Đại diện Con Cưng cho biết "sự cố nhãn mác" là do lỗi đơn vị gia công Thái Lan và công ty có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. 

Mới đây, một khách hàng tại TP HCM đã gửi ý kiến khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng về việc sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng - đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity - bị lỗi và tem mác có dấu hiệu bị cắt để thay thế bằng tên đại diện của siêu thị - CF (Con Cưng Fashion).

Theo thông tin từ khách hàng, người này đã mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng, trong đó có bộ quần áo thun trị giá 329.000 đồng. Tuy nhiên, khi khách hàng mang các sản phẩm về nhà thì phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF với xuất xứ ghi là "Made in Thailand".

Khách hàng này cho biết, từ vụ việc của thương hiệu Khaisilk cắt tem nhãn xuất xứ sản phẩm rồi thay thế bằng tem nhãn "Made in Vietnam" để lừa dối người tiêu dùng, khiến ông lo ngại sản phẩm của Con Cưng cũng tương tự. Ngay sau đó, vị khách này đã mang sản phẩm lỗi đến công ty để làm rõ sự việc.

chuoi sieu thi con cung bi nghi thay doi nhan mac san pham
Hình ảnh từ khách hàng với nghi vấn thay mác sản phẩm của Con Cưng.

Chia sẻ với VnExpress, ông Lưu Anh Tiến, nhà sáng lập của Công ty cổ phần Con Cưng cho biết những lỗi được khách hàng chỉ ra là "do sai sót" của đơn vị bên Thái Lan - đối tác gia công các sản phẩm may mặc với Con Cưng.

"Nguyên tắc của đơn vị gia công hàng xuất khẩu là cùng mẫu đó có thể làm cho nhiều công ty khác nhau. Khi Con Cưng ký hợp đồng với công ty này thì sản phẩm đó sẽ là duy nhất tại thị trường Việt Nam, nhưng họ vẫn có thể sản xuất cho những công ty ở các thị trường khác. Điều này dẫn tới vấn đề là có thể nhầm lẫn giữa những đơn hàng gia công cho các công ty khác nhau, nhưng cùng sản phẩm đó", ông Tiến cho biết, đồng thời chia sẻ thêm, thông tin về sản phẩm, xuất xứ đều có trên những tem, mác khác của sản phẩm, lô hàng và trên hệ thống thông tin của đơn vị, và "không thể chỉ thay mác áo có thể thay đổi cả xuất xứ sản phẩm".

Trước nghi vấn về việc sản phẩm của Con Cưng có thể chỉ gắn mác mà không phải thực chất của "Made in Thailand", đại diện Con Cưng cho biết công ty có đầy đủ giấy tờ để chứng minh xuất xứ sản phẩm, bao gồm cả giấy tờ nhập khẩu, hợp đồng gia công và giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm do cơ quan thẩm định bên Thái Lan cấp. Ông Tiến cũng cho hay, công ty này đang trong quá trình tổng hợp các giấy tờ trên và sẽ cung cấp tới các cơ quan chức năng, cũng như khách hàng trong chiều nay (21/7).

Đối với vấn đề thu hồi sản phẩm, ông Tiến cho rằng, nguyên tắc làm việc của hệ thống Con Cưng là khi nhận được phản hồi của khách hàng về lỗi và sai sót thì đơn vị sẽ hoàn tiền và thu hồi lại sản phẩm.

"Số lượng của mẫu mã này cũng không quá lớn nên khi phát hiện lỗi, chúng tôi đã tiến hành thu hồi sản phẩm và đền bù thỏa đáng cho khách hàng", đại diện Con Cưng nói và cho biết đã có khoảng 4.000 sản phẩm được thu hồi. Với riêng trường hợp của khách hàng khiếu nại cách đây hơn một tháng, công ty đã giải thích về sai sót, và đối tác bên Thái Lan cũng đã xin lỗi.

chuoi sieu thi con cung bi nghi thay doi nhan mac san pham
Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường đồ cho mẹ và bé - thị trường có quy mô ước tính khoảng 7 tỷ USD.

Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.

Được thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị mẹ và bé này tập trung chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu giai đoạn đánh mạnh vào thị phần khi liên tục mở rộng địa bàn. Chỉ riêng số mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số cửa hàng mở ra trong 5 năm trước.

"Việc mở 130 cửa hàng năm vừa qua nằm trong kế hoạch phát triển vượt 1.000 cửa hàng đến năm 2020, vì thế bản chất con số 130 là chưa nhiều", ông Tiến chia sẻ với VnExpress hồi đầu năm. Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu của chuỗi cửa hàng này đã tăng vọt từ 114 tỷ năm 2015 lên gần 524 tỷ vào năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt gần 8 tỷ đồng.

Minh Sơn

chuoi sieu thi con cung bi nghi thay doi nhan mac san pham Cuộc đua trên thị trường bỉm sữa 7 tỷ USD

Không chỉ đua mở rộng thị phần, các chuỗi siêu thị còn phải cạnh tranh với người bán hàng đơn lẻ, được hậu thuẫn bởi ...

/ VnExpress