Sự cố phát tán thủy ngân trong vụ cháy Rạng Đông chưa tác động ngay nhưng nguy hiểm về lâu dài, khi thủy ngân vô cơ biến thành hữu cơ, gây độc gấp 10.000 lần.

"Thủy ngân là một kim loại độc hại với môi trường và sức khỏe con người. Bất kỳ sự phát tán nào cũng là không mong muốn. Vì thế, khi có sự cố xảy ra thì nên cảnh giác", giáo sư Jozef Pacyna, Đại học Khoa học và công nghệ AGH, Ba Lan, nói với VnExpress về vụ cháy kho của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hôm 28/8.

Đang giữ vai trò chủ trì của Hội thảo Quốc tế về Ô nhiễm Thủy ngân lần thứ 14 kéo dài đến 13/9 tại Ba Lan, Pacyna rất quan tâm đến thông tin vụ cháy đã làm phát thán lượng thủy ngân ước tính lên đến hơn 27 kg. Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam hôm 4/9 công bố không khí phía trước và trong khu nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO 10-30 lần. Ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của nhà kho và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m. Lãnh đạo Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong
Đám cháy tại nhà kho của Công ty Rạng Đông ở Hà Nội hôm 28/8. Ảnh: Ngọc Thành.

Đánh giá về mức độ nguy hại của sự cố, giáo sưPacyna khẳng định 27 kg thủy ngân là rất lớn nhưng nó chưa có tác động ngay lập tức đến sức khỏe con người.

Ông phân tích, thủy ngân phát ra sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông là dạng vô cơ. Trong khi đó kim loại chỉ độc hại khi nó ở dạng hữu cơ, độc hơn 10.000 lần so với thủy ngân ở dạng vô cơ. Thủy ngân vô cơ trở nên độc hại sau quá trình methy hóa, là quá trình chuyển đổi diễn ra trong môi trường nước hoặc bị hòa tan vào đất, nhiễm vào nguồn thực phẩm như cá, hải sản. Sau khi tích tụ trong không gian, thủy ngân sẽ rơi xuống mặt đất hoặc mặt nước và trở nên nghiêm trọng.

"Lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông không gây nguy hại ngay lập tức khi nó ở trong không khí, vì quá trình nó trở nên độc hại với con người có thể mất đến vài tháng hoặc vài năm", Pacyna nói.

Ý kiến này của Pacyna cũng nhận được sự đồng tình của một số nhà khoa học đang tham gia hội thảo quốc tế về thủy ngân tại Ba Lan, khi ông trao đổi với họ.

Về phạm vi ảnh hưởng của sự cố, giáo sưPacyna cho biết 27 kg thủy ngân chắc chắn bị phát tán trong không khí và có thể đi xa khỏi nguồn là nhà kho của Công ty Rạng Đông. Lượng thủy ngân tích tụ trong không khí phụ thuộc vào khối lượng phát ra của nó, hướng gió, lượng mưa.

Việc cần phải làm hiện nay, theo giáo sư Pacyna là Việt Nam thực hiện giám sát độ tập trung và độ tích tụ thủy ngân trong không khí.

"Các bạn nên có một bản đồ về mức độ tích tụ thủy ngân sau đám cháy và sẽ có bức tranh về lượng người có thể bị ảnh hưởng", ông nói.

Sau khi xác định được nơi tập trung nhiều thủy ngân, cần lấy mẫu tóc của người dân trong khu vực để kiểm tra. Thủy ngân có thể đi vào máu, vào cơ thể con người và thể hiện mức độ ô nhiễm qua mẫu tóc. Pacyna cho hay thực phẩm là con đường chính mà thủy ngân có thể nhiễm vào cơ thể người.

Pacyna khẳng định các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể ước tính được mức độ ô nhiễm thủy ngân trong không gian bằng việc sử dụng mô hình đo độ phân tán, là mô hình phổ biến trên thế giới. Qua trao đổi với các đồng nghiệp Na Uy, ông biết rằng Na Uy và Việt Nam đã có một số dự án hợp tác về lĩnh vực kiểm soát thủy ngân.

Đặc biệt lưu ý đến dữ liệu "điểm quan trắc cách cống xả Công ty Rạng Đông 1 km có 12 trong 13 mẫu trầm tích và bùn đáy hàm lượng thuỷ ngân vượt quy chuẩn 6,1 lần" do Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam công bố hôm 4/9, ông Pacyna cho biết lượng thủy ngân vượt 6,1 lần cho phép là kết quả của sự tích trữ trong một thời gian dài.

Ông lý giải không thể có việc thủy ngân có trong trong trầm tích và bùn đáy chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ cháy của Công ty Rạng Đông. Kim loại này cần đi qua mặt nước rồi mới đến các lớp bên dưới. Ông cho rằng dữ liệu đó cho thấy khu vực bị nhiễm thủy ngân từ nhiều năm nay, có thể là do kim loại này bị rò rỉ, được gọi là "sự phát tán mang tính lịch sử".

Theo Pacyna, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông dẫn tới một vấn đề là việc rò rỉ thủy ngân chưa từng được điều tra và nó cần được thực hiện.

"Đó là vấn đề rất nghiêm trọng, đòi hỏi sự chú ý và phản ứng của giới chức Việt Nam", ông nói.

chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong Cận cảnh bộ đội hoá học tẩy độc nhà xưởng Công ty Rạng Đông
chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong Bộ trưởng Trần Hồng Hà sống gần Rạng Đông, khuyên dân yên tâm
chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong Tẩy độc tại Công ty Rạng Đông: Rùng mình hình ảnh trong nhà kho bị cháy
chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong Chuyên gia Ba Lan: Cần có bản đồ thủy ngân tích tụ sau vụ cháy Rạng Đông
chuyen gia quoc te khuyen cao xu ly thuy ngan vu chay rang dong Lực lượng quân đội tẩy độc Nhà máy Rạng Đông như thế nào?

/ vnexpress.net