Dư luận vốn đã quen với chuyện dê, bò, gà, vịt… đi lạc vào nhà cán bộ, nay thêm chuyện “nhà” có chân, nhưng sao lại chỉ "đi nhầm" vào nhà cán bộ?

“Bóc ngắn, cắn dài” là câu thành ngữ nói về kẻ khó, làm ra ít mà tiêu lại nhiều. Câu ấy ngày xưa vốn dành cho mọi tầng lớp xã hội, cả quan lẫn dân.

Ngày nay nói thứ dân “bóc ngắn cắn dài” thì vẫn đúng, nói quan chức cũng thế e là hơi lẩm cẩm, quan nhỏ nhất cấp xã, phường (dân gian gọi là “quan cỏ”) cũng chả ai phải “bóc ngắn cắn dài”.

Chủ tịch một xã ở huyện G.L Hà Nội xây cái nhà vài tỷ, có cổ phần ở nhà máy trên cánh đồng của xã, nếu tính chi ly tài sản của vị ấy chắc không phải chỉ năm bảy tỷ.

Đày tớ của dân, mọi cấp bậc có ai “nghèo rớt mùng tơi” không? Đem câu hỏi này hỏi mấy chục người, tất cả đều lắc đầu: “không có”.

Hỏi mấy chục người thì quá ít, không thể dựa vào đó để kết luận, nếu bạn đọc mỗi người hỏi thêm mấy chục người, hỏi được khoảng vài trăm ngàn thì chắc chắn sẽ có cái nhìn tổng thể về độ “dài” mà công bộc thời hiện đại “cắn” hàng ngày.

Từ “cắn” trong câu thành ngữ nêu trên dùng khi ăn, “cắn” đôi khi còn được dùng để tự vệ.

Tuy nhiên “cắn” để mưu cầu hạnh phúc, để lo tương lai cho con cháu, lo xây nhà thờ dòng tộc thì ngay cả người mơ mộng nhất cũng chưa chắc dám nghĩ tới.

Một cô nàng eo thon vừa bị đại gia cho đo ván từng nói “không tiền cạp đất mà ăn à”.

Rõ thật là chân dài nhưng tóc ngắn, đất mà không “cạp” được thì sao người ta bất chấp sĩ diện, bất chấp công lý lăn xả vào cạp lấy cạp để?

Chỉ một nhát “cạp” là cả một vạt rừng, có cả hồ nước, cây xanh nằm gọn trong túi, chuyện ấy ở xứ mình không lạ.

Một trong những người có biệt tài “cạp đất” là vợ ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái - Phạm Sỹ Quý, nghe đồn ông ấy là em ruột Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà.

Trong có một ngày, bà vợ ông Giám đốc sở “cạp” được hơn vạn mét vuông đất.

Báo chí còn kể vanh vách các quyết định cấp đất viết cùng lúc nên số mới liền nhau, lại còn đó là đất vàng đất bạc gì đó nằm ở vị trí đắc địa nữa.

Thế thì xin hỏi các nhà báo, nếu mà đất ấy là nơi “khỉ ho cò gáy”, nơi “trâu gõ mõ, chó leo thang” thì liệu có ai thèm nhảy vào, mà đã thế thì lấy đâu chủ đề để các cánh phóng viên múa bút?

Trả lời báo chí về chuyện này, ông Giám đốc “thật thà, thẳng thắn” rằng: “luật không quy định một ngày phải giới hạn ra bao nhiêu văn bản”.

Đúng là chẳng có luật nào quy định một ngày chính quyền được phép ban hành bao nhiêu văn bản, vì thế dân miền ngược quê ông chỉ có thể khen ông Phạm Sỹ Quý, rằng ông thông minh quá, thông minh không chịu nổi.

Hàng trăm (có khi đến hàng nghìn) gia đình người dân thuộc các dự án thủy điện đang không có đất tái định cư, thế mà vợ ông Giám đốc làm kinh doanh chứ chẳng phải người có công cán gì với dân với nước lại được chính quyền cấp những hơn vạn mét vuông đất làm nhà?

Đã thế ông Giám đốc còn khẳng định: “khu đất được cấp từ năm 2015 và việc mọi việc đều hoàn toàn theo đúng trình tự luật định”.

Chắc nhà báo ghi không sai nguyên văn lời ông Giám đốc sở, nghĩa là chính quyền thành phố Yên Bái “cấp” chứ không phải là bán hơn vạn mét vuông đất cho một người vốn là dân buôn (kinh doanh).

Chỉ có mỗi điều hơi khác, người buôn bán đó chính là em dâu bà Bí thư tỉnh?

Những nước giàu có nhất thế giới như Qatar cũng chẳng thể làm được chuyện này bởi theo quy định, khi thanh niên Qatar lập gia đình, nhà nước cấp không một mảnh đất diện tích từ 1200 đến 1800 mét vuông và họ tự xây nhà.

Đất nước nghèo như Việt Nam lại cấp không cho dân một diện tích lớn gấp 10 lần mà Qatar cấp cho dân liệu có phải là chuyện cổ tích?

Có lẽ đành phải “bắc thang lên hỏi ông trời”, rằng ở nước Việt Nam dưới trần thế có luật nào quy định có thể lấy đất công cấp cho dân buôn bán một lúc hơn vạn mét vuông làm nhà?

Không biết khi làm sổ đỏ, ông í phải nộp bao nhiêu lệ phí?

Nghe nói rằng vị lãnh đạo cao nhất Tỉnh ủy Yên Bái thông báo đã biết chuyện và đã chỉ thị cho cơ quan chức năng thanh tra vụ việc.

Kể ra thì ở cái tỉnh miền ngược ấy, chuyện ngược đời cũng chẳng nên lấy làm lạ, chị gái lại không biết gì về cái cơ ngơi hoành tráng hơn vạn mét vuông của em trai, chỉ khi báo chí giật tít đùng đùng thì mới “nghe nói”, mới chỉ thị này nọ???

Người xưa có câu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, đầu tiên là việc nhà, sau mới đến việc nước rồi mới đến chuyện năm châu bốn biển.

Nếu việc nhà, việc của em trai còn chưa biết thì liệu có đủ thời gian và tâm trí lo cho cả tỉnh?

Nói như trung tướng Nguyễn Xuân Tỷ (khi ông còn là đại biểu quốc hội khóa 13): “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.

Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Thông tin trên Batdongsan.com.vn cho hay giá đất tại các vị trí đắc địa ở thành phố Yên Bái không dưới 10 triệu đồng một mét vuông.

Nếu quả đúng thế thì chỉ qua mấy cái văn bản cấp đất “đúng trình tự luật định” gia đình ông Chánh sở, em ruột bà Bí thư tỉnh đã bỏ túi ngon ơ món to.

Mà ông í không phải mới làm cán bộ vài năm, vậy nên con số mà Trung tướng Nguyễn Xuân Tỷ nêu lên chắc không có gì phải bàn luận.

Kho tàng chuyện cười Việt Nam hiện đại có chuyện “trái tim có chân”, chuyện ấy kể chỗ đông người không tiện nhưng mà chuyện “nhà có chân” thì không có gì phải ngại. Nguyên văn thế này:

Trong một cuộc thi tài năng trẻ do Đoàn Thanh niên tổ chức, đề thi yêu cầu: “bạn hãy nêu cảm nhận của bạn về khái niệm “nhà” ”.

Một thí sinh dự thi không viết chữ nào, bài thi của người này nộp vẽ một ngôi nhà có chân đang bước về phía một dinh thự hoành tráng phía xa. Khi giám khảo hỏi vì sao nhà lại có chân, thí sinh trả lời như sau:

Báo Tienphong.vn, cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên ngày 27/5/2017 có bài: “Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Không để “đi nhầm” vào nhà cán bộ” ”.

Như vậy, chính báo Trung ương Đoàn đã khẳng định “nhà có chân”!

Thật là vui vì dư luận vốn đã quen với chuyện dê, bò, gà, vịt… đi lạc vào nhà cán bộ, nay thêm chuyện “nhà” có chân, nhưng sao “nhà” lại chỉ “đi nhầm” vào nhà cán bộ thì không thấy Tienphong.vn giải thích cặn kẽ.

Người Việt cổ thường không ưa các loài “thành tinh” tức là các loài - cả động vật và thực vật - sống lâu đến mức tinh khôn như người, cáo thành tinh (hồ ly tinh), gà thành tinh (kê tinh), cây thành tinh (mộc tinh),…

Có lẽ xã hội hiện đại đã tạo điều kiện xuất hiện thêm một loại “tinh” mới, đó là “cạp đất tinh”, có khá nhiều “cạp đất tinh” mà báo chí đã chỉ mặt vạch tên khắp mọi miền từ Nam ra Bắc.

Hơn chục năm trước, báo Thanhnien.vn ngày 22/9/2005 cho biết 9 quan chức bao gồm lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban, ngành tỉnh Trà Vinh mỗi vị mua lô đất diện tích 135 mét vuông với giá 800.000 đồng/m2 sau đó bán lại với giá 400 triệu một lô.

Tu luyện thêm hàng chục năm nên các “cạp đất tinh” đương nhiên phải trở nên lão luyện.

Về điều này trang Tin nhanh Việt Nam ra thế giới Vietbao.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21/5/2012 nêu câu hỏi “Bí thư Hải Dương xây nhà vườn trăm tỷ?”.

Bài báo viết: “Khu nhà vườn rộng tới 5.000m2 tọa lạc xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang (Hải Dương), được thiết kế thành một quần thể nhà vườn hoành tráng mà giới bất động sản ước tính có giá trị lên tới cả trăm tỷ đồng”.

Năm 2005 “cạp đất” mới ở mức 135 mét vuông, đến năm 2012 là 5.000 mét vuông và đến vụ ở Yên Bái năm 2017 này thì diện tích lên đến 13.000 mét vuông.

Như vậy sau 12 năm diện tích đất mà các “cạp đất tinh” chiếm được đã tăng khoảng 100 lần từ 135 mét vuông lên 13.000 mét vuông?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương có biết cán bộ, đảng viên giàu thế không, có biết “cả họ làm quan” là thế nào không? Chắc chắn là có biết, vậy tại sao cho thôi việc “cán bộ hư” lại khó thế?

Nói “cho thôi việc” đã khó chứ đừng nói “xử lý hình sự”.

Có phải trở thành cán bộ công chức là cầm sẵn chiếc thẻ miễn tội, cùng lắm là “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”, là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác khi có sai phạm như ông Cục trưởng “cấp phép Quốc ca”.

Có lẽ đó là một trong những tiêu chí khiến người ta lao vào làm công chức, đạp lên lưng nhau để làm lãnh đạo. Nếu làm lãnh đạo mà không giàu, không được miễn hoặc giảm nhẹ tội thì chả ai tội gì “ôm rơm nặng bụng”.

Đất nước chắc không thể tiến hành cuộc cải cách ruộng đất lần thứ hai, nhưng có nên để tồn tại tầng lớp “cường hào, ác bá mới”, những kẻ đang cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân - như cách nói của ông Nguyễn Xuân Tỷ?

Câu trả lời chắc chắn là không thể, vấn đề còn lại là bao giờ và ai tiến hành nếu không phải là nhân dân?

/ Theo báo Giáo dục