Sau hàng loạt vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em.

Sẽ được nhiều người ủng hộ

Về góc độ tâm lý trẻ em, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục - Trường ĐH giáo dục - ĐH Quốc gia HN cho rằng, việc thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em là ý tưởng mới và sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của những người làm trong công tác bảo vệ trẻ em.

Đưa ra dẫn chứng thực tế cho vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam cho biết, ông đã tiếp xúc với nhiều trường hợp xâm hại tình dục trẻ em và lực lượng thực thi pháp luật còn rất lúng túng trong cách xử lý do chưa có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.

“Do chưa có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ giỏi mà một số vụ xâm hại tình dục những nạn nhân phải thực nghiệm lại hiện trường, lấy lời khai. Điều đó làm các em phải chịu thêm nỗi đau một lần nữa, về khía cạnh tâm lý có thể khiến các em sang chấn nặng hơn. Nói như thế để thấy rằng chúng ta đang thiếu một nguồn lực có kiến thức, có kỹ năng chuyên môn cao để xử lý các vụ án về xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em - một đối tượng cần nhiều tình yêu thương. Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để ngăn ngừa tình trạng này cũng còn nhiều hạn chế” - PGS. TS Trần Thành Nam cho biết.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cũng ủng hộ thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em. TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, hiện các phiên xét xử có trẻ em tham gia, hội thẩm nhân dân đều là người có hiểu biết về trẻ em và làm công tác giáo dục. Ngược lại, trong quá trình điều tra các vụ án dâm ô thì một số biện pháp nghiệp vụ vô tình đã làm tổn thương trẻ. Có lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em hy vọng sẽ giúp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng tính răn đe để tội phạm bạo hành, dâm ô trẻ em sẽ giảm đi.

Cần có sự tuyển chọn phù hợp

Chị Nguyễn Thị Kim Thu (Phường 6, quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Là bà mẹ tôi tin rằng các bậc phụ huynh đều có mong muốn và trăn trở như tôi, tôi hy vọng đội cảnh sát bảo vệ trẻ em sẽ được tuyển chọn một cách phù hợp. Họ cần trải qua những cuộc kiểm tra về trình độ và cả đạo đức. Bởi nếu thành lập đội cảnh sát bảo vệ trẻ em thì họ chính là lực lượng bảo vệ hạnh phúc của những đứa trẻ”. Tuy vậy, ông TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc lựa chọn nhân sự cho lực lượng này phải kỹ càng, là người yêu thương trẻ em và có tư cách đạo đức tốt.

“Dư luận vừa xôn xao một người làm ở Trung tâm hỗ trợ xã hội lại đi dâm ô trẻ em cho thấy thực tế đáng buồn là một số nơi những điều xấu xa, tội lỗi lại nằm ở những người có quyền hạn. Như vậy, lựa chọn lực lượng đứng trong hàng ngũ bảo vệ trẻ em phải là những người yêu thương các em thực sự và có phẩm chất đạo đức tốt” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đồng thời, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, khi lực lượng này đi vào hoạt động cần có cơ quan giám sát chặt chẽ, báo cáo nhanh các vụ việc và xử lý nhanh, nghiêm minh trước pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu.

Chia sẻ về những băn khoăn, PGS. TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, hiện cả nước có khoảng 15 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, việc thành lập lực lượng cảnh sát này phải làm sao để tránh chồng chéo về mặt chức năng.

Ý kiến đại biểu Quốc hội

Trao đổi với Lao Động về đề xuất của UBND TPHCM, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với những địa bàn tập trung đông người như Hà Nội và TPHCM thì tần suất xuất hiện cũng nhiều hơn. Trước tình hình như vậy, phía TPHCM đề xuất một lực lượng riêng để làm công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn là phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TPHCM) cho rằng, việc bảo vệ trẻ em thì các tổ chức xã hội cần phải vào cuộc quyết liệt và sâu sát hơn. “Các tổ chức xã hội như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên phải tìm tới để bảo vệ trẻ em”, bà Thúy chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, kiến nghị này sẽ phát sinh thêm bộ máy và việc nuôi bộ máy này lại thêm khó khăn. “Chúng ta cần phát huy hiệu lực, hiệu quả để xử lý nghiêm thì những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ sợ ngay”, bà Khánh nói. 

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG

“Không thể tồn tại nơi bảo vệ trẻ em nhưng lại xâm hại các em“
Nhiều học sinh không biết tổng đài bảo vệ trẻ em 111
Hội bảo vệ trẻ em phân trần thông tin "đòi quyền… uống rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi"

/ laodong.vn