Mức xuất siêu dự kiến lên đến gần 30 tỷ USD của năm 2023 đã tăng gần gấp 3 lần năm 2022, là mức xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay.
Con số này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đưa kết quả xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước.
Nỗ lực lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, năm nay, trừ rau quả và gạo có kim ngạch xuất khẩu khá hơn, còn lại hầu hết các ngành hàng đều giảm, kể cả các nhóm ngành hàng chủ lực như: Điện thoại, dệt may, da giày… Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó cả về đơn hàng, giá xuất khẩu và đàm phán mở thêm các đơn hàng mới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do khó khăn chung của tình hình thế giới nên người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Tình hình lạm phát gia tăng khiến nhu cầu hàng hoá bị hạn chế. Các doanh nghiệp nhập khẩu ít đi vì còn nhiều hàng tồn kho sau đợt tích trữ vì lo ngại dịch Covid-19 lan rộng. Do Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất khẩu hàng hoá đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên xuất khẩu gặp khó khăn là đương nhiên.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang dựng lên ngày càng nhiều các hàng rào phi thuế quan cũng như đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng hàng hoá mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Để duy trì hoạt động và trả lương cho công nhân, nhiều doanh nghiệp phải nhận các đơn hàng nhỏ hoặc chấp nhận bán hoà vốn.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ, phải khẳng định rằng các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và các Hiệp hội, doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
“Bộ Công Thương là “tư lệnh ngành”, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu và thị trường nội địa. Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã nỗ lực tìm các thị trường ngách, các thị trường mới cho doanh nghiệp thông qua việc đàm phán, tiến tới ký kết các FTA với nhiều bạn hàng ở khu vực châu Phi, Trung Đông… Bên cạnh đó, tích cực phổ biến về các FTA để doanh nghiệp tiếp tục chiếm lĩnh sâu hơn các thị trường truyền thống” – ông Vũ Vinh Phú nói.
Đồng thời, một hoạt động được ông Phú đánh giá cao là các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức hàng tháng để giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, giúp giới thiệu và quảng bá sâu hơn về hình ảnh hàng hoá Việt Nam. Bộ Công Thương đã liên tục phát đi các thông tin về sự thay đổi của các thị trường về yêu cầu tiêu chuẩn hàng hoá, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc – một trong những đối tác lớn nhất của nước ta. Đây cũng là lý do giúp Trung Quốc là thị trường duy nhất duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương trong nhóm các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp gạo và rau quả đã nỗ lực lớn để không ngừng gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đây là điểm sáng trong không chỉ nhóm nông sản mà còn trong tất cả các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta.
Với kết quả như vậy, cán cân thương mại cả nước tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận vì đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong nhiều năm qua.
Kỳ vọng gì cho năm 2024?
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 được đánh giá là gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, năm 2024, khi tình hình địa chính trị ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động xuất nhập khẩu được nhận định sẽ khởi sắc trở lại.
Để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, ông Phú kiến nghị, đối với xuất nhập khẩu hiện còn gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics còn cao. Ví dụ, Thái Lan đưa hàng sang Trung Quốc chi phí còn rẻ hơn Việt Nam. Do đó, phải đầu tư cho lĩnh vực logistics vì đây là yếu tố quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát đang diễn biến ngày càng phức tạp nên các quốc gia đều có yêu cầu chung là làm sao hạ giá thành sản phẩm. Cho nên phải xem xét lại chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp hạ giá thành. Giữ uy tín cho hàng hoá xuất khẩu để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đặc biệt, coi trọng vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp. Cho phép doanh nghiệp vay bằng tín chấp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu để giúp doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục đơn giản, dễ dàng hơn. Sớm phân biệt doanh nghiệp làm ăn chân chính để có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Với điều này, việc Bộ Công Thương công bố danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng năm là điều rất quan trọng và cần thiết”.
Đặc biệt, các chính sách chỉ là một phần, điều quan trọng hơn cả chính là sự nỗ lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, phối kết hợp xây dựng các chiến lược xuất khẩu phù hợp theo yêu cầu. Tìm hiểu kỹ thông tin và tiêu chuẩn thị trường để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước sở tại.