Lãnh đạo nhiều trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng, chương trình "Sữa học đường" trong các trường tiểu học, mầm non rất ý nghĩa, có tính nhân văn và cần sớm được triển khai.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, tinh thần của chương trình là tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đang băn khoăn trước quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình này.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, không có chuyện các trường ép phụ huynh mua sữa học đường.
Đề án mang tính nhân văn
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ lùi thời gian đấu thầu do có điều chỉnh một số thông tin trong hồ sơ mời thầu.
Cụ thể, 2 vấn đề được điều chỉnh trong hồ sơ mời thầu: Thứ nhất là những quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng sữa được làm rõ hơn, nghiêm ngặt hơn; Thứ hai, các điều kiện đấu thầu được nới rộng hơn để tạo điều kiện cho nhiều hơn các nhà thầu được tham gia.
Vào 9h10 phút ngày 10/10, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chính thức mở thầu để các đơn vị tham gia. Khi có thông tin đơn vị trúng thầu, Sở sẽ công bố rộng rãi để học sinh, phụ huynh Hà Nội nắm được.
Cô Trần Thị Thúy Tình – Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, trường đã nhận thông báo của của Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức về Đề án sữa học đường.
Theo đó, Phòng yêu cầu nhà trường thông báo đến phụ huynh học sinh. trường đã triển khai Đề án từ đầu tháng 9.
Trước thông tin nhiều trường ép buộc phụ huynh đăng ký mua sữa cho con, bà Tình khẳng định: “Ban giám hiệu trường Mầm non Hồng Sơn không hề có hành động ép buộc phụ huynh mua sữa cho con, thay vào đó, nhà trường tuyên truyền, phân tích với tinh thần phụ huynh đăng ký tự nguyện, còn phụ huynh nào thắc mắc thì giải thích cho họ hiểu”.
Bà Tình cũng khẳng định "Đề án Sữa học đường" rất nhăn văn, ý nghĩa và cần sớm được triển khai sâu rộng không chỉ ở khu vực Hà Nội.
“Nhân văn ở chỗ, việc triển khai đề án sẽ giúp cải thiện chiều cao, vóc dáng thấp gầy ở trẻ. Thực trạng suy dinh dưỡng, thấp còi xảy ra ở trẻ đang quá cao. Vì vậy, đưa sữa vào học đường là phương án rất tốt.
Hơn nữa, đề án còn hỗ trợ học sinh khi giảm giá sữa so với ngoài thị trường nên sẽ rất thuận lợi cho những gia đình không khá giả”, nữ hiểu trưởng này phân tích.
Hiệu trưởng Trần Thị Thúy Tình cho rằng, nếu "Đề án Sữa học đường" được triển khai, sữa phải có tem mác rõ ràng, công ty trúng thầu và Sở GD-ĐT phải có cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo tiêu chuẩn, có kiểm định của Bộ Y tế.
Bà Tình cũng cho biết, Trường Mầm non Hồng Sơn, Mỹ Đức có tổng 73 cán bộ, giáo viên và 450 học sinh. Khi có thông báo về "Đề án Sữa học đường", tất cả những thành viên đang công tác trong trường đều rất ủng hộ.
Cũng giống như bà Tình, bà Đỗ Thị Hoàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, hiện trường mới có gần 50% phụ huynh đăng ký "Đề án Sữa học đường" nhưng trường vẫn chưa triển khai.
Bà Hoàn chia sẻ nhiều phụ huynh băn khoăn khi chưa rõ nhà thầu cung cấp sữa là ai, tên sữa là gì,....Đặc biệt, vì chưa biết những thông tin như vậy nên phụ huynh không biết được loại sữa uống có phù hợp, con họ có quen khi uống không.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân Hòa khẳng định, "Đề án Sữa học đường" hợp lý ở chỗ giá sữa được giảm, lại để phục vụ mục đích cải thiện chiều cao, cân nặng trẻ em.
Vì vậy, bà Hoàn cũng đề xuất lên cấp trên sớm cung cấp rõ tên nhà sữa, tên sữa để tuyên truyền cho phụ huynh yên tâm khi đăng ký. Ngoài ra, vì trường không ăn bán trú nên khi thực hiện "Đề án Sữa học đường", cần có phương án bảo quản sữa đảm bảo an toàn.
“Nếu Đề án Sữa học đường được thực hiện thì rất nhân văn vì cải thiện chiều cao cho trẻ và giảm chi phí mua sữa với giá cả thấp hơn nhiều với giá thị trường bán. Tuy nhiên, khi sữa về đến nhà trường, công ty trúng thầu phải đảm bảo các yêu cầu như về chất lượng, bảo quản an toàn, xử lý vỏ sữa đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường”, bà Hoàn nói.
Bà Hoàn cho biết, hiện trường Tiểu học Dân Hòa đang đợi Sở GD-ĐT Hà Nội cung cấp tên đơn vị trúng thầu và tên sữa. Từ đó, lãnh đạo nhà trường sẽ họp và đưa ra phương án cụ thể để khiển khai.
Cam kết chất lượng sữa
Dù thừa nhận "Đề án Sữa học đường" là chương trình nhân văn và cần sớm thực hiện. Tuy nhiên, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng, băn khoăn khi nhận được thông báo của nhà trường nhưng chưa biết tên sữa và đơn vị cung cấp sữa cho học sinh.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra chưa an tâm về chất lượng sữa, thành phần có trong sữa.
Theo một số chuyên gia, việc bố trí phòng, nhiệt độ bảo quản và kệ để sữa theo đúng tiêu chuẩn đang là vấn đề khó khi diện tích các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Thủ đô còn hạn chế.
Học sinh Việt Nam hào hứng với ly sữa trên tay trong một buổi sinh hoạt tập thể.
Trước những băn khoăn của dư luận về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn hiện hành của Bộ Y tế về chất lượng sữa và đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia "Đề án Sữa học đường".
Về tiêu chuẩn sữa, ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ: “Sở làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có những thành phần nào. Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở GD-ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống”.
Để chương trình "Sữa học đường" đạt mục tiêu đề ra, Sở sẽ thành lập Ban chỉ đạo quản lý và giám sát. Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm giám sát về thông số kỹ thuật theo yêu cầu của chương trình "Sữa học đường" TP. Hà Nội. Cùng với, Sở Y tế cũng giám sát quá trình giao nhận, uống sữa của các em học sinh tại nhà trường.
Vì vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định phụ huynh có thể yên tâm về chất lượng sữa, quá trình đấu thầu cũng sẽ diễn ra công khai, để chọn được hãng sữa có chất lượng tốt cũng như giá ưu đãi nhất.
Còn bà Trần Thị Thúy Tình - Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, hiện nhà trường có 50% số phụ huynh đăng ký cho con tham gia đề án này. Trong buổi họp phụ huynh vào tháng 9, nhà trường cũng thông báo, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh. Sau đó, trường đã tiến hành những khảo sát phụ huynh.
“Vì chưa biết tên công ty và sữa tên gì nên phụ huynh chưa tin tưởng đăng ký tham gia. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn hãng sữa Cô gái Hà Lan hay Vinamilk sẽ là đơn vị trúng thầu”, bà Thúy nói.
Tuyệt đối không ép học sinh tham gia
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sữa học đường khác cơ bản các sữa trên thị trường. Bởi lẽ, sữa học đường được bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao. Nhiều gia đình có thể cho con uống sữa Úc, sữa Mỹ nhưng chưa chắc sữa ngoại đã có các thành phần mà sữa học đường có.
Ông Tiến cũng khẳng định, không có chuyện các trường ép phụ huynh mua sữa học đường. Theo đó, các giáo viên nên giải thích cho phụ huynh.
“Phụ huynh chưa hiểu rõ đề án này, các trường lại nghĩ đây là thi đua nên truyền đạt sai. Về tinh thần, việc tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Nếu không có nhu cầu cho con tham gia, phụ huynh không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc.
Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia, hoặc muốn đăng ký có thể bổ sung bất cứ lúc nào. Tuyệt đối không để xảy ra chuyện ép đăng ký để xét thi đua thành tích”, ông Tiến nói.
Trước đó, đề án “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020” của Hà Nội đã nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận, phụ huynh học sinh. Theo đó, UBND TP ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện "Chương trình Sữa học đường".
Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa theo Đề án chương trình Sữa học đường, đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%…
Dù công nhận mục đích của chương trình là rất nhân văn, tuy nhiên thời gian qua xuất hiện những ý kiến tỏ ra băn khoăn và lo lắng về chất lượng sữa. Nhất là khi đến nay hãng sữa nào sẽ được đưa vào trường học vẫn chưa chốt phương án để phổ biến đến phụ huynh.
TP.HCM sẽ chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường? UBND TP.HCM đề xuất chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường trong giai đoạn 2018-2020. |
Sữa học đường: Chỉ cần công khai minh bạch, đừng có những cái bắt tay dưới gầm bàn “Tôi khẳng định, chỉ cần thành phố công khai, minh bạch, làm sao để không khuất tất thì chắc chắn 100 phụ huynh và học ... |
Cần công khai, minh bạch triển khai đề án “Sữa học đường“ Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương: Cần công khai, minh bạch, rõ ràng trong đấu thầu Đề ... |