Đó là khẳng định của GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT về đề xuất yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề.
Ý kiến của ông như thế nào về đề xuất yêu cầu chứng chỉ hành nghề giáo viên?
- Theo tôi, việc “bày vẽ” thêm chứng chỉ hành nghề chỉ là một việc làm phức tạp nhưng không thể giải quyết được tận gốc những vấn đề xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua của ngành giáo dục.
Những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm họ hoàn toàn có khả năng giảng dạy. Nếu bây giờ cần phải cấp chứng chỉ hành nghề thì phải chăng chúng ta đang “phủi sạch” đi những kiến thức họ tiếp thu được ở trên lớp hay sao? Như vậy là quá trình 4 năm đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành đều phụ thuộc vào chứng chỉ hành nghề. Trong xu hướng tinh giản giấy tờ trung gian thì việc tăng thêm một chiếc “giấy phép con” sẽ càng tăng áp lực cho nghề giáo mà không có nhiều tác dụng.
Theo ông Nhĩ, muốn khắc phục ngăn chặn sai phạm chỉ cần siết chặn Luật Giáo dục. Ảnh: Lê Hiếu
Vậy theo ông, khi nào thì chứng chỉ hành nghề thực sự phát huy tác dụng? Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chứng chỉ này?
- Chứng chỉ hành nghề giáo viên trên thế giới được nhiều nước áp dụng tuy nhiên khó để có thể “bê nguyên” về Việt Nam. Các nền giáo dục khác nhau, cần có sự học hỏi, cải tạo một cách mềm mại sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng nước.
Hiện tại, chúng ta không hề thiếu giáo viên. Các trường sư phạm cũng hoàn toàn đủ khả năng để cung cấp giáo viên cho nhu cầu thực tiễn của cả nước thì không lý gì phải áp dụng hình thức chứng chỉ hành nghề.
Chưa kể ở nhiều nước, giáo viên có chứng chỉ hành nghề thực tế chỉ là những người lao động tự do, không qua trường lớp sư phạm như ở Việt Nam. Chứng chỉ hành nghề giáo viên sau 3 – 5 năm lại phải được xét duyệt, thi cử để được cấp lại bởi những yêu cầu về đổi mới kiến thức,… Điều này dẫn tới sự tốn kém và lãng phí vô cùng vì giáo viên ở Việt Nam đã trải qua quá trình đào tạo từ trong trường sư phạm dài tới 4 năm.
Nếu thực sự chúng ta muốn có một “cánh cửa” để các sinh viên sư phạm phải vượt qua trước khi chính thức trở thành giáo viên thì nên có một năm thử thách. Sau khi các sinh viên này hoàn thành đủ các năm học, chưa cần cấp bằng ngay, yêu cầu thêm một năm thực tế hành nghề ở một trường nào đó, đạt thì mới cấp bằng.
Không có chứng chỉ hành nghề, vậy theo ông muốn khắc phục những sai phạm của giáo viên xảy ra trong thời gian qua thì phải làm gì?
- Muốn khắc phục, ngăn chặn những sai phạm, chỉ cần siết chặt trong Luật Giáo dục. Trong khi xảy ra sai phạm, tiêu cực gì, căn cứ vào luật để xử lý, thấy cần thiết thì siết luật, căn cứ theo luật mà làm, không cần phải vẽ thêm ra. Chưa chắc gì bây giờ thêm một cái giấy để cấp trung gian nữa, tức là sẽ phải cấp thêm hàng triệu cái giấy, không khéo lại sinh ra tiêu cực, phức tạp thêm.
Chửi học sinh phạt 20 triệu, tất cả quy hết ra tiền Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tất cả các lỗi chửi, đánh học sinh, ép ... |
Lăng mạ học viên là con lợn, cá thể đó hẳn là "bọ cạp" Các cụ nói “trông mặt mà bắt hình dong”, nên thú thật khi lần đầu tiên biết đến “cô giáo” chửi học viên là “con ... |