Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Mỹ ngày 21/12 (giờ địa phương). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi chiến sự bắt đầu, nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ cho Kiev trong bối cảnh cuộc chiến có nhiều diễn biến mới.
- Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Zelensky ở Nhà Trắng
- Cảnh sát Mỹ siết an ninh trước chuyến thăm của ông Zelensky
Chuyến thăm Mỹ chớp nhoáng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi đây không chỉ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine mà còn thể hiện nỗ lực tìm kiếm ủng hộ đặc biệt và lâu dài của Mỹ và phương Tây đối với nước này.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine có vẻ đã thu được kết quả khi nhận được cam kết "bảo trợ đến cùng" của Washington. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, nhấn mạnh cam kết sẽ ủng hộ Ukraine và hai nước sẽ tiếp tục triển khai một chiến thuật "phòng thủ thống nhất".
Phát biểu trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Chúng ta cùng chia sẻ một tầm nhìn chung. Chúng ta đều muốn cuộc chiến này sớm kết thúc, thậm chí có thể kết thúc ngay trong ngày hôm nay chỉ với quyết định đúng đắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin". Tổng thống Biden cũng công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa Patriot có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Về phần mình, ông Zelensky mô tả đây là "động thái rất quan trọng" và các hệ thống Patriot sẽ "giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Kiev", đồng thời, bày tỏ quan điểm "trên tư cách Tổng thống, 'hòa bình công bằng' là không có thỏa hiệp", chiến tranh chỉ kết thúc khi chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục và "tất cả những thiệt hại của chiến tranh được đền bù".
Không chỉ gặp gỡ Tổng thống và nhiều quan chức Mỹ, nhà lãnh đạo Ukraine còn gây chú ý khi xuất hiện trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 21/12. Trong bài phát biểu, Tổng thống Ukraine gửi lời cảm ơn đến Washington đã hỗ trợ Kiev suốt thời gian qua, đồng thời, tái khẳng định những giá trị chung giữa hai nước. "Hai quốc gia chúng ta là đồng minh trong xung đột này", ông nói trước toàn thể các thành viên Quốc hội Mỹ, đồng thời nhấn mạnh năm 2023 sẽ là thời điểm bước ngoặt.
Ông Zelensky cho biết, bất chấp mọi kịch bản thảm khốc và có phần u ám, Ukraine đã không sụp đổ. Nhấn mạnh "tiền của các vị không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư vào an ninh và dân chủ toàn cầu", Tổng thống Ukraine kêu gọi Mỹ và phương Tây cần tiếp tục ủng hộ nhiều hơn nữa đối với nước này cũng như thực hiện các cam kết viện trợ nhân đạo để người dân có thể vượt qua khó khăn hiện nay.
Không dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết, Tổng thống Biden đã ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông, đồng thời hy vọng các thành viên trong Quốc hội Mỹ có thể hỗ trợ ông thực hiện kế hoạch này. Ông Zelensky cũng thúc giục Mỹ và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhằm buộc Moscow "phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình".
Theo giới quan sát, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Ukraine với Mỹ, quốc gia đóng vai trò hàng đầu trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev. Bên cạnh gói viện trợ quân sự trị giá 1,85 tỷ USD, Quốc hội Mỹ cũng lên kế hoạch bỏ phiếu về gói hỗ trợ khẩn cấp khoảng 45 tỷ USD cho Ukraine. Nghị sĩ Mỹ Nancy Pelosi cho biết: "Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine diễn ra vào thời điểm Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua một lần nữa gói hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo quan trọng khác. Trong vòng 48 giờ tới, hy vọng điều này sẽ được thực hiện".
Với khoản viện trợ được công bố ngày 21/12, Mỹ đã cung cấp tổng cộng 21,9 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã kêu gọi chấm dứt hoặc giảm viện trợ cho Ukraine, thay vào đó, nên kiểm toán những khoản tiền từng được phân bổ. Ông Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến hơn, từ xe tăng hiện đại đến hệ thống phòng thủ tên lửa, dù vậy, các đồng minh phương Tây vẫn rất thận trọng, tránh nguy cơ kích động xung đột lớn hơn.
Cho dù chuyến thăm của ông Zelensky, diễn ra khi cuộc chiến đã bước qua mốc 300 ngày, có đạt được được mục đích thu được nhiều cam kết hỗ trợ quân sự từ phương Tây, theo các nhà quan sát đây lại là hành động đổ dầu vào cuộc xung đột hiện nay. Bởi như Nga đã nhiều lần cảnh báo, việc liên tục bơm vũ khí cho Ukraine không chỉ khiến cho cuộc xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài mà còn có thể tạo ra sự đối đầu trực tiếp giữa chính Nga và phương Tây. Phản ứng trước chuyến thăm của ông Zelensky cũng như việc phương Tây đang nỗ lực ủng hộ quân sự đối với Ukraine,
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/12 khẳng định, việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cảnh báo, chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Ukraine sẽ không mang kết quả tích cực và Nga cũng không thấy cơ hội cho đàm phán hòa bình với Ukraine: "Nga luôn sẵn sàng mở cánh cửa cho các cuộc đối thoại hòa bình mang tính xây dựng. Song chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu quân sự của mình cũng như chặn đứng nguồn cung vũ khí từ bên ngoài cho Ukraine".
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chuyen-tham-dac-biet-cua-tong-thong-ukraine-den-my-i678588/