Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/1 (giờ địa phương) đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó thảo luận các giải pháp hướng tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, cuộc điện đàm ngắn ngủi khoảng hơn 30 phút này dường như chưa thể giúp hai bên tìm được tiếng nói chung.
- Israel lên kế hoạch tái định cư người Palestine ở châu Phi
- Thủ tướng Palestine: Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của Israel vào Gaza
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo sau gần 1 tháng, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các cuộc tấn công hiện nay của Israel ở Dải Gaza, các nỗ lực giải cứu những con tin hiện vẫn bị Hamas cầm giữ và vấn đề cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm, Tổng thống Joe Biden cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu không phản đối tất cả các giải pháp hai nhà nước và vẫn có thể chấp nhận một hình thức nào đó. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng, dù ông cam kết nỗ lực giúp đỡ người Palestine tiến tới trở thành nhà nước, song giải pháp này là hết sức khó khăn nếu ông Benjamin Netanyahu vẫn tại nhiệm.
Ông nói: "Có nhiều giải pháp trong giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel song giải pháp 2 nhà nước vẫn thiết thực và hứa hẹn nhất. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không khả thi nếu ông Netanyahu vẫn tại nhiệm". Làm rõ hơn về bình luận nay, cố vấn an ninh Nhà Trắng John Kirby cho hay: "Tổng thống Joe Biden vẫn tin vào lời hứa và khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, giải pháp này sẽ phải mất rất nhiều công sức. Sẽ cần rất nhiều tác động trong khu vực, đặc biệt là ở cả hai phía của vấn đề. Mỹ cam kết chắc chắn sẽ nỗ lực vì giải pháp 2 nhà nước".
Thủ tướng Benjamin Netanyahu hiện chưa có bình luận gì sau cuộc điện đàm với người đứng đầu Nhà Trắng, song trước đó, ông đã từng nhiều lần nói thẳng với các quan chức Mỹ rằng, ông sẽ không ủng hộ một nhà nước Palestine như một phần của bất kỳ kế hoạch nào sau chiến tranh. Người đứng đầu Chính phủ Israel khẳng định, ông phản đối bất cứ trạng thái Nhà nước Palestine nào mà không đảm bảo an ninh cho Israel. Theo ông, việc không có một Nhà nước Palestine không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab và nước này sẽ tiếp tục có thêm nhiều thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực.
Ông nêu rõ: "Tôi muốn làm rõ rằng, trong bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai gần, dù có hiệp định hay không, Nhà nước Israel phải có quyền kiểm soát an ninh đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây sông Jordan. Đó là điều kiện cần thiết. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, những người bạn Mỹ của chúng tôi đã không ngừng áp đặt lên chúng tôi một thực tế có thể gây tổn hại đến an ninh của Israel. Một thủ tướng ở Israel có thể nói không ngay cả với những người bạn thân nhất của chúng tôi".
Trong khi đó, phát biểu hôm 18/1 tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở TP Davos (Thuỵ Sĩ), Tổng thống Israel Isaac Herzog tuyên bố, bình thường hoá quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia sẽ là chìa khoá để chấm dứt xung đột với lực lượng Hamas tại Dải Gaza và là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho toàn bộ Trung Đông. Khi đề cập tới giải pháp hai nhà nước, cũng giống như Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông Isaac Herzog tránh đề cập trực tiếp, song cho biết, điều mà người Israel quan tâm vào thời điểm hiện nay là an ninh sau các cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10/2023.
Ông nói: "Bối cảnh khu vực là một trục cho sự phát triển và tiến bộ. Đó là một trục mang lại một chân trời tốt đẹp hơn cho tất cả các bên liên quan. Và rõ ràng lựa chọn của Saudi Arabia là một phần trong đó, vì toàn bộ quá trình bình thường hóa là chìa khóa cho khả năng thoát khỏi chiến tranh và hướng tới một chân trời mới. Tiến trình này vẫn còn mong manh và sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng tôi nghĩ rằng đây thực sự là cơ hội để khu vực tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn".
Tuyên bố đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho biết, nước này đã đồng ý với cách tiếp cận về hòa bình cho khu vực, bao gồm hoà bình cho Israel. Ông đồng thời cho biết Saudi Arabia chắc chắn sẽ công nhận Israel là một phần của thỏa thuận chính trị lớn hơn. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể đạt được thông qua hoà bình cho người Palestine, thông qua giải pháp 2 nhà nước.
Lập trường cũng được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc tới tại các cuộc thảo luận tại Davos. Theo nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ, con đường đi tới một Nhà nước Palestine có thể giúp cải thiện an ninh của Israel và mối quan hệ giữa nước này với các nước khác trong khu vực. Những động thái trên cho thấy, bất đồng giữa Mỹ và Israel trong giải pháp 2 nhà nước vẫn chưa được hóa giải, đồng thời cũng cho thấy mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong giải quyết xung đột dai dẳng giữa người Palestine và người Israel nhiều thập niên nay.
Trong một diễn biến liên quan đáng chú ý, Israel và Iran ngày 19/1 đã nhất trí giảm leo thang căng thẳng sau khi hai bên thực hiện các cuộc không kích chết người nhằm vào các mục tiêu phiến quân trên lãnh thổ của nhau trong tuần này. Bản tóm tắt cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Pakistan Jalil Abbas Jilani và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã "nhất trí cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm". Ngoài ra, hai bên cũng đồng ý giảm leo thang tình hình. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nhấn mạnh hai nước cần dung hòa và rằng, việc phá hủy các căn cứ khủng bố ở Pakistan là cần thiết. Dư luận đã đánh giá cao diễn biến mới này bởi nếu căng thẳng giữa Iran và Pakistan tiếp tục leo thang sẽ tác động nghiêm trọng tới sự ổn định của khu vực.
Lý giải về điều này, bà Suzanne Maloney, Phó Chủ tịch và là Giám đốc chính sách đối ngoại của Viện nghiện cứu Brookings (Mỹ) nhận xét: "Nếu xung đột giữa Pakistan và Iran leo thang sẽ tạo ra căng thẳng chính trị giữa hai chính phủ, trong khi cả 2 bên, đặc biệt là Iran đều đang có những vấn đề cần giải quyết. Quan trọng hơn cả, khi xung đột giữa Iran và Pakistan leo thang sẽ khiến mức độ bất ổn trên toàn khu vực lan rộng hơn trong khi Iran đang đóng một vai trò rất quan trọng trong một số vấn đề khu vực như cuộc xung đột ở Gaza, căng thẳng ở Biển Đỏ".
Trong khi đó, tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng giữa Iran và Pakistan đối với khu vực, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Căng thẳng và leo thang là điều không mang lại lợi ích cho các bên. Chúng ta không thể không quan ngại sâu sắc về điều đó. Trong bối cảnh xung đột tại dải Gaza đang diễn biến nghiêm trọng, căng thẳng giữa Iran và Pakistan sẽ không mang lại lợi ích gì cho khu vực. Trong trường hợp này, ngoại giao và đối thoại là điều duy nhất có thể giúp giảm leo thang tình hình". Trước đó, khi xung đột giữa Iran và Pakistan nổ ra, Liên hợp quốc và Mỹ kêu gọi hai bên kiềm chế, trong khi Trung Quốc đề nghị làm trung gian hòa giải.