Tỉnh Quảng Ngãi quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương để ứng phó với bão số 9, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Ngày 27/10, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ký quyết định về việc thành lập Ban chỉ huy tiền phương để ứng phó với bão số 9 (Molave).

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi làm Trưởng ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 - 1
Người dân Quảng Ngãi tranh thủ xúc cát chèn mái nhà khi bão số 9 chưa đổ bộ vào đất liền.

Theo đó, Ban chỉ huy tiền phương để chỉ huy ứng phó bão số 9 do ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, làm trưởng ban. Trong số 15 Phó trưởng ban có 2 Phó Chủ tịch tỉnh là ông Nguyễn Tăng Bính và ông Đặng Ngọc Dũng.

Ban chỉ huy tiền phương có nhiệm vụ thị sát nắm chắc tình hình thực tế, kết hợp theo dõi sát diễn biến bão số 9 để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung tại công điện số 03 của Chủ tịch UBND tỉnh. Huy động lực lượng, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời chi viện, hỗ trợ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, để tránh bão số 9, ngành chức năng dự kiến di dời hơn 18.000 hộ với hơn 70.000 người dân.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi làm Trưởng ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 - 2
Người dân Quảng Ngãi được sơ tán để tránh bão số 9.

Đặc biệt, sáng nay, khoảng 5.000 người dân tại khu vực nguy hiểm ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn đã được lực lượng chức năng hỗ trợ, di dời đến khu ký túc xá của Hoà Phát Dung Quất để tránh bão số 9.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, hiện chính quyền địa phương đang huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với Hòa Phát Dung Quất để đưa số hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Nếu người dân không chịu sơ tán thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế đưa đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ.

Hồi 7h ngày 27/10, tâm bão số 9 (Molave) ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7h ngày 28/10, tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dân ven biển miền Trung dựng kè, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9 Dân ven biển miền Trung dựng kè, chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9
Ứng phó bão số 9: Cần Thơ yêu cầu chủ tịch quận, huyện không rời khỏi địa bàn Ứng phó bão số 9: Cần Thơ yêu cầu chủ tịch quận, huyện không rời khỏi địa bàn

/ vtc.vn