Do tai nạn giao thông nên Ánh và anh Dũng phải tháo bỏ chân, gây nên nỗi mặc cảm, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng điều không may mắn đó đã giúp anh chị đồng cảm với nhau, xây dựng một mái ấm hạnh phúc qua 20 năm bão tố.
Chuyện tình hai “vầng trăng khuyết”
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Xuân Ánh (SN 1972) và anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1971), trú tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Họ đều không lành lặn, mất đi đôi chân nhưng đã vươn lên trong cuộc sống, tạo nên những kỳ tích phi thường.
Cặp vợ chồng khuyết chân nhưng luôn yêu thương, sẻ chia với nhau. |
Chị Xuân Ánh sinh ra trong một gia đình nông nghiệp, đông anh chị em nên từ trẻ đã sớm buôn bán phụ giúp gia đình. Hồi ấy, chị Ánh đi lấy hoa quả khắp nơi rồi mang về nội thành kiếm “đồng ra, đồng vào”. Một tai nạn ô tô năm 21 tuổi khiến chị mất đi một bên chân.
Từ một cô gái hoạt bát, chị Ánh thu mình, mặc cảm với mọi người. Chị tiếp tục buôn bán nhưng không thấy hiệu quả nên quyết định đến với thể thao. Khi ấy, chị Ánh tham gia vào Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật Khúc Hạo.
Chị miệt mài tập luyện, chăm chỉ thi đấu, luôn dẫn đầu toàn đội. Tờ mờ sáng, chị Ánh đã lăn xe hơn 30km tới chỗ luyện tập. Chị luôn động viên bản thân phải phấn đấu gấp mấy lần những người lành lặn.
Chị Xuân Ánh tham gia bộ môn điền kinh xe lăn nữ dành cho người khuyết tật. |
“Đến tuổi lập gia đình, tôi cũng khao khát một mái ấm hạnh phúc. Nhưng nhìn lại bản thân không lành lặn nên đành chôn chặt nỗi niềm. Tôi định xin đứa con để nuôi chứ người lành lặn sẽ không ai lấy mình”, chị Ánh ngậm ngùi.
Rồi duyên số run rủi để chị gặp anh Dũng – người đàn ông hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Hồi ấy, anh trai chị Ánh sang chơi nhà anh Dũng thấy hoàn cảnh tội nghiệp, hai mẹ con côi cút sống với nhau trong căn nhà lụp xụp, dột nát tứ tung.
Học hết chương trình phổ thông, vì nhà nghèo nên anh Dũng đạp xe lên huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình buôn hoa quả. Tai nạn xảy ra khiến anh vĩnh viễn mất đi đôi chân. Từ lao động chính trong gia đình, anh Dũng trở thành gánh nặng, mọi việc sinh hoạt trông cậy vào mẹ già.
Tai nạn giao thông đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh của anh Dũng. |
Thấy hoàn cảnh vậy, anh trai chị Ánh ngỏ lời mời anh Dũng qua nhà chơi, sẽ nhờ cô em gái xin cho đôi chân giả. Vậy là họ gặp nhau, nên duyên từ đó.
“Lúc ấy, thấy mọi người vun vào, tôi gạt đi. Người lành lặn lấy nhau còn vất vả. Còn chúng tôi đều khuyết chân, lấy nhau biết làm gì để sống qua ngày... Mãi về sau, thấy anh Dũng chân thành theo đuổi, tôi mới gật đầu đồng ý. Chắc đám cưới của chúng tôi có “một không hai” ở Hoài Đức bởi đón dâu bằng chiếc xe ba bánh”, chị Ánh hạnh phúc chia sẻ.
“Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”
Anh chị quyết định “góp gạo thổi cơm chung” mặc lời xì xào, bàn tán. Thậm chí, nhiều người cay nghiệt nói rằng đôi vợ chồng khuyết tật sẽ sớm bỏ nhau vì nghèo khó. Nhưng rồi... họ đã cùng nhau tạo nên điều phi thường.
Trải qua 20 năm sóng gió, họ càng yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Anh chị đã làm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Nhiều khi nhọc nhằn, đôi vợ chồng trẻ ôm nhau bật khóc vì bất lực.
Căn nhà của họ liêu xiêu, dột nát nhưng luôn ấm áp, ngập tràn tiếng cười. Năm 2001, chị hạ sinh con gái đầu lòng. Khi có bầu, chị đang tham dự cuộc thi Marathon tại Mỹ. Dù ốm nghén, cơ thể mệt mỏi nhưng chị Ánh đã xuất sắc đem vinh quang về cho Tổ quốc. Vượt quãng đường 42km, chị giành bằng khen và số tiền thưởng là 1.000 USD. Đến năm 2003, anh chị có thêm đứa con thứ hai trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Vận động viên Nguyễn Thị Xuân Ánh giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. |
Đến nay, vận động viên Nguyễn Thị Xuân Ánh được nhiều người biết tới khi tham dự các cuộc thi điền kinh giành cho người khuyết tật. Không chỉ thi đấu tại Việt Nam, chị Ánh còn đặt chân tới gần 20 quốc gia, đem niềm tự hào cho thể thao nước nhà.
Tháng 5/1996, chị Ánh giành giải Nhì toàn quốc ở giải xe lăn nữ. Tháng 10/1996, chị giành giải Nhất ở cự ly 10km. Năm 1999, chị giành huy chương Bạc cuộc thi Châu Á – Thái Bình Dương môn xe lăn nữ.
Đặc biệt, năm 2000, chị giành giải Nhất Marathon xe lăn nữ tại Hàn Quốc, giải Ba xe lăn nữ cuộc thi Đông Nam Á tại Malaysia, giải Nhất Marathon New York. Năm 2015, giành hai huy chương Bạc của ở Singapore. Năm 2016, chị Ánh đạt giải Nhì cuộc thi xe lăn quốc tế tại Malaysia.
Ngoài điền kinh, chị Ánh còn tham gia bộ môn cầu lông đôi. Lịch trình tập luyện dày đặc, mọi công việc trong nhà đều do anh Dũng lo toan, thu vén. Anh Dũng còn chở hàng bằng xe ba bánh để có tiền cho các con ăn học.
Chị Ánh mới tham gia luyện tập bộ môn cầu lông dành cho người khuyết tật. |
Với chiếc xe ba bánh, hằng ngày, anh Dũng đi chở hàng để kiếm tiền lo cho gia đình. |
Chị Xuân Ánh chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Tôi cứ đi suốt để ba bố con ở nhà chăm nhau. Chồng tôi là một người chu đáo nên tôi rất yên tâm. Nhiều lúc các con bảo rằng mẹ đi bao lâu cũng được, mấy bố con ở nhà vẫn ổn”.
Hiện nay, chị Nguyễn Thị Xuân Ánh là Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật, anh Nguyễn Tiến Dũng là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Hoài Đức. Họ thường xuyên giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh bất hạnh giống mình bằng cách kêu gọi nhà hảo tâm tặng: Xe lăn, chân giả. Họ đã truyền đi niềm hy vọng, thắp sáng lên bao mảnh đời le lói.
Ứng Hà Chi
Chuyện tình xúc động của "ông chú" Nhật và cô gái Việt bị ung thư |
Chuyện tình chồng mét tư, vợ mét chín |