Các quy tắc nghiêm ngặt của Trung Quốc để chống dịch sắp mở ra một làn sóng hỗn loạn mới với chuỗi cung ứng thế giới.

Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm về 0) của Trung Quốc khiến các cảng biển ùn ứ. Cùng với xung đột Nga - Ukraine, điều này có thể làm chệch hướng quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát.

Theo Công ty giao nhận hàng hóa Flexport trụ sở tại San Francisco (Mỹ), hiện mất trung bình 111 ngày để hàng hóa đến nhà kho ở Mỹ, kể từ thời điểm chúng sẵn sàng rời khỏi nhà máy ở châu Á. Số ngày này gần bằng kỷ lục 113 ngày vào tháng 1 và hơn gấp đôi thời điểm năm 2019. Hành trình đi về bờ Tây đến châu Âu thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, với mức kỷ lục gần 118 ngày.

1x_1
Hàng dài xe tải chờ để đi qua một trạm kiểm soát trên đường cao tốc ra khỏi Thượng Hải vào ngày 30/3. Ảnh: Bloomberg.

Tại Trung Quốc, tàu thuyền xếp hàng dài hơn ngoài khơi sau khi Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, bắt đầu phong tỏa. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng số tàu container đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu của cảng Ninh Ba vào giữa tuần trước là 230, tăng 35% so với thời điểm này năm ngoái.

Các container nhập khẩu ở Thượng Hải đang đợi trung bình 12,1 ngày trước khi xe tải đến vận chuyển. Con số này cao gấp gần 3 lần mức 4,6 ngày hôm 28/3. Tình trạng tắc nghẽn đã làm tê liệt nỗ lực cung cấp đầu vào cho các nhà máy và vận chuyển xuất khẩu hàng hóa như ôtô và đồ điện tử.

Vận chuyển hàng không cũng đang bị ảnh hưởng, với hàng đổ về Sân bay Quốc tế Phố Đông (Thượng Hải). Tắc nghẽn lan sang Thâm Quyến khi nơi đây chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các chuyến hàng được chuyển từ Thượng Hải. Donny Yang, Giám đốc vận tải đường biển Hãng hậu cần Dimerco Express (Đài Loan) cho biết để giải tỏa áp lực, hàng được chuyển hướng đến Ninh Ba và Thái Thương. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng chỉ đạo tạo điều kiện thông suốt hệ thống đường cao tốc.

Tại Mỹ, tổng số tàu container ở cụm cảng Los Angeles và Long Beach ít nhất là 57 chiếc tính vào giữa tuần trước, cao nhất kể từ cuối tháng 2. Một số chỉ số khác như thời gian lưu lại của container cũng đang tăng cao trở lại.

tắc cảng biển
Ảnh minh họa

Một phần hàng hóa tồn đọng của California chỉ đơn thuần là chuyển về bờ Đông để tìm kiếm các tuyến đường nhanh hơn. Hệ quả là dữ liệu từ MarineTraffic cho thấy tình trạng tắc nghẽn bị đảo ngược, khi bờ Đông vượt qua bờ Tây về lượng container xếp hàng chờ bốc dỡ.

Tình trạng tắc nghẽn ở châu Âu cũng nghiêm trọng hơn. Các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh đang hoạt động ở mức công suất cao. Họ đang phải vật lộn để nhận thêm container vì không còn không gian để chứa chúng.

Ngay cả khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh, tình trạng gián đoạn vẫn sẽ lan rộng trên toàn cầu và kéo dài nhiều năm. "Tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn năm ngoái", ông Jacques Vandermeiren - CEO của cảng Antwerp (Bỉ), cảng biển đông đúc thứ 2 châu Âu (tính theo khối lượng container) - cảnh báo.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs tuần trước thừa nhận khó khăn trong chuỗi cung ứng "có phần tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán, và chúng tôi đã điều chỉnh một chút dự báo tăng trưởng và lạm phát trong những tuần gần đây". Stephanie Loomis, Phó chủ tịch phụ trách thu mua quốc tế của CargoTrans, cho biết một số công ty có thể đã cố gắng chuyển đơn đặt hàng của họ đến nơi khác hoặc hủy đơn.

Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu và các hạn chế chống dịch của họ đã khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại và làm trầm trọng thêm tình trạng kẹt xe container.

Các cảng của Mỹ và châu Âu vốn đã ngập trong hàng hóa nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc mới này. "Khi hoạt động xuất khẩu nối lại và một lượng lớn tàu cập cảng bờ Tây của Mỹ, chúng tôi dự báo thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể", Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, cho biết.

Trong ngắn hạn, việc tắc nghẽn đồng nghĩa với chi phí gia tăng lên lưu lượng 22.000 tỷ USD thương mại hàng hóa toàn cầu, vốn đã sụt giảm vào năm 2020 và phục hồi vào năm ngoái. Về lâu dài, sự hỗn loạn đang vẽ mối liên kết của thương mại điện tử xuyên biên giới. Với một số CEO đang phải quay cuồng trong mạng lưới sản xuất xa xôi, việc mang nhà máy về gần nhà không còn là khẩu hiệu yêu nước nữa mà trở thành một nhu cầu trong bối cảnh mọi sự đều bất ổn.

Các công ty đã vượt qua những đợt hỗn loạn nguồn cung trong năm qua một phần bằng cách tăng giá và người tiêu dùng phần lớn đã chấp nhận. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung khó khăn từ Trung Quốc đặt ra thách thức đáng sợ hơn về nhu cầu hộ gia đình.

 

PV (t/h) / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống