Ngoài những quy định luật pháp, các vua chúa trong sử sách nước ta đã có nhiều chính sách được xem là hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Cầu hiền, đãi sĩ

Về chuyện dùng hiền tài thời Trần có chuyện như sau: Khi người thân có ý muốn đưa người nhà ra làm quan, Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ (1194-1264) biết rõ người đó tài trí ra sao nên đã yêu cầu phải chặt một ngón chân. Người thân hỏi sao làm vậy, ông trả lời để phân biệt quan giỏi và quan kém cỏi. Từ đó người thân không dám xin xỏ nữa.

Chuyện các vua phòng chống tham nhũng - 1

Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.

Thời Lê, vào đầu năm 1428, sau khi Đại Việt sạch bóng quân xâm lăng, Lê Lợi (1385-1433) lên ngôi vua. Ngày 18/10/1429, ông ra lệnh cho các đại thần, tổng quản và các quan từ hành khiển trở xuống rằng:

“Người xưa có câu: Vua không chọn quan mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc. Trẫm không lúc nào không suy nghĩ đến điều đó. Bởi đêm ngày lo nghĩ nên mới đem việc quân, việc nước quan trọng mà trao cho các khanh. Thế mà các khanh cứ điềm nhiên như không, trên thì phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới thì chẳng chút đoái thương đến quân dân, sao mà biếng nhác việc quan đến thế? Nay, ta ra chiếu này để răn báo, nếu không biết tự mình sửa lỗi, lại còn tái phạm, thì phép nước còn chờ đó, khi ấy đừng nói là trẫm phụ bề tôi cũ có nhiều công lao”.

Nói ra điều ấy Lê Lợi muốn bách quan nghiêm giữ phép nước nhưng trước hết quan lại, nhất là các bậc khai quốc công thần, trước phải tự làm gương. Nước thịnh hay loạn cốt ở trăm quan, dùng được người giỏi thì nước thịnh, dùng phải người xấu thì nước loạn.

Quy chế về bảo cử, tiến cử được làm rất tốt và nghiêm túc dưới thời Lê Thánh Tông (1442-1497). Nhiều trường hợp tiến cử, bảo cử không đúng đã bị bác bỏ như trường hợp Thượng thư Bộ lại Nguyễn Như Đỗ đề cử Nguyễn Thế Mỹ và 8 người để ứng tuyển vào các vị trí trong triều. Xét thấy những người ấy đều mới ra làm quan, tài cán tầm thường, nên Lê Thánh Tông lại lệnh cho cử 10 người hiện làm quan trong kinh từ hàng ngũ phẩm trở xuống để thay. Thậm chí trường hợp của Lê Niệm tiến cử người không xứng chức đã bị Lê Thánh Tông bãi miễn.

Năm 1471, dù có Lục bộ (bao gồm bộ Lại, Lễ, Hộ, Hình, Binh, Công) và Lục tự (cơ quan giúp  việc cho Lục bộ) nhưng Lê Thánh Tông vẫn đặt Lục khoa (cơ quan thanh tra, giám sát) có trách nhiệm xem xét hành vi sai trái của quan lại. Ngay cả bộ Lại, bộ có quyền hành cao nhất trong việc tuyển bổ, thăng giáng mà không đúng thì cơ quan thanh tra có quyền tố cáo, giới thiệu người khác để cho “lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng kiềm chế nhau, uy quyền không giả mà lẽ nước khó lay suy”.

Nuôi đức cho quan

Sớm có ý thức kiến thiết, xây dựng đội ngũ quan lại nên Lê Thánh Tông đã tỏ rõ quan điểm của mình: “Nhân được thời mà ra trị nước, tất phải đặt quan, phân chức, xây dựng kỷ cương, định rõ chế độ cho một đời, mở nền thái bình cho muôn thuở”.

Đặt quan để làm việc thì phải có lương bổng đủ cho họ sống và nuôi vợ con thì mới bắt họ thanh liêm được, Lê Thánh Tông cho rằng: “Người làm quan có đầy đủ thì mới bắt đầu làm điều thiện” và “triều đình có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân được”. 

Chuyện các vua phòng chống tham nhũng - 2

Tượng đồng vua Lê Thánh Tông. (Ảnh: Internet)

Năm 1473, Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn. Theo đó, việc phân cấp bổng lộc được thực hiện dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau”. 

Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương, số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ và để quan lại không vì lương bổng quá thấp so với quan trong triều mà sinh ra nhũng lạm để vơ vét của dân.

Ngoài lương, Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc... và việc ban cấp này rất hậu. Trong đó chủ yếu là lộc điền, ông coi đây là nguồn thu nhập chính. So với các triều đại, bổng lộc thời Lê Thánh Tông ít hơn nhưng lại không để cho viên quan nào có việc mà chỉ ăn không làm. Lê Thánh Tông không trông chờ nhiều vào việc tu thân của các quan nên ông đề ra các chính sách đề rèn quan.

Vua làm gương, đề cao thanh liêm

Vua Lý Nhân Tông (1066-1128) sắp băng hà đã để lại di chiếu nhắc nhở việc tang lễ phải tiết kiệm. Thời Trần có Trần Thời Kiến nổi tiếng thanh liêm được vua ban cho cái hốt với bài minh ca ngợi còn Vũ Tụ thời Lê sơ làm quan to nhưng vẫn sống thanh bần được vua ban cho thẻ bài “Liêm tiết”.

Trải qua 20 năm bị ngoại xâm, chiến tranh tàn phá, đất nước chìm ngập trong những khó khăn lớn lao nên khi lên ngôi Lê Lợi đã dồn hết tâm lực để giải quyết những công việc quốc gia đại sự. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn canh cánh nỗi lo giữ nghiêm phép nước. Ngày 26/2/1429, Lê Thái Tổ ra lệnh cho các vị đại thần và các quan hành khiển xem lại các điều lệnh của ông có điều gì phương hại đến việc quân, việc nước, hoặc giả là việc sai dịch không.

Chuyện các vua phòng chống tham nhũng - 3

Vua Gia Long. (Ảnh: Internet)

Vua Lê Thánh Tông thấy con dân của mình khốn khó đã triệt bỏ đồ nhạc, giảm bớt thức ăn. Lê Thánh Tông đề cao quan thanh liêm, thấy người tài đức, vua đã ra sắc lệnh: “Từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo... là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ”. Người được đề cử vào chức vụ ấy sẽ thử việc trong một năm, nếu xứng thì giữ nguyên không đổi sang chức khác.

Với quan viễn biên, nếu thanh liêm, “hết lòng vỗ về thương yêu dân, không nhũng nhiễu” và việc thu thuế vẫn đầy đủ thì khi mãn hạn 6 năm hoàn thành công việc sẽ cho chuyển về nơi tốt hơn.

Không chỉ vậy, Lê Thánh Tông còn thưởng tiền bạc, thăng quan chức cho những viên quan tốt. Vua truyền: “Nhà ngươi (Nguyễn Thiện) làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để lấn át cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ty lễ giám đem sắc dụ đến ban khen thưởng cho bạc lạng”. Hay trường hợp của Nguyễn Phục, người luôn ăn nói ngay thẳng do đó được thăng làm Tham chính Thanh Hóa và thưởng nhiều vàng bạc.

Ràng buộc bằng các quy định  

Từ thời nhà Lý đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Trong quy định về thể lệ thu thuế đã định rõ: Quan lại thu thuế của dân, ngoài 10 phần đóng vào kho nhà nước, được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Khố ty thu thuế lụa, nếu ăn lễ của dân để lấy lụa thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng, nếu lấy từ 1 đến trên 10 tấm thì theo số tấm sẽ thêm phối dịch 10 năm. 

Luật Hồng Đức của nhà Lê cũng có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng xứng đáng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng: “Người thu lúa thuế ruộng mà giấu giếm giảm bớt không đúng sự thực thì người cáo giác được thưởng tùy theo việc nặng nhẹ”.

Còn trong Hoàng Việt luật lệ ban hành thời vua Gia Long (1762-1820) có 17 quyển trong đó có quy định riêng cụ thể các điều khoản với tội nhận hối lộ. Đến triều vua Minh Mạng (1791-1841) đã cho sửa chữa và bổ sung để hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng. Tiêu biểu là luật Hồi tỵ (hồi là trở về, tỵ là lánh ra, Hồi tỵ có nghĩa là tránh ra hay lánh đi). Đây là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền thời Minh Mạng.

Luật ban ra nhằm ngăn chặn những trường hợp vì tình riêng đạp lên phép nước, kéo bè, kéo cánh hà hiếp dân lành để tham nhũng. Ngoài các biện pháp nhằm ngăn ngừa tệ tham nhũng, Minh Mạng còn cho đặt cơ quan chuyên giám sát các hành vi của quan lại và mở rộng giám sát trong quần chúng nhân dân. Những biện pháp chống tham nhũng Minh Mạng đề ra khá chặt chẽ, toàn diện, công khai. 

Những dẫn chứng trên chỉ là số ít trong rất nhiều các chính sách phòng chống tham nhũng trong các triều đại phong kiến. Bài học lịch sử từ nhà Lý cho đến nhà Nguyễn cho thấy: Nếu đời vua nào để tham nhũng tràn lan, lòng dân bất an không sớm thì muộn cũng sẽ bị tiếm quyền, hay còn bị kẻ thù bên ngoài nhòm ngó.

(Còn nữa)      

https://vtc.vn/chuyen-cac-vua-phong-chong-tham-nhung-ar672322.html                                                                                                                                                               

NGUYỄN NGỌC TIẾN / Theo VTC News