Các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu nhóm họp trong ngày 16-4 bàn về tình hình ở Syria và đưa ra các đề xuất để thực thi
Cuộc không kích Syria của Mỹ gần đây là phương án dè dặt nhất do Lầu Năm Góc đưa ra: Tấn công mạnh bằng tên lửa nhắm vào 3 mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của Syria và ngăn cản Tổng thống Bashar al-Assad tái sử dụng chúng.
Sức mạnh của ông chủ Lầu Năm Góc
Báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin nội bộ tiết lộ quyết định nêu trên của Tổng thống Donald Trump là chiều theo ý Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.
Đối mặt với sự thúc ép phải có phản ứng mạnh tay từ ông chủ Nhà Trắng trước vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học làm chết ít nhất 43 người, ông Mattis đã đưa ra 3 phương án quân sự. Đầu tiên là phương án cẩn trọng nhất: Tấn công một nhóm mục tiêu hẹp liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của Syria; hai là không kích nhóm mục tiêu rộng hơn, bao gồm những địa điểm tình nghi là cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học và các trung tâm chỉ huy quân sự; ba là đề xuất mở rộng nhất nhằm làm tê liệt năng lực quân sự của Syria mà không đụng đến bộ máy chính trị của ông Assad, trong đó không kích cả các hệ thống phòng không của Nga ở Syria.
Cuối cùng, Tổng thống Trump phê chuẩn kế hoạch phối hợp 2 phương án đầu - bắn hơn 100 tên lửa tối tân nhằm vào 3 mục tiêu của Syria. Đáng lưu ý, phương án nhiều tham vọng nhất trong số 3 đề xuất có quy mô lớn gấp 3 lần cuộc không kích mà các lực lượng Mỹ, Anh và Pháp đã thực hiện rạng sáng 14-4.
Quyết định không kích Syria mới nhất đánh dấu bài thử nghiệm đầu tiên cho ê-kíp cố vấn an ninh mới của ông Trump, trong đó vị trí trung tâm thuộc về gương mặt "diều hâu" John Bolton. Việc ông Trump chọn phương án "nhẹ" nhất chứng tỏ tầm ảnh hưởng của ông chủ Lầu Năm Góc vẫn còn rất đáng kể. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, mặc cho tổng thống Mỹ muốn không kích cả các mục tiêu của Nga và Iran, ông Mattis đã phản đối và cảnh báo về những đáp trả nguy hiểm từ Moscow và Tehran.
Các nguồn tin lý giải ông Bolton hiểu được sự tôn trọng mà Tổng thống Trump dành cho Bộ trưởng Mattis, từ đó quyết định nên nhượng bộ Lầu Năm Góc khi ông mới nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Ngoài ra, ông Bolton cũng nhận ra không kích quá mạnh tay sẽ khiến Mỹ lún sâu vào xung đột ở Syria, khiến ông phải nhận lãnh trách nhiệm chính.
Biểu tình phản đối chiến tranh Syria ở TP New York - Mỹ ngày 15-4 Ảnh: REUTERS
Đức, Pháp kêu gọi đối thoại
Sau cuộc không kích Syria, Nhà Trắng hôm 15-4 tuyên bố Tổng thống Trump vẫn còn dự định rút binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria "càng nhanh càng tốt", đồng thời nhấn mạnh các mục đích của Mỹ ở nước này không hề thay đổi. "Chúng tôi quyết tâm quét sạch IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Thêm vào đó, chúng tôi mong các đồng minh và đối tác trong khu vực nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn nữa cả về quân sự lẫn tài chính để bảo đảm an toàn cho khu vực này" - thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định.
Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay Paris đã thuyết phục Tổng thống Trump để binh sĩ Mỹ ở lại Syria dài hạn. Ngoài ra, theo đài CNN, ông Macron yêu cầu thế giới khôi phục tiến trình hòa bình quốc tế cho Syria, vốn đứt đoạn từ cuối năm 2016. Trò chuyện với tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau cuộc không kích, ông Macron đã lặp lại điều ông đã từng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13-4: "Điều ưu tiên phải là khởi động cuộc đàm phán về tiến trình chính trị đáng tin cậy và toàn diện càng sớm càng tốt".
Sáng kiến ngoại giao mà Tổng thống Macron muốn khởi động có sự góp phần của các nước phương Tây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu trên đài BFM, ông Macron khẳng định giới ngoại giao Pháp có thể đối thoại với cả Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas bày tỏ hy vọng cuộc không kích ở Syria do Mỹ đứng đầu sẽ dẫn đến một nỗ lực mới trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm qua. Tiếp xúc với đài ARD, ông Maas hy vọng "một cánh cửa đối thoại" đã mở ra với Moscow - đồng minh của Syria. Hơn nữa, ông tiết lộ các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu nhóm họp trong ngày 16-4 để bàn về tình hình ở Syria và đưa ra các đề xuất để thực hiện.
Mỹ tấn công Syria: Không còn tương lai nào cho đàm phán hòa bình? Cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria đã kết thúc song kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là gây ảnh hưởng ... |
“Tín hiệu” của NATO cho Syria, Nga và Iran sau những cuộc tấn công bằng tên lửa Tổng thư kí NATO đã đưa ra nhận định về các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria trong suốt thời gian qua. |
Mỹ gọi Anh, Pháp tấn công Syria - Nga có Trung Quốc trợ chiến? Cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp sẽ mang lại một nguy cơ đầy rủi ro khi đằng sau “sư tử” Damascus sẽ không chỉ ... |
LỤC SAN