Lãnh đạo TP Hội An (Quảng Nam) lên tiếng trước thông tin Chùa Cầu không giữ được vẻ cổ kính sau khi trùng tu.

Diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), khiến cây cầu trở nên lạ lẫm so với trước đây.

Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu.

Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, dự án trùng tu Chùa Cầu được thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích và được các chuyên gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như các chuyên gia Nhật Bản giám sát rất kỹ.

Trong quá trình trùng tu, thành phố cũng tiếp thu nhiều ý kiến, sau đó thảo luận kỹ rồi mới tiếp tục triển khai. Vì vậy, thời gian hoàn thành trùng tu kéo dài hơn 1,5 năm (dự kiến ban đầu là 1 năm).

Ông Sơn nhấn mạnh cần phải đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình, không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính lâu bền.

"Một công trình đại trùng tu luôn đặt ra 2 vấn đề lớn. Một là đảm bảo tính nguyên gốc của nó, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng được như gỗ, sàn, lan can nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì giữ lại. Còn những cấu kiện đã mục ruỗng thì phải thay thế để đảm bảo tính vững chắc của công trình.

Thứ hai, sau khi hoàn thành trùng tu, các cấu kiện trên thì phải sơn phết lại để bảo quản", ông Sơn nói.

Nhiều du khách cảm thấy lạ lẫm về diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi được trùng tu.

Nhiều du khách cảm thấy lạ lẫm về diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi được trùng tu.

Trong khi đó, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện trùng tu) khẳng định trùng tu có nguyên tắc của trùng tu, đặc biệt là màu sắc di tích.

Theo ông Ngọc, màu tường hay màu ngói hiện nay được dựa theo màu sắc gốc của Chùa Cầu để phục hồi.

"Màu sắc trước trùng tu là màu của gần 20 năm phai nhạt theo thời gian và chưa được sơn phết. Còn bây giờ chúng ta thấy đậm hơn là do màu gốc như vậy. Đây là quét vôi chứ không phải sơn vôi, nên theo thời gian nó sẽ phai màu rất nhanh. Ngày 3/8 tới, chúng tôi sẽ xuất bản cuốn sách ghi chép lại tất cả quá trình nghiên cứu, trùng tu để mọi người hiểu", ông Ngọc phân tích.

Trên trang Facebook cá nhân, anh Đặng Ngọc Việt - người vẽ hơn 50 bức tranh về Chùa Cầu - chia sẻ, Chùa Cầu khoác lên mình "chiếc áo mới" nên chúng ta nhìn vẫn chưa quen mắt, nhưng chỉ một thời gian sau là "chiếc áo" ấy sẽ trở nên đằm thắm, dịu dàng và phủ màu phong sương như cũ.

Màu sắc của di tích khiến nhiều người tranh cãi.

Màu sắc của di tích khiến nhiều người tranh cãi. 

Từ ngày 25/7, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn nên người dân và du khách dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau 1,5 năm trùng tu.

Nhiều người cho biết, họ cảm thấy lạ lẫm trước hình ảnh mới của Chùa Cầu. "Vào dịp cuối tuần, tôi hay đưa gia đình từ TP Tam Kỳ ra Hội An dạo phố, thưởng thức ẩm thực và đặc biệt là ngắm các công trình di tích hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, tôi thực sự bất ngờ khi thấy một Chùa Cầu khác lạ so với trước đây. Nhìn Chùa Cầu với lớp sơn mới đậm màu hơn khiến tôi có cảm giác nó hiện đại chứ không cổ kính", anh M.C.Đ. (một người dân ở TP Tam Kỳ) cho hay.

Còn trên trang Facebook cá nhân, tài khoản M.D.K. nêu thắc mắc: "Tôn tạo hay phá hoại phố cổ và du lịch Hội An".

Theo chị T.K.C. (trú ở phố cổ Hội An), các thành phần thay thế, bổ sung trong quá trình trùng tu Chùa Cầu đã được phân biệt với các thành phần gốc để tránh sự nhầm lẫn. "Không sử dụng những kỹ thuật, thủ pháp dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới, mà để chúng tự nhuốm màu thời gian. Vì vậy, người dân phản ứng cũng là điều dễ hiểu khi thấy sự tương phản giữa mới và cũ sau trùng tu", chị C. nói.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.

Thanh Ba / VTC News