Phương án về dự thảo học phí mới nhất trong năm học 2023-2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ theo hướng tiếp tục lùi thời gian áp dụng chính sách tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định 81 thêm 1 năm.
- Bộ GD&ĐT thanh tra mức học phí của các trường đại học
- Không để học phí trở thành rào cản với người học
- Ba địa phương đầu tiên miễn học phí năm học 2023 - 2024
Nếu phương án này được thông qua tức là ba năm liên tiếp các cơ sở giáo dục đại học không tăng học phí. Việc chưa tăng học phí nhằm hỗ trợ người học trong bối cảnh người dân còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 là chủ trương nhân văn, hoàn toàn phù hợp trong ngắn hạn.
Tuy vậy, về dài hạn, khi học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình, việc xây dựng chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho người học cần được xem là giải pháp quan trọng để học phí không trở thành “rào cản” đối với học sinh, sinh viên.
Trình phương án lùi lộ trình tăng học phí 1 năm đối với tất cả các cấp học
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD&ĐT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ về học phí trong năm học tới.
Theo dự thảo Nghị định, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học 2023-2024 áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra nhằm giảm bớt áp lực cho người học. Đồng thời giữ nguyên các quy định tại Nghị định 81 về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục…
Trước đó, đề cập vấn đề này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, giáo dục đại học có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế lâu dài bền vững đất nước. Về cơ bản, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học có 3 chân kiềng gồm: cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.
Tuy nhiên, các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Để chính sách tín dụng thực sự trở thành “phao cứu sinh”
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, nguồn lực dành cho giáo dục đại học hiện còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi, số tiền chi chưa đạt 0,78% GDP. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.
Nhiều trường đại học cũng cho rằng, việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp theo lộ trình tại Nghị định 81 khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính. Bên cạnh đó, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó.
Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng. Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách của các trường ngày càng eo hẹp. Điều này về lâu dài sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc giữ chân giảng viên giỏi, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo.
Đại diện một trường đại học thuộc khối kỹ thuật ở Hà Nội cũng cho biết, khi chưa tự chủ, trường được hưởng ngân sách Nhà nước khoảng 50 tỷ mỗi năm. Khi tự chủ một phần, số này giảm một nửa. Để duy trì hoạt động, trường trông chờ vào nguồn học phí, chiếm 80-95% nguồn thu. Giờ không được tăng học phí, nhà trường vô cùng khó khăn để duy trì hoạt động và cải thiện chất lượng, cơ sở vật chất.
Ở góc độ người được hưởng lợi từ việc chưa tăng học phí, nhiều sinh viên cho rằng, việc Bộ GD&ĐT lùi lộ trình tăng học phí 1 năm theo lộ trình tại Nghị định 81 theo yêu cầu của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với người học trong bối cảnh hiện nay là chủ trương rất nhân văn.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng học phí đại học theo lộ trình là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, hiện nay, chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ sinh viên vay vốn để nộp học phí và trang trải sinh hoạt phí mới chỉ giới hạn ở đối tượng con các gia đình nghèo, cận nghèo.
Do đó, việc mở rộng đối tượng được vay vốn tín dụng từ phía Chính phủ và các trường đại học để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong mỏi nhất hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên của Chính phủ như chiếc "phao cứu sinh", nâng đỡ sinh viên nghèo đến với giảng đường đại học. Mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên đã tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chi phí học tập bình quân của một học sinh, sinh viên rơi vào khoảng 6,5- 9,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức cho vay 4 triệu đồng/tháng của Nhà nước hiện nay khó có thể hỗ trợ tốt cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Do vậy, phần lớn học sinh, sinh viên đều có chung mong muốn Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách vay vốn cho sinh viên theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; sinh viên được vay với định mức cao hơn, thời gian vay được kéo dài hơn, đảm bảo sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.