Thông tin lạm phát cao bất ngờ, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng đã tác động đến giá cổ phiếu và vàng khiến cả hai cùng rớt mạnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên 12/5 khi cả ba chỉ số chính đồng loạt đi xuống. Nguyên nhân chính là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn về khả năng lạm phát tăng mạnh.
Chốt phiên ngày 12/5, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% xuống 4.063,04 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 2% xuống 33.587,66 điểm. Tính từ đầu tuần đến hết phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 4%, còn chỉ số Dow Jones mất 3,4% giá trị. Như vậy, cả hai chỉ số có 3 ngày giảm điểm sâu nhất tính từ cuối tháng 10/2020.
Chỉ số Nasdaq cũng giảm 357,75 điểm tương đương 2,7% xuống 13.031,68 điểm. Nasdaq đã mất 5,2% nếu tính từ đầu tuần và ghi nhận 3 ngày giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3/2021.
Theo các số liệu công bố mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh hơn kỳ vọng, nhiều thành viên thị trường dự báo về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tính đến điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn so với tính toán trước đây.
Trong tháng 4/2021, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,8% - tháng tăng mạnh nhất từ năm 2009. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng đến 4,2% (mức tăng cùng kỳ của tháng liền trước chỉ 2,6%).
Lãi suất siêu thấp đã khiến cho nhu cầu đối với cổ phiếu tăng lên; các chỉ số của thị trường đã lập nhiều kỷ lục sau khi rớt xuống các mức đáy mới trong lúc Covid-19 căng thẳng vào năm ngoái.
Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Lockwood Advisors thuộc Ngân hàng BNY Mellon Pershing – ông Matt Forester lo ngại: "Lạm phát và lạm phát bất ngờ là câu chuyện xấu đối với bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong danh mục đầu tư. Nó còn dẫn đến dự báo rằng, động thái chính sách tiếp theo của Fed sẽ được đưa ra trong vài tháng tới".
Lạm phát và khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng tiềm ẩn rủi ro tác động xấu đến ngành công nghệ và nhiều loại cổ phiếu thuộc nhóm tăng trưởng (đã tăng thời gian qua và tiềm năng tăng tiếp) vốn chiếm đa số trong chỉ số Nasdaq. Nhóm các doanh nghiệp này thường có giá cổ phiếu cao dựa vào kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, việc giá cả và lãi suất tăng cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
Cổ phiếu công ty mẹ Alphabet sở hữu Google mất 3,1%, còn cổ phiếu Tesla giảm 4,4%.
Trên thị trường vàng, trong phiên 12/5, giá giảm sâu và ghi nhận phiên giảm đầu tiên trong tháng 5/2021. Giá vàng giao ngay hạ 22,50 USD một ounce xuống 1.815,40 USD. Thông tin lạm phát cao và đồng USD tăng giá tác động tiêu cực đến giá vàng.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng lên mức gần 1,67% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư; chỉ số Dollar Index tăng 0,6%.
Chuyên gia quản lý quỹ tại Altavest, ông Michael Armbruster, nhận định chỉ số CPI tăng đang đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong ngắn hạn.
Sáu tuần gần đây, giá vàng trong xu thế tăng và đến ngày thứ Hai tuần này (ngày 10/5), giá đã lên mức cao nhất tính từ tháng 2/2021 khi đồng USD giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Trên các thị trường hàng hóa, giá dầu Brent tăng 1,1% lên 69,32USD một thùng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự trữ dầu thô và các sản phẩm năng lượng từng được tích trữ trong thời kỳ đầu đại dịch tại các nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện đã được sử dụng gần hết.
Diệu Thanh (Theo WSJ, MarketWatch)
Giá vàng thế giới tăng mạnh, chứng khoán Mỹ lên điểm Đồng USD thấp kéo vàng tăng hàng chục USD một ounce, còn niềm tin vào sự phục hồi kinh tế giúp chứng khoán Mỹ lên ... |