Chủ tịch VCCI cho rằng nếu giãn cách xã hội quá lâu, các doanh nghiệp sẽ sụp đổ, nên cần có tư duy mới, quan điểm mới, cách làm mới về chống COVID-19.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 sáng nay (26/9) đã nhận được nhiều chia sẻ của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch VCCI đề xuất hai chủ trương chống dịch mới - 1
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: VGP)

Mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài.

Đáng chú ý, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái "zero COVID". Do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch”, ông Công nói và nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Chủ tịch VCCI cho rằng quan điểm chống dịch mới này dẫn đến việc cần thay đổi chiến lược ứng phó COVID-19. Thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Hai mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có nguồn lực để chiến thắng dịch bệnh.

Từ cách tiếp cận này ông Công đề xuất hai chủ trương chống dịch mới.

Thứ nhất, nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

VCCI cũng đề nghị với Thủ tướng Chính phủ trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 23/9/2021.

Ngoài ra, ông Phạm Tấn Công còn nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết. Bởi vaccine là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Thứ nữa, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường.

Dẫn báo cáo khảo sát của VCCI, ông Công cho hay cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

“Nguyện vọng chung các doanh nghiệp đều mong các giải pháp đề ra trong nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này”, ông Công nói.

Báo cáo của VCCI cho thấy bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020.

Mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

HÒA BÌNH

Sau ngày 30/9, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở TP.HCM hoạt động thế nào? Sau ngày 30/9, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở TP.HCM hoạt động thế nào?
Hà Nội kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế như thế nào? Hà Nội kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế như thế nào?

/ vtc.vn