Chưa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2023 là ý kiến được các bên tham gia và Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất tại phiên họp thứ nhất năm 2024 bàn về tăng lương tối thiểu vùng ngày 9/8. Mặc dù cùng thống nhất là sẽ phải tăng, nhưng phương án tăng bao nhiêu, vào thời điểm nào 1/4/2024 hay 1/7/2024 sẽ chỉ được bàn bạc và thống nhất tại phiên họp thứ 2 tới đây.

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được tổ chức ngày 9 /8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN, cơ quan đại diện cho người lao động), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số thành viên độc lập dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Sau khi cuộc họp kết thúc, trao đổi với PV chiều 9/8, ông Lê Đình Quảng (Phó ban Ban Chính sách - Pháp luật, thành viên tham gia thương lượng tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia của Tổng LĐLĐVN) cho biết, với sự chia sẻ với khó khăn của cả người lao động và doanh nghiệp, các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất về quan điểm rằng sẽ phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tuy nhiên cần xem xét mức tăng, thời điểm tăng.

1-1691629187232
Phương án tăng lương tối thiểu vùng 2024 sẽ chỉ được bàn bạc, thống nhất trong phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào cuối tháng 11 tới đây.

Tại phiên họp phía Tổng LĐLĐVN đã đề xuất mức tăng từ 5 - 6%, có ý kiến còn đề xuất mức cao hơn. Tuy nhiên sau khi nghe ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, giới sử dụng lao động, các chuyên gia độc lập, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hội ý và thống nhất sẽ chưa quyết đề xuất mức tăng lương, thời điểm tăng lương năm 2024 tại phiên họp này mà lùi đến phiên họp thứ hai.

“Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, các bên tham gia đều đồng thuận về việc tăng lương, chỉ có điều cần cân nhắc là thời điểm nào tăng và tăng bao nhiêu mà thôi. Chúng tôi hiểu, hiện nay  cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn. Do đó, mức tăng như thế nào, thời điểm tăng (từ 1/4/2024 hay từ 1/7/2024) thì phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2023 tới đây. Dù là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng chúng tôi cũng hiểu trong bối cảnh khó khăn chung, đặc biệt của doanh nghiệp một số ngành nghề hiện nay, việc xem xét mức tăng và thời điểm tăng lương là rất quan trọng. Phải tính toán làm sao để doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động”, ông Quảng cho biết.

Trước khi phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra, Ban Chính sách - Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) đã công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023. Khảo sát được tiến hành ở 6 tỉnh, chủ yếu ở vùng 1 với 3.000 người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ.

Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% người lao động cho biết không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

“Tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an. Ngoài ra, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần. Những con số cho thấy đời sống của số đông công nhân lao động hiện nay đang rất khó khăn. Họ đang phải đối mặt với những thách thức về thu nhập và việc làm”, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.

Khảo sát về tình hình, đời sống việc làm, tiền lương của người lao động này là căn cứ quan trọng cho Tổng LĐLĐVN trong quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.

Phan Hoạt / CAND