Nói đến tình thương, không ai có một tình thương cao cả và rộng lớn như Đức Phật. Trong các tiền thân Ngài thường bố thí quốc thành, thê tử, phế bỏ ngọc ngà châu báu, cung vàng điện ngọc để đi theo tiếng gọi của lòng từ bi. Một thứ tình thương mà hy sinh cả tính mạng, vợ con là thứ tình thương vô bờ bến và chẳng thể nghĩ bàn.
Tranh chấp |
Bố thí máu |
Trong giai đoạn đầu đến thuyết giáo tại nước Kosala, Đức Phật đã tuyên bố một câu gây dư luận xon xao trong quần chúng và khiến các giáo phái đương thời bàn luận phê phán rất sôi nổi. Chính nguồn dư luận phê phán ấy đến tai vua Pasenadi làm cho Ngài rất phân vân thắc mắc. Nhà vua tự hỏi: “Tại sao Sa-môn Gautama lại bảo dễ có thương là có khổ”. Trái lại, theo vua, thương không làm cho người ta khổ, mà thương chỉ đem lại hạnh phúc và niềm vui.
Bấy giờ hoàng hậu Mallika đã được nghe Đức Phật thuyết pháp và đặt trọn niềm tin ở Ngài. Bà muốn nhà vua đến gặp Phật để được chỉ dạy, nên đánh thức vua qua câu hỏi “Công chúa Vajiri là người mà bệ hạ thương yêu và cưng chiều nhất, nếu có gì không may xảy ra cho công chúa, thì bệ hạ có lo lắng sầu khổ và thất vọng không?”
Qua câu hỏi nhà vua giật mình thầm nghĩ: Quả trong tình thương có những mầm mống của đau khổ và thất vọng. Câu nói của Phật có chứa đựng phũ phàng và cay đắng. Do đó, nhà vua quyết định tìm đến Phật.
Một hôm vua Pasenadi đến tu viện Jatavana. Sau khi an tọa Người hỏi Đức Phật: Có người bảo rằng Ngài chủ trương không nên yêu thương, vì chính yêu thương là nguồn gốc của khổ. Trẫm nghĩ điều đó có thể đúng, nhưng lòng trẫm vẫn còn phân vân, vì nếu không có yêu thương thì đời hóa ra vô vị lắm.
Đức Phật lên tiếng: Câu hỏi của Đại vương hay lắm! Bởi không có yêu thương thì trăm hoa không đua nở, vạn vật không sinh trưởng và con người cằn cỗi lạnh lùng. Do đó, cuộc đời rất cần đến sự yêu thương và bản chất của yêu thương cũng rất đa dạng: Thứ tình thương dựa trên nền tảng của dục vọng của đam mê, của phân biệt và kỳ thị sẽ đưa đến khổ đau, thứ tình thương dựa trên căn bản của lòng từ bi là tình thương siêu thoát sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc.
Tình thương thông thường của người đời là tình thương của cha mẹ và con cái, giữa chồng vợ, giữa họ hàng, giữa người cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Thứ tình thương này có gốc rễ từ ý niệm về cái tôi và của tôi, nên mang tính chất vướng mắc và kỳ thị. Người ta thường yêu mình “và cái của mình”, nên khi bị xúc phạm, bị mất mát thì phiền não, khổ đau.
Thứ tình thương mà mọi người cần có, đó là lòng từ bi. Từ khả năng đem an lạc đến cho người khác. Bi là khả năng làm vơi bớt những khổ đau của kẻ khác (Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ). Từ bi là thứ tình thương không điều kiện, nghĩa là không yêu cầu bất cứ một sự đền đáp nào. Thiếu từ bi con người sẽ xoay lưng lại với nhauk, cuộc đời sẽ khô khan buồn chán, đố kỵ, giựt giành. Có từ bi, cuộc đời sẽ tươi mát, an lành, thế giới sẽ hòa bình, hạnh phúc.
Sau khi nghe Đức Phật phân tích về tình thương vướng mắc và tình thương siêu thoát. Nhà vua thấy mình hiện ở trong trạng thái tình thương hạn hẹp và vướng mắc, nên hỏi Phật: “Trẫm có gia đình và vương quốc cần phải chăm lo, nếu không yêu thương gia đình và dân chúng trong vương quốc thì làm sao có thể chăm sóc cho họ được”.
Phật dạy: Cố nhiên nhà vua phải yêu thương những người trong gia đình và dân chúng của vương quốc, nhưng tình thương của nhà vua có thể thương yêu những người trẻ tuổi trong các vương quốc khác cũng như con trai và con gái của mình.
Vua nghĩ đây là điều khó thực hiện được, nên bảo: “Họ có nằm dưới quyền cai trị của mình đâu?”.
Phật giải thích: Sự phồn vinh và an ổn của một quốc gia không thực sự có được, nếu các quốc gia khác nghèo nàn, lạc hậu và loạn lạc, mà sự thịnh vượng hòa bình của một quốc gia chỉ dựa trên nền tảng của sự hòa hiếu và định hướng về một nền thịnh vượng chung giữa các quốc gia. Như thế, nếu Đại vương muốn quốc gia mình có hòa bình và an lạc, muốn những chàng trai trẻ khỏi xông pha ngoài làn tên mũi đạn, thì Đại vương phải giữ gìn nền an ninh thịnh trị của những quốc gia kế cận, để những chàng tria trẻ của những nước đó khỏi xông pha nơi lửa đạn. Muốn thực hiện được điều này, Đại Vương phải thể hiện lòng từ bi của mình nơi chính sách ngoại giao và kinh tế. Làm được như thế, Đại vương vừa bảo vệ nền độc lập và thịnh vượng của quốc gia mình vừa mang lại sự an ổn và hưng thịnh cho các xứ khác.
Để minh chứng tình thương thiếu hiểu biết, thiếu từ bi sẽ đưa đến khổ đau tuyệt vọng, Đức Phật kể cho vua Pasenadi nghe câu chuyện như sau: Tại kinh đô Savathi có một bà mẹ cảm thấy tình thương của mình bị mất mát, khi đứa con trai của bà đem lòng thương một cô thiếu nữ và sau đó cưới làm vợ. Lẽ ra bà mẹ kia thấy mình có thêm một đứa con, lại cảm thấy mất đi một đứa con và cảm nhận rằng đứa con trai duy nhất đã phản bội bà. Vì suy nghĩ sai lầm như thế, một hôm bà trộn thuốc độc vào thức ăn, kết quả cả con trai và con dâu đều chết hết.
Qua lời giáo huấn của Phật, Vua Pasenadi cảm thấy tâm trí mở rộng, khen ngợi và xin lãnh giáo những lời dạy của Đức Thế tôn.
Ở đây chúng ta cần phân biệt tình thương thông thường của con người mang nặng tính chất ái dục, mà nhà Phật gọi tắt là ái và tình thương vô điều kiện mà nhà Phật gọi là từ bi. Tình thương do ái dục xuất phát từ vô minh, mê hoặc, tình thương vì lòng từ bi đó do trí tuệ mà hình thành. Do đó tình thương thiếu trí tuệ không phải là tình thương chân thật. Tình thương đúng nghĩa phải làm cho người được thương yêu cảm thấy sung sướng, an lạc và hạnh phúc. Trái lại cũng là tình thương, nhưng chỉ vì đam mê, ích kỷ và chiếm đoạt sẽ làm cho người kia cảm thấy lệ thuộc tù túng, mất hết phẩm cách con người có tự do, thì đó là tình thương giả hiệu mà thôi.
Về một phương diện khác, dù tình thương không có tính đam mê và chiếm đoạt, nhưng vẫn mang chất liệu ít nhiều thương xót bên trong. Như khi thấy dân chúng bị tai nạn vì bão lụt, binh lửa, không ai mà chẳng sinh lòng trắc ẩn bi thương. Vậy đau khổ xuất phát từ lòng trắc ẩn, từ nỗi xót thương là những khổ đau cần thiết và có ích.
Đức Phật Thích-ca phân biệt hai thứ tình thương rất rõ ràng: Một loại mang tính ái dục thì vướng mắc và kết quả đưa đến khổ đau, một loại mang chất liệu từ bi thì giải thoát và đưa đến hành động cứu khổ. Muốn có thứ tình thương an lạc và hạnh phúc thật sự này, chúng ta phải biết phân biệt và thường xuyên quan sát mỗi khi tình thương phát khởi trong lòng. Nhận ra thứ tình thương “chân thật” đã khó mà nuôi dưỡng thứ tình thương vô điều kiện này lại càng khó hơn. Dù tình thương ở dạng nào cũng mang nhiều hay ít tính chất khổ đau. Sự ra đi tìm đạo của Thái tử Siddharta cũng bắt nguồn từ một niềm đau vì người khác. Song thứ xót thương ấy làm tăng trưởng lòng từ bi, tiêu diệt lòng khát ái. Có thể nói lòng từ bi chính là tình thương trong đạo Phật.