Hơn 1 tháng vận hành, Metro số 1 vẫn chưa hạ cơn sốt khi mỗi chuyến tàu luôn rất đông khách; đây là động lực để TP.HCM hoàn thiện mạng lưới 355 km đường sắt đô thị.
- Người dân đổ về chơi Tết, chờ cả tiếng chưa lên được tàu Metro số 1
- Tính toán chuyện huy động 42.000 tỷ đồng vốn “nội” để đầu tư cho Metro số 2
Metro số 1 - giải cơn khát giao thông công cộng
Theo thông báo lịch chạy tàu Tết của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị khai thác tuyến metro), trong ngày mùng 1, 2, 3 Tết, metro chạy 156 chuyến/ngày, giãn cách 12 - 15 - 18 phút. Thông báo này đưa ra với tính toán lượng khách đi tàu ngày sẽ giảm hơn vì nhiều người đã về các tỉnh, thành dịp Tết. Tuy nhiên, ngay trước đêm giao thừa, những chuyến tàu liên tục quá tải.
Metro số 1 vận hành những ngày sát Tết Giáp Tỵ, giải cơn khát giao thông công cộng cho đô thị TP.HCM. (Ảnh: HURC)
Trong ngày mùng 1 Tết, nhiều người dân từ các tỉnh lân cận Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về TP.HCM chơi Tết và trải nghiệm đi tàu đến đường hoa Nguyễn Huệ.
Nhiều gia đình kiên nhẫn chờ gần 1 tiếng để được lên tàu. Chính vì vậy mà từ chiều tối mùng 1 Tết, HURC1 đã tăng số lượng chuyến và giảm thời gian giãn cách chỉ 9 phút/chuyến. Từ ngày mùng 3 Tết, bắt đầu khung giờ 9h40 - 22h, cứ 10 phút sẽ có 1 chuyến tàu.
Tết Ất Tỵ 2025 là năm Tết đầu tiên người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận về TP chơi Tết được tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách Lê Lợi và các điểm đến như Dinh Dộc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, chợ Bến Thành, nhà hát Thành phố, Khu Du lịch Văn Thánh, Landmark 81 tầng, KDL Suối Tiên... bằng tàu metro một cách tiện lợi, không phải lo kẹt xe, vất vả tìm chỗ gửi xe.
Trước đó, khi tàu bắt đầu bán vé sau 1 tháng miễn phí cho người dân trải nghiệm, nhiều người cho rằng tàu sẽ vắng khách, vì sự đông đúc ban đầu là do người dân tranh thủ đi miễn phí.
Tuy nhiên, đến khi thu phí, lượng khách đi tàu không hề giảm đi mà tiếp tục tăng, người dân đã chọn Metro số 1 làm phương tiện đi lại hàng ngày. Điều này có thể khẳng định Metro số 1 đã giải cơn khát giao thông công cộng cho TP.HCM với hơn 10 triệu dân này.
Metro số 1 với chiều dài gần 20km, điểm đầu từ chợ Bến Thành, điểm cuối tại Bến xe Miền Đông mới, đi từ trung tâm TP qua Bình Thạnh và chạy dọc chiều dài TP Thủ Đức, là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, vận hành vào những ngày cuối cùng của năm 2024 sau hơn một thập kỷ người dân thành phố đợi chờ, hy vọng.
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên không chỉ mang trọng trách giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông, mà còn mang khát vọng thay đổi bộ mặt giao thông, làm tiền đề, làm bài học để TP.HCM hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 355km vào năm 2035.
Theo HURC1, tuyến metro số 1 nhận được sự hưởng ứng và quan tâm rất lớn của người dân và du khách. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn lượt hành khách sử dụng, không chỉ mang tính trải nghiệm mà nhiều người đã chuyển qua dùng metro kết hợp xe buýt thành phương tiện di chuyển đi học, đi làm hằng ngày.
Hơn 1 tháng vận hành chính thức, Metro số 1 đưa đón 1,76 triệu lượt hành khách (con số đến 6/1). Sản lượng bình quân/ngày là 109.915 lượt hành khách/ngày, cao gấp 2,8 lần so với sản lượng dự báo.
Các nhà ga luôn đông đúc khách chờ tàu. (Ảnh: N. Sơn)
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc HURC1, cho biết nhu cầu sử dụng metro của người dân ngày càng tăng mạnh, đặc biệt thời gian cao điểm từ 16-22h chiếm khoảng 35% lượng khách trong ngày, cho thấy metro đã dần trở thành phương tiện giao thông quan trọng của TP.HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào khai thác và vận hành thương mại là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong phát triển giao thông của TP.HCM.
Ông kỳ vọng vào tương lai của mạng lưới đường sắt đô thị TP, đặc biệt với đề án phát triển đường sắt đô thị đã được Bộ Chính trị thông qua. Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2035, TP.HCM phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị.
Chia sẻ với báo chí dịp Tết Ất Tỵ, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM và Hà Nội đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị hồ sơ về đề án đường sắt đô thị.
Dự kiến, đề án sẽ trình Quốc hội vào giữa năm nay, để ban hành một nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đường sắt đô thị mới, vượt trội từ công tác chuẩn bị đến cơ chế thầu, để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án xuống 3-5 năm, thời gian thi công cũng khoảng 3-5 năm; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư...
Và sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành, TP.HCM dự kiến khởi công trước tuyến Metro số 2 và áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách mới. Các tuyến còn lại sẽ được chuẩn bị để triển khai theo nhóm, ví dụ một gói 3-5 tuyến, thay vì lần lượt từng tuyến. TP.HCM kiên trì mục tiêu hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035.
Cách nào để TP.HCM hoàn thành 355 km đường sắt đô thị năm 2035
Trong nội dung tờ trình của UBND TP.HCM về Đề án phát triển metro theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035, với vốn đầu tư hơn 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045, Thành phố sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.
Sau Metro số 1, tuyến Metro số 2 dài hơn 11 km đang đẩy nhanh thi công. (Ảnh: Lương Ý)
Các chuyên gia cho rằng để thực hiện mục tiêu hoàn thành hàng trăm km metro trong 10 năm tới, TP.HCM cần xây dựng quy trình chuẩn, từ việc phát triển hạ tầng giao thông, tích hợp mô hình TOD, huy động nguồn lực tài chính, tổ chức giao thông kết nối, đến việc xây dựng các dịch vụ thương mại quanh nhà ga.
Trả lời PV Báo điện tử VTC News, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng từ thành công của tuyến số 1, thành phố sẽ có kinh nghiệm nhân rộng ra với các tuyến đường sắt đô thị khác, mà trước mắt là đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035.
Ông nói đừng nhìn tuyến đường đầu tiên 20km chúng ta mất hơn 10 năm để thấy việc xây dựng 355km metro trong thời gian 10 năm tới là khó khăn, đó là thách thức nhưng thực tế là khả thi. Thế giới không phải chưa có tiền lệ. Nhìn sang các nước đang phát triển đường sắt đô thị xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc, thì Thâm Quyến đã từng làm được hàng chục tuyến metro trong vòng 5-6 năm, Thượng Hải cũng làm cả chục tuyến metro trong vòng 1 thập niên.
Như vậy rõ ràng TP.HCM cũng sẽ làm được. Điều quan trọng muốn làm được một kế hoạch tham vọng như vậy, thành phố cần có sự chuẩn bị, có tư duy đột phá, có quy hoạch, kế hoạch, cách quản lý, triển khai hoàn toàn khác với Metro số 1.
Theo ông Sơn, TP.HCM đừng ngại bỏ ra 2-3 năm để chuẩn bị thật kỹ, bài bản, phải nghiên cứu giải pháp với tư duy mới đột phá. Những gì chưa hoàn thiện, chưa rõ ràng thì bổ sung ngay. Từ pháp lý, cơ chế, chính sách và vốn đầu tư phải có sẵn kịch bản. Đây là bài toán kinh tế thị trường rất lớn, nên nếu chưa có kinh nghiệm, có thể thuê chuyên gia để hỗ trợ hiệu quả hơn.
Kết nối không gian ngầm Metro số 1 với các tòa nhà khu trung tâm được các chuyên gia hiến kế để TP.HCM phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. (Ảnh: Lương Ý)
Và quan trong nhất là đền bù giải tỏa, đây là lý do khiến dự án kéo dài. Có nhiều công trình mà phần đền bù, giải tỏa ngốn thời gian cả chục năm, bây giờ nên có giải pháp để hoàn thành trong vòng 1 năm.
"Trong kế hoạch chúng ta sẽ làm cả chục tuyến metro trong 10 năm tới, thì điều đầu tiên chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc của tuyến Metro số 1, tại sao mất thời gian dài như vậy. Mình xem nếu trong điều kiện lý tưởng thì có thể nào một tuyến đường sắt đô thị như metro số 1, chỉ cần 4-5 năm hay không.
Tôi hay nói đùa, mình chặt cái cây cổ thụ đầu tiên mình mất 15 năm, còn 10 cây khác muốn chặt với thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn thì phải chuẩn bị rìu bén hơn. Cho nên việc dành ra vài năm để chuẩn bị tốt cho hành trình lớn sắp tới là rất cần thiết", ông Sơn nói.
Khi đã chuẩn bị xong hết các điều kiện thì xem xét, có thể khởi động cùng lúc nhiều tuyến, mỗi tuyến nếu làm đúng theo điều kiện lý tưởng thì trong thời gian đề ra, thành phố sẽ có được hệ thống đường sắt đô thị mong muốn. Tất nhiên khi bắt tay thực hiện thì thực tế phức tạp hơn nhiều, nhưng hãy đặt ra các yêu cầu có thể cải thiện, và chuẩn bị để triển khai tốt nhất.
Hiện TP.HCM đang đề xuất Chính phủ cho thành lập một tập đoàn đầu tư hạ tầng với quy mô vốn hàng chục tỷ USD. Đây là tập đoàn có sự tham gia của Nhà nước và các nhà đầu tư, nhưng Nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Mô hình này các nước làm rất nhiều và rất thành công, nên nếu được áp dụng, đây sẽ là đầu mối thực hiện các công việc như đền bù giải tỏa theo cơ chế thị trường, huy động vốn đầu tư, thống nhất kỹ thuật của các tuyến hay đầu tư hạ tầng TOD để thu hút vốn; có thể thêm phần sản xuất đầu máy toa xe, sửa chữa bảo trì toàn hệ thống metro thành phố...
TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên tổ tư vấn cấp cao về phát triển đường sắt đô thị của TP.HCM, chuyên gia đã tham gia thi công Metro số 1, cho rằng theo quy hoạch, những năm tới việc phát triển hệ thống metro của thành phố có khối lượng công việc đồ sộ.
TP.HCM cần một chiến lược dài hạn không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các tuyến metro đơn lẻ, mà sẽ phát triển thành một mạng lưới giao thông hiện đại và đồng bộ. Để thực hiện thành công đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác.
Tự chủ về tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển nguồn lực nội địa là cách bền vững để TP.HCM xây dựng, vận hành hàng trăm km đường sắt đô thị. (Ảnh: Lương Ý)
Ông Quốc nói hệ thống metro hiện tại vẫn dựa trên tư duy giao thông vận tải, chưa khai thác hết tiềm năng phát triển đô thị. Việc phát triển theo hướng giao thông công cộng, khai thác các đô thị quanh nhà ga (TOD) là cần thiết, để tăng hiệu quả sử dụng và phát triển bền vững. Để làm được, thành phố cần thành lập tập đoàn tích hợp, đảm nhận quy hoạch TOD, xây dựng và vận hành metro. Đây là mô hình hiệu quả tại Nhật Bản, kết hợp đối tác công - tư để tối ưu hóa nguồn lực.
Thành phố cũng cần trao quyền tự chủ cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM và tự chủ tài chính, giảm phụ thuộc vốn ODA, tập trung phát triển công nghệ nội địa. Bài học từ quá trình xây dựng Metro số 1 sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện các tuyến tiếp theo một cách hiệu quả hơn, không lặp lại những chậm trễ và khó khăn trước đây.
"Trong kế hoạch 10 năm, để hoàn thành cơ bản hệ thống Metro, đòi hỏi phải thay đổi cách làm, TP.HCM phải được giao quyền quyết định và tự chủ, Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng được tự chủ hơn. Thay vì kiểm soát quá trình thực thi từng chi tiết nhỏ, chúng ta hãy tập trung vào chất lượng sản phẩm đầu ra. Còn nếu chúng ta vẫn xin phép và kiểm soát quá trình như hiện nay, chắc chắn không thể thực hiện kế hoạch tham vọng này", ông Quốc nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề xuất thành phố tự chủ nguồn vốn, giảm phụ thuộc vào các khoản vay ODA. Bên cạnh là tự chủ về tiêu chuẩn kỹ thuật và dần phát triển nguồn lực nội địa, từ đầu máy toa xe đến hệ thống kỹ thuật. Chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố này, tham vọng hoàn thành mạng lưới metro trong 10 năm mới có thể trở thành hiện thực.
Trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, về phương án phát triển đường sắt đô thị, TP sẽ phát triển 12 tuyến gắn với việc hình thành phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD có tính liên kết Vùng Đông Nam Bộ. Các tuyến ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 gồm:
Tuyến số 1 (40,8km): Điểm đầu ở Huyện Bình Chánh - Điểm cuối ở TP Thủ Đức
Tuyến số 2 (62,2km): Điểm đầu ở TP Thủ Đức - Điểm cuối ở huyện Củ Chi
Tuyến số 3 (45,8km): Điểm đầu ở Huyện Bình Chánh - Điểm cuối ở TP Thủ Đức
Tuyến số 4 (47,3km): Điểm đầu ở Huyện Hóc Môn - Điểm cuối ở huyện Nhà Bè
Tuyến số 5 (53,9km): Điểm đầu ở Huyện Bình Chánh - Điểm cuối ở TP Thủ Đức
Tuyến số 6 (53,8km): Đi chủ yếu qua TP Thủ Đức, Quận 7, Bình Chánh, các quận nội thành
Tuyến số 7 (51,2km): Điểm đầu ở huyện Bình Chánh - Điểm cuối ở TP Thủ Đức.