Nếu các cường quốc phương Tây quyết định ngăn Nga tiếp cận công nghệ bán dẫn và mạng lưới chuyển tiền quốc tế, nền kinh tế nước này có thể nhận hậu quả tàn khốc.

Xung đột Nga - Ukraine (116 tin)

Theo CNBC, trong khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nhà lãnh đạo thế giới đang đau đầu tìm kiếm những biện pháp trừng phạt khả thi để cản bước Tổng thống Vladimir Putin. Trong đó có thể bao gồm việc cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) - mạng lưới cung cấp hầu hết các hoạt động chuyển tiền quốc tế trên thế giới.

Biện pháp này có thể gây ra những hậu quả tàn khốc đối với nền kinh tế Nga.

CNBC: Nếu Phương Tây cắt 'huyết mạch bán dẫn', Nga sẽ nhận hậu quả lớn - 1
Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. (Ảnh: AP)

Nga có thể bị cắt đứt huyết mạch chất bán dẫn

Chất bán dẫn là đầu não cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử ngày nay, do đó, có thể nói chip là huyết mạch của thế giới hiện đại. Từ điện thoại di động, máy tính, ô tô cho đến hệ thống tên lửa đều cần sử dụng chip.

Nếu không có quyền tiếp cận một số loại chip nhất định, các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp quân đội của Nga sẽ bị tê liệt.

Nắm bắt được vai trò của công nghệ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch đưa ra một gói “biện pháp trừng phạt lớn” để các nhà lãnh đạo châu Âu phê duyệt. Trong đó, các biện pháp sẽ nhằm vào những lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Nga bằng cách ngăn chặn nước này tiếp cận với các công nghệ và thị trường quan trọng.

Mỹ có khả năng sẽ đưa ra động thái tương tự. Vào năm 2019, Washington cũng từng trừng phạt “ông lớn” Huawei của Trung Quốc bằng cách cấm công ty này sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Ông Abishur Prakash, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn Trung tâm Đổi mới Tương lai, cho rằng Tổng thống Joe Biden có đầy đủ lựa chọn để đưa ra một lệnh trừng phạt công nghệ khác dành cho Nga.

Ví dụ, Washington có thể thúc đẩy các công ty công nghệ Mỹ có nguồn vốn từ Nga hoặc có thành viên hội đồng quản trị là người Nga thay đổi cơ cấu. Hoặc cũng có thể đề xuất hủy niêm yết các công ty Nga khỏi thị trường chứng khoán Mỹ”, ông Abishur Prakash nói.

Ông Prakash cũng gợi ý những cách triệt để hơn mà Mỹ có thể thực hiện, chẳng hạn như cấm xuất khẩu một số phần mềm quan trọng - như Android - sang Nga.

CNBC: Nếu Phương Tây cắt 'huyết mạch bán dẫn', Nga sẽ nhận hậu quả lớn - 2
Nếu không có quyền tiếp cận một số loại chip nhất định, các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp quân đội của Nga sẽ bị tê liệt.

Mỹ là quốc gia có nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu, bao gồm Nvidia, Intel, AMD và GlobalFoundries. Các công ty chip nổi tiếng khác như Infineon và STMicro cũng đến từ các nước thuộc châu Âu. Ngoài ra, công ty TSMC và Samsung ở Đài Loan và Hàn Quốc cũng chiếm vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp chất bán dẫn. Nếu Nga không thể sử dụng sản phẩm do những công ty này sản xuất, Moskva có thể buộc phải tìm đến một số nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC và những công ty chất bán dẫn tụt hậu so với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Nhưng ngược lại, Nga cũng khả năng gây tổn hại cho các nhà sản xuất chất bán dẫn ở phương Tây do những công ty này cần đến nhiều nguyên liệu từ Nga để chế tạo chip.

Các vật liệu và linh kiện bán dẫn mà Nga xuất khẩu sang phương Tây có thể bị hạn chế, điều này sẽ đặt các công ty công nghệ phương Tây vào tình thế khó khăn”, ông Prakash cảnh báo.

CNBC: Nếu Phương Tây cắt 'huyết mạch bán dẫn', Nga sẽ nhận hậu quả lớn - 3
Mỹ có nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu như Nvidia, Intel, AMD và GlobalFoundries. (Ảnh: Reuters)

Biện pháp răn đe cuối cùng

Hôm 24/2, Tổng thống Séc Milos Zeman nói rằng Nga nên bị loại khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là “tội ác chống lại hòa bình”.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết EU khó có khả năng thực hiện các bước để loại bỏ Nga khỏi SWIFT trong giai đoạn này.

Chris Weafer, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Macro-Advisory có trụ sở tại Moskva, giải thích nguyên nhân là do tất cả các sản phẩm từ Nga xuất khẩu sang nước ngoài - gồm nhiên liệu và nhiều nguyên vật liệu quan trọng - đều được thanh toán thông qua hệ thống SWIFT. Việc loại Nga khỏi SWIFT tương đương với cắt bỏ nguồn cung cấp những mặt hàng này. Vì vậy, biện pháp trừng phạt qua Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế có thể khiến các thị trường bị gián đoạn.

Ông Weafer công nhận rằng động thái chặn không cho Nga tham gia SWIFT sẽ có tác động “rất nghiêm trọng và lâu dài” đối với nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những hậu quả tiêu cực cho châu Âu. Vì vậy, ông cho rằng điện Kremlin có thể tận dụng viễn cảnh này để răn đe ngược lại các cường quốc phương Tây.

Giám đốc của Macro-Advisory kết luận rằng việc loại Nga khỏi SWIFT là “một hành động rất cực đoan” có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cả Nga và châu Âu, cũng như với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, SWIFT có thể được coi như biện pháp cuối cùng nếu chiến dịch của Nga không ngừng leo thang và trở nên phức tạp hơn.

/ vtc.vn