Giáo sư Dale Fisher cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của các chuyên gia WHO là sự kiện quan trọng để trao đổi thông tin nhưng ít khả năng họ đưa ra được kết luận.

"Tôi có kỳ vọng rất thấp về việc chuyến thăm này đưa ra được kết luận", Dale Fisher, giáo sư người Australia tại Đại học Quốc gia Singapore, chủ tịch Mạng lưới Cảnh báo & Ứng phó với Dịch bệnh Toàn cầu do WHO điều phối, nói trong hội thảo Reuters Next ngày 11/1.

2050 https s3 ap northeast 1 amazon 3324 1350 1610419494
Một phụ nữ làm xét nghiệm nCoV tại Thanh Đảo, Trung Quốc hôm 13/10/2020. Ảnh: Reuters.

Fisher chỉ ra đây sẽ là cơ hội để các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc ngồi lại với nhau, trao đổi về những dữ liệu họ có và xây dựng mối quan hệ. Họ sẽ quyết định cần phải tìm hiểu thêm thông tin hay thực hiện thêm những nghiên cứu nào.

"Tôi nghĩ đây là một cuộc họp quan trọng nhưng không nên kỳ vọng quá cao về kết quả lần này", Fisher, từng có mặt trong phái đoàn WHO đến Vũ Hán vào năm ngoái, đánh giá.

10 nhà khoa học thuộc nhóm chuyên gia WHO sẽ được nhập cảnh Trung Quốc từ ngày 14/1 để điều tra về nguồn gốc Covid-19. Họ dự kiến phải cách ly trong hai tuần và có khả năng sẽ đến thăm Vũ Hán, nơi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên hồi cuối năm 2019.

Chuyến thăm diễn ra muộn hơn một tuần so với lịch trình ban đầu. Hôm 5/1, WHO cho biết nhóm chuyên gia không được Trung Quốc cấp visa, dù một số thành viên đã lên đường. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khi ấy đã bày tỏ thất vọng trước thông tin và kêu gọi Trung Quốc để nhóm chuyên gia này nhập cảnh thực hiện nhiệm vụ. Bắc Kinh sau đó lý giải đoàn chuyên gia chưa được phép nhập cảnh không chỉ do vấn đề visa, song hai bên vẫn tiếp tục đàm phán về "phương án và thời gian cụ thể" cho chuyến thăm.

"Vấn đề truy vết nguồn gốc vô cùng phức tạp. Để đảm bảo công việc của nhóm chuyên gia quốc tế tại Trung Quốc diễn ra thuận lợi, chúng tôi phải tiến hành các thủ tục cần thiết và thu xếp phù hợp", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 6/1.

Mặc dù không mong đợi chuyến đi này trả lời được tất cả câu hỏi và đã hơn một năm trôi qua kể từ khi các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, Fisher tin rằng cơ hội tìm ra nguồn gốc đại dịch hiện giờ tốt hơn nhiều so với năm trước, vì các chuyên gia biết họ cần thu thập dữ liệu gì dựa trên thông tin đã có, như các nghiên cứu về kháng thể từ huyết thanh ở những quốc gia khác hay vấn đề nước thải.

Dự đoán về diễn biến dịch sắp tới, Fisher nhận định thế giới sẽ không sớm trở lại bình thường. "Để trở lại bình thường, chúng ta cần đạt được miễn dịch cộng đồng ở phần lớn quốc gia trên thế giới và chúng ta sẽ không thấy điều đó vào 2021. Có thể một số quốc gia sẽ đạt được, nhưng điều đó chưa chắc dẫn đến bình thường hóa việc kiểm soát biên giới và các vấn đề khác", ông nói.

Ông cho rằng vẫn sẽ có thêm ca nhiễm và ổ dịch, tuy nhiên, vaccine có thể hạn chế lây nhiễm diện rộng trong cộng đồng. Vì vậy, trong quá trình triển khai vaccine, một số nước có thể nới lỏng các hạn chế.

Tuy nhiên, Fisher nhấn mạnh đây là kịch bản nếu việc triển khai vaccine diễn ra tốt đẹp. "Chúng ta chưa nắm được mọi thông tin cần phải biết về vaccine. Chúng ta có thể tự tin rằng chúng an toàn và hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng nếu vaccine hết tác dụng sau 6 hoặc 12 tháng thì sẽ có những vấn đề mới phát sinh. Vì vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về tương lai", ông nói.

Phương Vũ

Trung Quốc nói gì sau khi bị tố chặn chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc COVID-19? Trung Quốc nói gì sau khi bị tố chặn chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc COVID-19?

Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng để các chuyên gia của WHO tới điều tra dịch COVID-19 sau khi Tổng Giám đốc WHO nói Trung ...

Vì sao Trung Quốc chưa cho chuyên gia WHO nhập cảnh điều tra nguồn gốc COVID-19? Vì sao Trung Quốc chưa cho chuyên gia WHO nhập cảnh điều tra nguồn gốc COVID-19?

Nhóm chuyên gia WHO vẫn chưa vào được Trung Quốc để tiếp tục điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

/ vnexpress.net