàu, đến nay gia đình anh Minh đã có 3 con tàu du lịch, trong đó có 1 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ thép được đóng mới. Bao nhiêu lợi nhuận tích cóp từ trước đến giờ, gia đình anh Minh dùng để tái đầu tư tàu vỏ thép mới.
Theo anh Minh, mỗi tàu vỏ thép đóng mới khoảng 7 tỷ đồng thì anh phải vay đến 5 tỷ. Đầu năm 2020, gia đình anh đóng mới 2 con tàu nên phải vay ngân hàng 10 tỷ. Từ đó đến nay, mỗi tháng anh Minh phải trả 100 triệu đồng. Ấy thế mà chưa kịp chở chuyến khách nào thì dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện rồi liên tục bùng phát hết đợt này đến đợt khác.
Từ trước đến giờ làm du lịch, bọn em có bao giờ nghĩ dịch dã kéo dài mãi và khủng khiếp như thế đâu.
Anh Lê Dương Minh - chủ tàu du lịch Hạ Long
"Từ ngày có dịch, em phải đi vay vốn để chống cự. Em dự tính nếu không có dịch thì 3 con tàu bình thường mỗi tháng cũng thu được khoảng 150 triệu, đủ trả lãi ngân hàng và còn có được một khoản để dành dụm. Bây giờ không hoạt động thì không lấy gì ra để bù đắp khoản tiền lãi đó.
Từ trước đến giờ làm du lịch, bọn em có bao giờ nghĩ dịch dã kéo dài mãi và khủng khiếp như thế đâu. Ngày xưa có dịch SARS thì chỉ kéo dài 3-4 tháng là chấm dứt, doanh nghiệp dừng hoạt động thời gian ngắn rồi lại sống lại, phát triển đều. Nhưng đợt này dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2020 đến giờ này là bọn em hết hơi rồi”, anh Minh buồn bã nói.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tháng nào doanh thu của anh Minh cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Trong khi đó, tiền lãi ngân hàng thì vẫn phải trả đều, tiền gốc thì chưa phải trả. Ngoài ra, vẫn phải chi tiền thuê nhân công trông coi, bảo dưỡng, vận hành máy, tiền điện, tiền nước…
“Giờ không có thu thì phải đi vay thôi. Em vay họ hàng, anh em, thậm chí có cái gì là bán sạch để lấy tiền trả lãi ngân hàng và các khoản chi phí. Nếu 1-2 tháng nữa dịch được kiểm soát thì em còn có cơ hội chạy tàu túc tắc kiếm đồng sinh hoạt và trả lương cho anh em nhân viên, nuôi vợ con, còn không thì không biết thế nào”, anh Minh nói.
Hết nguồn để vay, chủ tàu kiệt sức, nhân viên mất việc
Buồn bã khi nói đến nguồn tài chính, anh Minh cho biết, do không có nguồn thu nên lâu nay anh rơi vào tình trạng vay mới để trả lãi cũ, dẫn đến nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, thậm chí phải vay lãi cao để trả lãi thấp.
“Nhiều khoản chi phí lắm anh ơi! Mỗi tháng cũng phải vay đến 60 triệu để trả lãi mà từ tháng 2/2020 đến giờ thì anh biết là bao tiền rồi đó. Ngoài ra, mỗi tháng phải duy trì mỗi tàu 1 nhân viên, phải trả tiền lương và tiền ăn cho họ cũng đã mất 8 triệu rồi, cộng với tiền chi phí bảo dưỡng, vận hành, bảo trì…
5 - 6 tháng các tàu phải được đưa lên đà để bảo trì, chà đi, sơn lại vỏ tàu… 2 lần/năm, chi phí mất 100 triệu. Vậy là nhà em có 3 tàu mất 300 triệu nữa. Do phải vay tiền ngân hàng đóng tàu nên chủ tàu lại phải mua bảo hiểm cho khoản vay, mỗi năm lại phải chi khoảng 25 triệu tiền mua bảo hiểm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài hết năm nay đến sang năm mà không chấm dứt thì thực sự em không còn sức để tái đầu tư nữa”, anh Minh buồn bã.
Bên âu cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, hàng trăm con tàu du lịch đang nằm bất động. |
Cũng từ khi dịch COVID-19 hoành hành, nhân viên từng làm việc cho tàu hầu hết đã phải tự tìm việc làm để duy trì cuộc sống. Người thì đi phụ xây, người thì đi chợ buôn bán lặt vặt cho qua ngày.
“Chủ to thì 'chết' to, chủ bé thì 'chết' bé. Ngay như bản thân em đây, 3 cái tàu chống đỡ từ năm trước đến nay, thiệt hại cũng mất tầm 2 tỷ. Nhiều lúc vợ con ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, chỉ lo tiền cho nhân viên ăn uống, trông nom và duy trì tàu bè chờ hoạt động trở lại", anh Minh nói.
Những chiếc tàu ngủ đêm hàng chục tỷ cũng đang nằm 'ngắc ngoải' trong âu cảng bên vờ vịnh Hạ Long. |
Theo anh Minh, tình hình dịch bệnh COVID-19 cứ tiếp diễn thế này thì gia đình anh cũng chỉ cầm cự được 3-4 tháng nữa thôi. Nếu lúc đó ngân hàng ép quá, thì gia đình anh lại đi vay chỗ nọ đập chỗ kia.
“Khổ nỗi em đã vay nhiều rồi nên có thể sẽ không còn chỗ nào vay được nữa. Có lẽ phải chấp nhận rủi ro, vay thêm lãi cao bên ngoài để chống đỡ thôi. Vì giờ có bán tàu cũng không ai mua, người ta mua về để chở khách du lịch chứ có phải mua về để đỗ chơi đâu. Tàu du lịch giờ gần như đóng băng rồi còn giao dịch nữa đâu", anh Minh nhận định.
Giờ có bán tàu cũng không ai mua, người ta mua về để chở khách du lịch chứ có phải mua về để đỗ chơi đâu.
Anh Lê Dương Minh - chủ tàu du lịch Hạ Long
Anh Minh cho biết, bản thân anh cũng như hầu hết các chủ tàu khác mong muốn ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tàu du lịch để có chính sách khoanh nợ, giãn nợ thì chủ tàu và doanh nghiệp mới có sức để cầm cự và khi phục hồi được hoạt động du lịch, họ sẽ trả nợ cho ngân hàng.
Đến thời điểm này, theo anh Minh, nhiều chủ tàu không những cầm cố tài sản như nhà đất, xe cộ mà còn phải bán đi để có tiền chống đỡ tiếp.
"Gần 100% các chủ tàu đều vay vốn ngân hàng, nếu đợt này mà "sập" là sập nhiều, sẽ có hàng loạt chủ tàu phải đối diện với các khoản nợ xấu, tình trạng siết nợ... nếu không có các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng và Nhà nước", anh Minh dự đoán.
MINH KHANG
500 tàu du lịch Hạ Long nằm "chờ chết", bán không ai mua |
Nổ lớn ở tầng một chung cư trung tâm TP Hạ Long |
Cách ly gần 200 người trên du thuyền 6 sao ở vịnh Hạ Long |