Hè vừa tới, các bậc phụ huynh ở thành phố đã nháo nhác tìm cách gửi con. Trong "trăm phương ngàn kế", một lựa chọn được vạch ra là đưa con vào các trung tâm/lớp học thêm để học liên tục nhiều ca/ngày, nhiều môn/buổi hoặc "gửi khoán" thầy cô.
Khi thầy cô thành "người trông trẻ"
Ca dạy luyện chữ kết thúc từ 19h30 nhưng đến 21-22h tối, phòng học của cô giáo trẻ Trần Huyền Trang (Chung cư Mipec Riverside Long Biên, Hà Nội) vẫn đang ồn ào tiếng trẻ đùa nghịch. Đây là những bạn nhỏ mà bố mẹ chưa kịp đón nên cô đành trông giữ hộ.
"Những ngày hè như thế này, đây là chuyện xảy ra cả ca sáng lẫn tối. Bố mẹ bận đi làm nên cứ đưa con đến đây rồi gửi "khoán" cho cô. Có phụ huynh nhờ cô cho con học liền hai ca hoặc cô kèm thêm ngoài giờ cho hiệu quả nhưng thực chất, tôi hiểu là do họ bận quá, không đủ thời gian đưa đón con nên nhờ trông giúp. Thương mấy đứa trẻ nên gắng sức, chứ cũng mệt lắm!" - cô giáo này nói.
Tương tự như Huyền Trang, Hoàng Minh Đức - giáo viên dạy Dancesport tại một trung tâm có tiếng ở Hầ Nội chia sẻ: "Giáo viên nam như tôi mà còn bất đắc dĩ thành "vú em" vào dịp hè như thế này. Có cháu học ca nhảy 9h30-11h sáng rồi học múa tại trung tâm từ 1h-2h30 nên cha mẹ "thả" ở đây cùng thầy cô luôn. Có đứa thì bố mẹ chuẩn bị đồ ăn trước, có đứa thì ăn với thầy cô luôn. Giờ nghỉ trưa mà chúng chạy nhảy, chơi đùa ầm cả phòng tập. Chúng tôi không dám chợp mắt, phải trong chừng suốt."
Thầy cô đâu phải "ba đầu sáu tay"...
"Cha mẹ tin tưởng mới giao con cho mình nhưng trông nom, bảo vệ các cháu ngoài giờ học rất vất vả. Tan giờ học là các con nghịch ngợm, nô đùa khó quản lắm. Có lần do mải lấy nước cho các bạn uống nên tôi không quan sát hết cả lớp. Một bạn thấy bố mẹ bạn khác đến đón, cũng chạy ra chờ bố mẹ mình rồi chạy nhảy, đuổi nhau và đi lạc ra phố khác. May là tìm được cháu ngay, cả bố mẹ lẫn cô được phen hú vía" - Huyền Trang lo lắng kể.
Huyền Trang cũng cho biết thêm: Trong phạm vi lớp học cũng đã tồn tại nhiều nguy hiểm với trẻ em. Một chiếc cốc không may bị vỡ, góc cạnh bàn ghế, quạt cây đang chạy... đều có thể làm các em bị thương khi đùa nghịch không có cô quan sát. Nếu ra khỏi khuôn viên lớp học, trẻ còn đối mặt với trăm nguy cơ khác như tai nạn, bắt cóc, lạc đường...
"Một thầy cô với cả chục học sinh thì "ba đầu sáu tay" có khi còn khó quản, huống chi chúng tôi là người thường. Học văn hóa hay học nghệ thuật đều có thời gian cố định, không chỉ để học sinh nghỉ ngơi mà cũng là để thầy cô nghỉ nữa. Sau gần ấy thời gian đứng lớp, chúng tôi mệt nhoài, không thể đảm bảo giúp phụ huynh trông các cháu an toàn được." - Minh Đức nói. "Bây giờ xã hội nhiều tệ nạn. Một phút lơ là, các bé có thể trở thành nạn nhân của xâm hại hay bạo lực. Như vậy, chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ, lo lắng không yên".
Cha mẹ cẩn trọng là không thừa
Chính những thầy cô như Huyền Trang, Minh Đức cũng thừa nhận, không phải giáo viên nào cũng thật sự yêu thương học sinh và làm tròn trách nhiệm nhà giáo. Cha mẹ nếu đặt niềm tin nhầm chỗ sẽ hóa "giao trứng cho ác".
"Nhiều trường hợp báo chí thông tin rồi đó, thầy cô thân cận lại chính là người bạo hành, xâm hại các em. Thế nên chúng tôi mong cha mẹ cân nhắc về việc để con tại trung tâm nhiều giờ hay phó mặc cho thầy cô".
Vẫn biết, do hoàn cảnh công việc, phụ huynh tại các thành phố lớn khó lòng tìm nơi gửi con an tâm trong hè. Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên tìm phương thức phù hợp nhất, tránh đẩy con vào nguy hiểm.
Bố mẹ bị phạt vì cho con đi chơi trước ngày bế giảng Hơn 20 gia đình ở Đức đang đối mặt với án phạt nặng khi bị cảnh sát phát hiện đưa con đi du lịch lúc ... |
Làm thế nào để con được nghỉ hè đúng nghĩa, cha mẹ không lo lắng? Khi các con được nghỉ hè, các bậc cha mẹ lại lo lắng việc quản lý các con, giúp các con có kỳ nghỉ tuyệt ... |
Học trước, khai giảng sau: \'Xin trả lại cho trẻ mùa hè đúng nghĩa\' Chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ bức xúc trước việc các trường tiến hành học trước và tổ chức khai giảng sau và đề ... |