Các chuyên gia thuế cho rằng, chuyển giá không hẳn là hành vi bất hợp pháp, chỉ những hành vi gian lận nhằm trốn thuế mới là bất hợp pháp.
Tại hội thảo "Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới" ngày 9/11, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chuyển giá xuất hiện không chỉ ở khu vực FDI, ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng có hiện tượng này.
Theo ông Toàn, khái niệm về chuyển giá có nhiều cách hiểu khác nhau. Ở Việt Nam hiểu chuyến giá là hành vi dẫn đến trốn thuế, lách thuế. Những giao dịch liên kết là giao dịch hết sức bình thường, nhất là doanh nghiệp xuyên quốc gia, tập đoàn lớn. Do đó, theo ông, cần làm rõ hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, thế nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.
Nhìn nhận về chuyển giá, ông Wayne Barford - Cố vấn cấp cao Trung tâm thuế và đầu tư quốc tế, cựu trợ lý Uỷ viên Sở Thuế vụ Australia chia sẻ, chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát.
Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập. "Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp", ông Wayne khẳng định.
| |
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu trong danh sách nghi vấn chuyển giá. Ảnh: Anh Tú |
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu năm 2018 cho thấy, gần 38% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ trong năm 2017. 90% doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các đơn vị cùng ngành nghề đều có lãi. Thua lỗ nhưng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thực tế, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham nói, chuyển giá là chuyện bình thường, không có gì ngạc nhiên. Theo ông Adam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn.
Do vậy, sự đánh đồng chuyển giá với trốn thuế sẽ tạo ra thách thức, rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Amcham nhấn mạnh, cần thiết phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí, cổ phần.
Đề cập tới dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, những quy định về giao dịch liên kết nêu tại dự luật khá chi tiết, đầy đủ và minh bạch. Tuy nhiên ông đề nghị cần cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính và có quy định khắt khe về thanh tra doanh nghiệp. Cùng đó, doanh nghiệp có tham gia hoạt động liên kết phải kê khai rõ các giao dịch này, giá của các giao dịch, tạo thuận lợi minh bạch rõ ràng và giảm thiểu tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Cần cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này, nhất là những giao dịch nội bộ hợp pháp giữa các doanh nghiệp trong những tập đoàn đa quốc gia để tránh tạo ảnh hưởng tiêu cực với môi trường đầu tư tại Việt Nam", Phó chủ tịch VAFIE lưu ý.
Thu hút FDI vào ngành dầu khí: Vẫn còn nhiều rào cản pháp lý Một số hạn chế của Luật Đầu khí và các văn bản pháp luật liên quan có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn ... |
Những câu hỏi chưa lời đáp sau dòng vốn FDI Sau ba thập kỷ nhận vốn đầu tư nước ngoài, vẫn còn những mặt trái mà Việt Nam chưa thể tìm ra cách xử lý. |
Không có chuyện doanh nghiệp FDI sa thải 80% người lao động ở độ tuổi 30-35 Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã nói như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ... |