80 năm trước, thường dân Julio DeCastro cùng các đồng nghiệp của ông ở căn cứ hải quân Hawaii đã ra tay hiệp nghĩa cứu mạng 32 thủy thủ bị mắc kẹt ngay bên trong tuần dương hạm hạng nhẹ U.S.S “Oklahoma”.

Tác giả David Kindy, nhà báo, nhà văn tự do kiêm nhà phê bình sách sống ở Plymouth (Thịnh vượng chung Massachusetts, Mỹ) sẽ kể một câu chuyện rất mới về một trong những chiến dịch giải cứu thành công nhất trong sự kiện Trân Châu Cảng. Ông Kindy chuyên viết về lịch sử, văn học cùng các đề tài khác như Hàng không và Vũ trụ, Lịch sử quân sự, Thế chiến II,  Lịch sử hàng không…

1.jpg -0

Tàu tuần dương U.S.S Oklahoma (phải) bị lật úp nằm cạnh thiết giáp hạm U.S.S Maryland. Ảnh nguồn: CORBIS / Corbis via Getty Images

Chiến công thầm lặng

Khi ông Julio DeCastro, một nhân viên dân sự đang làm việc ở xưởng chữa tàu của Trân Châu Cảng, thì nhìn thấy chiếc tuần dương hạm USS Oklahoma bị lật úp ngay buổi sáng bi kịch của ngày 7-12-1941, tai ông nghe tiếng gõ liên hồi của các thủy thủ đập tay vào thân tàu. Vài giờ trước đó, trong cuộc tấn công điên cuồng, dữ dội và đầy bất ngờ vào căn cứ quân sự Honolulu, các lực lượng Thiên Hoàng đã oanh tạc vào những chiến hạm Mỹ bằng ngư lôi, khiến con tàu nghiêng hẳn về một bên trong khi đang có hơn 450 thuyền viên dưới boong tàu. Suốt 2 ngày kế đó, ông Julio DeCastro đã lao động cật lực để tới được chỗ những người lính. Cuối cùng sau rất nhiều nỗ lực, người dân Hawaii cùng các công nhân ở xưởng chữa tàu đã cứu hộ thành công tổng cộng 32 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.

Hành động dũng cảm này đã được trích dẫn trong một sự kiện triển lãm mới mang tiêu đề “Tưởng nhớ Trân Châu Cảng” tại Bảo tàng Thế chiến II Quốc gia (thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana) nhằm đánh dấu 80 năm ngày xảy ra vụ tấn công Trân Châu Cảng. Nói về sự kiện này, ông Tom Czekanski, giám hộ cao cấp kiêm quản lý trùng tu tại Bảo tàng Thế chiến II Quốc gia tự hào phát biểu: “Chỉ là dân thường, nhưng ông Julio DeCastro hành động theo sáng kiến của riêng mình, ông tự lập nhóm, cầm dụng cụ và thiết bị và dần dà họ đã chui sâu vào thân tàu. Họ chấp nhận hy sinh tính mạng để cứu người khác”.

2.jpg -0

Các thủy thủ cố gắng dập tắt đám cháy trên thiết giáp hạm U.S.S West Virginia. Ảnh nguồn: U.S. Navy / Interim Archives / Getty Images

Vụ tấn công vào Trân Châu Cảng sáng ngày 7-12-1941 để lại một căn cứ hải quân Hawaii ngập trong lửa. Trong vòng 1 tiếng 15 phút, không quân Nhật đã phá hoại hoặc hủy diệt 19 chiến hạm Mỹ. Tổng cộng có 2.403 lính và thường dân Mỹ đã hy sinh trong các trận oanh tạc dữ dội. Trong những bài tường thuật hoặc kỷ niệm về Trân Châu Cảng, những người lính già như Dorie Miller (đầu bếp người Mỹ gốc Phi đã được trao Huân chương Thập tự hải quân về việc đã bắn hạ 2 máy bay Nhật) và ông Aloysius Schmitt (tuyên ủy hải quân đã nhận được Ngôi sao bạc vì hy sinh thân mình để cứu 12 thủy thủ thoát khỏi tàu USS Oklahoma) luôn được ngợi ca vì lòng dũng cảm của họ. Nhưng, sự thật cay đắng rằng cho đến ngày hôm nay, có rất ít người biết về những cống hiến của ông Julio DeCastro cùng các đồng nghiệp của ông. Tờ Honolulu Star-Bulletin từng viết rằng khoảng tháng 3-1942, Julio DeCastro cùng đồng nghiệp của ông đã đến hiện trường với những chiếc đèn hàn, súng đục lỗ khí nén, máy nén cùng những dụng cụ khác để phá lớp vỏ bọc thép dày của tuần dương hạm USS Oklahoma.

Nỗ lực nghẹt thở

Ông Tom Czekanski giải thích: “Trước tiên, họ thử dùng đuốc nhưng khoang bên dưới tàu đã bốc cháy. Thời điểm đó lớp sơn dầu phủ một lớp dày trong tàu nên nó dễ phát hỏa. Sơn bám trên sắt đã bén lửa”. Lần đầu không ăn thua, lần sau nhóm cứu hộ đã dùng súng bắn đạn ghém. Được trang bị những cái đục, những dụng cụ này sử dụng áp suất khí nén nên nhanh chóng đập mạnh vào vỏ thân tàu và cắt đứt thép, đó là cả một quá trình chậm rãi và nhiều sức lực. Ông Tom Czekanski giải thích: “Nhiều thiết giáp hạm thời đó thường gia cố lớp giáp dày tới 40cm để bảo vệ thân tàu. Còn ở đáy tàu chỉ đơn thuần là thép đặc. Căn bản là tốp cứu hộ đã cưa thủng sắt chỉ bằng búa và đục”. Có một sự thật là các công nhân cũng không hay biết thứ gì đang nằm dưới chân họ.

5.jpg -0

Ông Julio DeCastro (hàng ngồi, thứ 2 từ trái qua) cùng với gia đình. Ảnh nguồn: University of Hawaii Archives and Manuscripts Department / HWRD photos

Có lẽ tất cả họ đều hiểu rằng những cây đục trong tay mình có thể chọc thủng bồn nhiên liệu, kho thuốc súng, hầm chứa đạn hoặc các dạng vật liệu nổ khác. May sao, viên chỉ huy E.P.Kranzfelder đã nghĩ ra một giải pháp táo bạo. Trong lúc tiếp cận thiết giáp hạm USS Maryland khi nó neo đậu gần tuần dương hạm USS Oklahoma, ông Kranzfelder đã tìm thấy một cuốn sổ tay hướng dẫn có liệt kê nhiều sơ đồ cùng thông tin chi tiết về chiếc tàu bị lật. Chính “Cuốn sách về các kế hoạch chung cho tàu Oklahoma” đã tiết kiệm thời gian và nhiều sinh mạng khi các công nhân cố gắng vượt qua sống tàu (thuật ngữ) để giải cứu các thủy thủ bị kẹt bên trong. Ngay cả khi đã có sách hướng dẫn, việc giải cứu cũng rất vất vả và mất thời gian. Các công nhân làm việc miệt mài dưới ánh nắng chói chang ban ngày và hơi lạnh buốt khi đêm về để cố hết sức phá thân tàu.

Tờ Honolulu Star-Bulletin dẫn lời kể của ông Julio DeCastro: “Lúc chúng tôi đang hì hục làm việc, thiết giáp hạm USS Arizona vẫn cháy, ánh sáng chói từ nó hắt vào chúng tôi. Trong suốt một giờ đó các trận địa pháo vang dậy đì đùng. Nhưng chúng tôi vẫn làm không nghỉ. Nếu ngọn lửa quá nóng, thân tàu cũng chảy nước và hy vọng thật mong manh”. Ông Stephen Bower Young là một trong những thủy thủ bị mắc kẹt trong tuần dương hạm USS Oklahoma, ông cùng 10 đồng đội khác ở dưới tháp pháo, họ bị mắc kẹt gần đầu tàu. Khi nguồn cung oxy dần cạn kiệt và nước bắt đầu dâng lên trong khoang tối đen như mực, Young cùng các đồng đội thay phiên nhau dùng cờ lê đập vào thân tàu theo tín hiệu mã Morse “SOS”. Sau này khi công bố cuốn sách “Mắc kẹt tại Trân Châu Cảng”, tác giả Bower Young nhớ lại: “Chúng tôi không hay biết gì ngoài kia đang có những nỗ lực cứu hộ cho đến khi nghe âm thanh của búa nén khi bình minh ló rạng trên quần đảo”.

Khi nhóm cứu hộ đang hết sức dùng búa phá vỡ thân tàu, thêm một vấn đề khác nảy sinh. Những vết cắt khiến không khí từ bên ngoài chui lọt vào trong thân tàu, và nước chảy xuống khoang dưới. Các thủy thủ cố gắng bịt các lỗ hở nhưng rất nhanh họ bị chìm sâu xuống. Không thể lâu hơn được nữa, nhóm cứu hộ đã dùng hết sức để phá thủng thân tàu. Công nhân Joe Bulgo chui vào bên trong đầu tiên và kéo những thủy thủ ra ngoài. Một thủy thủ mệt lả chỉ vào khoang cạnh bên thều thào: “Trong đó còn người mắc kẹt”. Khoang lân cận này chuyên dùng để đựng áo khoác và các đồ vật cá nhân. Khi đó, thủy thủ Bower Young, người đang bị mắc kẹt bên trong nghe tiếng Julio DeCastro vang lên: “Chúng tôi sẽ không để sót người nào”.

Giải cứu thành công

Joe Bulgo mất cả tiếng để phá vách ngăn khoang, ông rạch 3 vết cắt và hét lớn: “Nhìn vào tay tôi đây này các anh” khi dùng búa tạ đập mạnh vào vách tường. Bower Young và 10 thủy thủ leo ra an toàn. Tổng cộng Julio DeCastro và các đồng nghiệp đã giải cứu an toàn cho 32 thuyền viên trong tàu USS Oklahoma. Trong tổng số gần 1.400 sĩ quan và thủy thủ đã có 429 người tử nạn trong vụ tấn công. Tới tháng 6-1944, các thợ lặn đã tìm thấy thi thể những thủy thủ cuối cùng. Việc thiết giáp hạm USS Arizona chìm đã chiếm khoảng một nửa tổng số người chết trong vụ tấn công Trân Châu Cảng với 1.177 sĩ quan và thủy thủ tử trận. Những nỗ lực bắt chước giải cứu như Julio DeCastro đã thất bại khi những chiến hạm bị chìm đầu tiên đều khó khăn và nguy hiểm để tiếp cận.

3.jpg -0

Tổng cộng 429 thủy thủ đoàn trên tuần dương hạm Oklahoma đã tử trận trong vụ tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh nguồn: Lucy Pemoni / Getty Images

Đối với thiết giáp hạm USS West Virginia, mãi vài tháng sau đó các thợ lặn hải quân mới tìm thấy tử thi của 3 thủy thủ Ronald Endicott, Clifford Olds và Louis Costin trong khoang kín gió. Sử gia hải quân Michael Lilly, Giám đốc sáng lập ra Hiệp hội tưởng niệm các nạn nhân của thiết giáp hạm USS Missouri (USSMMA), tác giả của cuốn sách “Nimitz at Ease” giải thích: “Hải quân Mỹ nhận thấy việc cứu hộ là quá nguy hiểm”. Cho đến bây giờ, cựu sĩ quan hải quân Michael Lilly vẫn còn thảng thốt: “Việc giải cứu thực sự khiến tôi ám ảnh nếu một trong các thủy thủ nghe có tiếng ai đó bên ngoài đập mạnh vào thân tàu suốt nhiều giờ liền. Cảm giác đó chưa khi nào rời khỏi tâm trí tôi. Thật tuyệt vọng khi nghĩ đến những người khác không được ai đến để giải cứu, không được đưa ra ngoài. Tôi cảm thấy bất lực và đau lòng”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

Nga tung video tập trận gần Hawaii, Nhật Bản nhắc khéo Mỹ trận Trân Châu Cảng Nga tung video tập trận gần Hawaii, Nhật Bản nhắc khéo Mỹ trận Trân Châu Cảng
Thủy thủ Mỹ nổ súng khiến 3 người bị thương rồi tự sát tại Trân Châu Cảng Thủy thủ Mỹ nổ súng khiến 3 người bị thương rồi tự sát tại Trân Châu Cảng

/ antg.cand.com.vn