Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm đó là thực trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
- 10 phát biểu ấn tượng của đại biểu Quốc hội ở phiên họp về COVID-19, y tế cơ sở
- Đại biểu Quốc hội: Tăng giá điện do EVN lỗ lớn là chưa phù hợp
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước vào sáng 31/5, một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm đó là thực trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ thảo luận, nhiều đại biểu như Tô Văn Tám, Tạ Văn Hạ; Trần Hữu Hậu…đã bấm nút tranh luận với các đại biểu khác về vấn đề này nhằm đánh giá khách quan, cụ thể, đồng thời tìm “thuốc” cho “căn bệnh” này.
Tranh luận vì sao cán bộ sợ trách nhiệm
Đại biểu đầu tiên phát biểu về vấn đề này là đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) với câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Đại biểu cho rằng, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế. Đại biểu đoàn Trà Vinh đã phân tích các nhóm nguyên nhân khiến cán bộ “sợ trách nhiệm”, đó là do suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, “không muốn làm vì không có lợi ích gì” và những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng khẳng định còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. “Việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân”- đại biểu nêu rõ, đồng thời cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tranh luận với đại biểu Trần Quốc Tuấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Long An) cho rằng, với nhóm cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc như đại biểu nêu là đúng, nhưng không chỉ như vậy. Dẫn chứng một số lý do, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần phải làm sao để cán bộ công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức trí tuệ để năng động sáng tạo, thực hiện tốt công việc của mình một cách hiệu quả nhất trong khuôn khổ của pháp luật.
Cần có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám đương đầu khó khăn, tạo đột phá
Tranh luận với một số đại biểu về công tác cán bộ, tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm”, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh. Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ, nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong khi nếu như càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn như thực tế vẫn còn rất thấp; đồng thời chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc giặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được. “Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu, quan trọng là chúng ta quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc” - đại biểu nêu quan điểm.
Nêu giải pháp để giải quyết vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn, có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.
Giải pháp mà đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nêu ra là cần chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung, cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý nói riêng, các dấu hiệu sợ trách nhiệm, né tránh, không giải quyết các thủ tục hành chính.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) thì cho rằng, nếu chưa chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì tình trạng sợ trách nhiệm còn diễn ra. “Tình trạng các địa phương gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, ngành không phải hiếm gặp khi luật, các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở lên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia” – đại biểu nêu thực trạng và kiến nghị cấp thiết thành lập Tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương. Ban hành bộ quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi. Nếu địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu, áp dụng ngay quy trình chuẩn thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn rất nhiều thay vì theo hình thức gửi công văn rồi chờ đợi công văn trả lời mà vẫn bối rối như hiện nay.