Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, COVID-19 và cúm mùa là hai bệnh có điểm tương đồng, nhưng COVID-19 không phải là bệnh theo mùa.
- Việt Nam có công bố hết dịch sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 toàn cầu?
- 3 ngày nghỉ lễ, 11 ca tử vong liên quan đến COVID-19
Chiều 8/5, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức buổi trao đổi thông tin liên quan đến việc WHO công bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu.
TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn. Đây là điều Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh trong buổi họp báo mới đây.
Bà Angela Pratt cũng nhận định, COVID-19 và cúm mùa là hai bệnh có điểm tương đồng, nhưng COVID-19 không phải là bệnh theo mùa.
Bởi cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông nhưng COVID-19 không theo mùa. Ngoài ra, COVID-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới. “Chúng ta mới có 4 năm làm quen với căn bệnh này, trong khi các nhà khoa học đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về bệnh cúm. Vì thế, còn quá sớm để coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa", TS Angela Pratt nói.
Trong bối cảnh hiện nay, tuy WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp nhưng không có nghĩa chúng ta đã chấm dứt đại dịch COVID-19.
WHO khuyến nghị Việt Nam tập trung vào 7 lĩnh vực chính:
Thứ nhất, không bao giờ được ngơi nghỉ, lơ là. Cần duy trì năng lực của quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, tránh việc có thể bị quá tải. Với Việt Nam, khuyến nghị hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi.
Thứ 2, đưa tiêm phòng COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia - tiêm chủng suốt đời. Việt Nam có chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 rất tốt. WHO vẫn khuyến nghị Việt Nam tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao.
Thứ 3, cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới nào. Dựa trên hệ thống dữ liệu, cần chú ý số liệu về việc giảm số người tử vong hay giảm số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt. Đồng thời giám sát chặt chẽ bất cứ thay đổi nào trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh…
Thứ 4, Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.
Thứ 5, tiếp tục truyền thông, luôn huy động sự tham gia của cộng đồng. COVID-19 đã không còn là tình trạng chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn cần truyền thông để người dân hiểu và luôn cập nhật thông tin về bệnh.
Thứ 6, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.
Thứ 7, Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng - nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), virus SARS-CoV-2 vẫn có sự biến đổi, thay đổi. Đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, phải cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện.
Với việc WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho các cơ quan của Chính phủ đưa ra biện pháp phù hợp, linh hoạt, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.
GS Lân tiếp tục khẳng định, dịch bệnh COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong.
Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo trong thời gian tới, vẫn cần duy trì 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.
https://cand.com.vn/y-te/chua-the-coi-covid-19-nhu-cum-mua-i692761/