GS.TS Lê Huy Bá cho rằng, việc Rạng Đông không công bố minh bạch các hóa chất độc hại trong sản xuất bóng đèn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Trả lời VTC News, GS.TS Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, việc Công ty Rạng Đông không công khai, minh bạch thông tin về hóa chất độc hại sử dụng để sản xuất bóng đèn sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.
GS. TS Lê Huy Bá cho rằng, Công ty Rạng Đông phải công khai, minh bạch các loại hóa chất đã sử dụng. |
Chuyên gia này chỉ ra sự gian dối của Công ty Rạng Đông qua việc công bố thông tin bất nhất, khiến dư luận hết sức hoang mang.
“Ban đầu, Công ty Rạng Đông báo cáo từ năm 2016 công ty chỉ sử dụng viên amalgam để sản xuất bóng đèn và lượng amalgam trong kho bị cháy chỉ còn vài kg. Tuy nhiên, qua đấu tranh của Tổng cục Môi trường, Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng. Lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là từ 15,1 kg đến 27,2 kg”, GS.TS Lê Huy Bá cho hay.
Theo ông, lẽ ra ngay sau vụ cháy, công ty phải công bố minh bạch cụ thể các loại hóa chất đã sử dụng trong sản xuất, các nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất thế nào, có chất thải hay không.
“Đấy là trách nhiệm của một công ty, phải cho công chúng biết ngay sau thảm họa cháy. Để từ đó, công ty này có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc đưa ra phương hướng giải quyết, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Công ty Rạng Đông chưa làm được điều này”, chuyên gia phân tích.
Không có chuyện để xảy ra vụ cháy có tính chất nguy hiểm, được xem là thảm họa môi trường như vụ cháy Rạng Đông mà chỉ ngồi rút kinh nghiệm, lấp liếm cho qua chuyện.
GS, TS Lê Huy Bá
GS, TS Lê Huy Bá cho rằng thủy ngân rất độc hại, nguy hiểm. Kể cả ở dạng nguyên tố hay dạng hơi thì việc phát tán thủy ngân trong không khí, đất và nước đều rất nguy hiểm.
Thủy ngân phát tán, tích lũy và phóng đại sinh học ở thực vật, động vật. Con người ăn rau quả, động vật nhiễm độc vào, tích tụ lâu ngày, 4 đến 5 năm sau mới phát bệnh, nguy hiểm nhất là ung thư…
“Triệu chứng thể hiện rõ nhất là mắt mờ, run rẩy, đau đầu… Về lâu dài, hóa chất độc hại từ thủy ngân xâm nhập, tích lũy trong mỡ, gan, thận đến lúc đủ độ lớn thì bùng phát thành ung thư, quá trình phát triển rối loạn tạo thành u”, ông Lê Huy Bá nói.
Hiện nhiều nước phát triển áp dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (PPP – polluter pays principle). Khi để xảy ra ô nhiễm môi trường thì cá nhân, tổ chức đó phải trả tiền khắc phục hậu quả, phải đánh giá tác hại, mức độ ảnh hưởng để đền bù.
Theo ông Lê Huy Bá, ở các nước phát triển không có chuyện để xảy ra vụ cháy mang tính chất nguy hiểm, được xem là thảm họa môi trường như vụ cháy Rạng Đông mà chỉ ngồi rút kinh nghiệm, lấp liếm cho qua chuyện, mà phải làm rõ trách nhiệm đền bù, bồi thường thiệt hại, thậm chí xác định xem có truy cứu trách nhiệm hình sự không.
Cho rằng sự tồn tại các khu công nghiệp trong khu dân cư, trong nội đô là rất nguy hiểm, nhất là những nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường khi xảy ra sự cố như Rạng Đông, ông Ba đề xuất các giải pháp di dời nhà máy khỏi khu dân cư, tính toán đặt cuối hướng gió, trồng thêm hành lang rừng để bảo vệ môi trường.
“Về lý thuyết, đã có rất nhiều người đề cập đến các giải pháp trên nhưng làm được trên thực tế lại rất ít. Do đó, cần quyết liệt, nói đi đôi với làm để bảo đảm an toàn sức khỏe, môi trường sống của người dân”, ông Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Trước tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân về ảnh hưởng của việc rò rỉ thủy ngân tại Công ty Rạng Đông đối với sức khỏe, PGS, TS Trần Văn Thụy (Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dư luận cần hết sức bình tĩnh, chờ kết luận, đánh giá tiếp theo của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn.
“Các công bố vừa qua chỉ mới là đánh giá ban đầu. Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, chuyên môn đang tiếp tục phân tích, đánh giá để có kết luận. Chúng ta cần bình tĩnh chờ”, PGS, TS Trần Văn Thụy nói và nhấn mạnh, dưới góc nhìn khoa học, trữ lượng thủy ngân phát tán ra môi trường về mặt khối lượng mới chỉ là một góc độ. Quan trọng hơn là phải đánh giá được phương thức phát tán của thủy ngân.
Theo ông, sau vụ cháy, một số cơ quan vội vàng đến quan trắc và công bố ngay kết luận. Tất cả những công bố này là chỉ mới dựa trên quan trắc nhanh - phương pháp cho kết quả rất hạn chế, độ tin cậy vừa phải.
Chuyên gia Trần Văn Thụy cũng cho rằng, trong khi chờ kết luận tiếp theo, Công ty Rạng Đông nên tổ chức thăm hỏi người dân quanh địa bàn bị ảnh hưởng của vụ cháy, đồng thời đưa ra những phát ngôn phù hợp.