Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 2/2 (giờ địa phương) đã rời Tel Aviv, bắt đầu chuyến thăm Mỹ để hội đàm cùng Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump, với hy vọng thiết lập lại quan hệ với Washington sau những căng thẳng với chính quyền tiền nhiệm xung quanh cuộc chiến ở Dải Gaza. Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh dư luận đang theo dõi sát sao những cam kết thúc đẩy lệnh ngừng bắn giai đoạn một tại khu vực, thỏa thuận về cách tiến hành giai đoạn hai dường như sẽ là một trong những trọng tâm của cuộc hội đàm vào ngày 4/2.
Theo Times of Israel, phát biểu tại sân bay trước khi lên đường, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Chuyến thăm là minh chứng cho sức mạnh của tình bạn cá nhân của chúng tôi. Tình bạn và sự hợp tác đó đã mang lại những kết quả quan trọng cho Israel ở Trung Đông, bao gồm Hiệp định Abraham lịch sử do Tổng thống Trump dẫn dắt và đã mang lại bốn hiệp ước hòa bình lịch sử giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Trong cuộc họp này, chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng, then chốt mà Israel và khu vực đang phải đối mặt. Tôi tin rằng khi làm việc chặt chẽ với Tổng thống Trump, chúng tôi có thể vẽ lại mối quan hệ xa hơn nữa và tốt đẹp hơn”.
Như vậy, ông Netanyahu sẽ là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được ông Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức hôm 20/1 và đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Netanyahu tới Mỹ kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 11/2024 liên quan đến cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza. Trước đó, mối quan hệ Israel và Mỹ trở nên căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm của ông Trump là ông Joe Biden. Ông Netanyahu cũng chưa đến Nhà Trắng kể từ khi trở lại nhiệm sở vào cuối năm 2022.
Được biết, chuyến thăm của ông Netanyahu đến Mỹ diễn ra chỉ khoảng hai tuần sau giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn. Theo kế hoạch, phía Hamas dự kiến sẽ thả 33 tù nhân Israel để đổi lấy gần 2.000 tù nhân Palestine. Giai đoạn thứ hai được cho sẽ bao gồm việc thả những tù nhân còn lại và tiến hành các cuộc thảo luận về một kết thúc bền vững hơn. Lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã giúp tạm dừng cuộc chiến kéo dài 15 tháng qua của Israel tại vùng đất này, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Tuy nhiên, theo giới phân tích chính trị thế giới, ông Netanyahu hiện vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những người theo đường lối cứng rắn tại Israel. Họ cho rằng thỏa thuận này đã chấm dứt giao tranh trước khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine bị đánh bại hoàn toàn.
Eldad Shavit, cựu quan chức tình báo từng làm việc tại Văn phòng Thủ tướng Israel nhận định, ông Netanyahu dường như đang tìm cách cân bằng áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump để tuân thủ lệnh ngừng bắn và sự phản đối trong nước đối có phần nặng nề trong nước. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã mang lại cho ông Netanyahu một loạt những bước tiến, trong đó có việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và ký Hiệp định Abraham, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab. CNN dẫn nguồn thạo tin cho hay, chính quyền ông Donald Trump 2.0, bao gồm một số nhân vật ủng hộ Israel, dự kiến sẽ tán thành việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng và phản đối áp lực quốc tế liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.
Trước đó, truyền thông Mỹ cho rằng, dù thỏa thuận về cách tiến hành giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn dường như sẽ là một trong những trọng tâm của cuộc hội đàm, nhưng Tổng thống Trump đã đưa ra những tín hiệu không mấy lạc quan về triển vọng chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tại Dải Gaza. Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức hôm 20/1 liên quan đến về duy trì lệnh ngừng bắn, ông Trump đã trả lời: "Tôi không tự tin. Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi, mà là cuộc chiến của họ".
Gần đây, Tổng thống Trump cũng đề xuất "dọn sạch" Dải Gaza, nhấn mạnh rằng các quốc gia Arab gồm Ai Cập và Jordan nên tiếp nhận những người Palestine di tản khỏi vùng đất này - một triển vọng mà các quốc gia trên đã kiên quyết bác bỏ. Ông Scott Lucas, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Dublin đánh giá, giai đoạn thứ hai của thỏa thuận Gaza phải đối mặt với áp lực tứ phía bao quanh Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Trump. Ông cho biết những người Israel bị giam giữ vẫn còn ở Dải Gaza và những người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel sẽ chỉ được thả nếu các yếu tố nêu ra tại giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn ở Gaza được duy trì.
Ông Scott Lucas lưu ý, áp lực từ phe cực hữu ở Israel, đặc biệt là từ Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich trong nội các và cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir đối với Thủ tướng Netanyahu là rất đang lưu tâm. “Họ không muốn giai đoạn hai. Họ muốn một chính quyền quân sự ở Dải Gaza, họ muốn người Palestine phải di dời, và họ thực sự đang nói về việc quay trở lại chiến tranh”, ông nói thêm. Mặt khác, một bộ phận tại Israel lại muốn chính phủ tập trung vấn đề giải cứu con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ - một điều dường như khó có thể giải quyết cùng một lúc.
Trong khi đó, lực lượng Hamas được cho là sẽ tiếp tục chống lại nỗ lực của Israel nhằm loại bỏ nhóm này khỏi Dải Gaza. Với những áp lực từ các phe phái ở Israel, sự cứng rắn của lực lượng Hamas, cùng quan điểm gần đây của Tổng thống Mỹ, tương lai của thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza vẫn chưa thể rõ ràng. Bài toán đặt ra là liệu lãnh đạo Israel và Mỹ có thể tìm ra giải pháp để duy trì hòa bình tại đây hay lại đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới?