Doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra cơ chế tính chi phí xăng dầu đã lạc hậu, là lý do chính khiến nguồn cung xăng dầu tuy không căng nhưng thị trường vẫn nóng.
- Cần cơ chế đặc biệt để ổn định thị trường xăng dầu
- Thị trường xăng dầu lệch pha, chuyên gia hiến kế 'trị bệnh' tận gốc
Trước những bất cập này, Bộ Công Thương nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh.
Cụ thể, tháng 2/2022, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Tháng 7, Bộ Công Thương tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính căn cứ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp, rà soát, đánh giá từ báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, báo cáo tổng hợp premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cở sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.
Tháng 8, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh. Bộ Công Thương lại có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, báo cáo tổng hợp về premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Nhưng, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Từ thực trạng đó, để mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu được duy trì phù hợp, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Liên quan đến cơ chế tính chi phí xăng dầu, Hiệp hội Xăng đầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của địa chính trị khiến giá sản phẩm tăng cao, dẫn đến khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng cũng tăng theo. Chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối lớn theo kết quả kiểm toán năm 2021 tăng do những chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng. Tuy nhiên, các khoản chi phí vẫn giữ nguyên và không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong sáu tháng cuối năm.
Từ đó, VINPA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu phù hợp quy định để giảm bớt áp lực cho các thương nhân đầu mối, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu có tích lũy và tái đầu tư.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mới có công văn gửi Bộ Tài chính về chi phí kinh doanh xăng dầu. Theo Petrolimex, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như premium, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức...chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay (theo quy định của Nghị định 95/202 của Chính phủ) đã tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao, chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối.
Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ, không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí thực tế phát sinh; các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã gần tiệm cận và tương đương giá bán lẻ cuối năm 2021, xu thế giá thế giới đang có chiều hướng giảm trong những tháng gần đây. Chỉ số CPI cũng được Chính phủ kiểm soát tốt, trong đó tác động từ giá xăng dầu giảm là một yếu tố quan trọng đóng góp kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ những yếu tố thuận lợi này, để đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu cũng như bù đắp đủ chi phí kinh doanh và không phát sinh lỗ cho các thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như Premium, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... mà chưa được phản ánh đủ theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ tại chu kỳ điều hành giá sớm nhất tiếp theo.
Gần nhất, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31/8, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
“Tổ điều hành thị trường trong nước rất mong Bộ Tài chính sẽ xử lý sớm vấn đề này vì nếu giải quyết được sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Cây xăng 'đòi' chiết khấu 700 đồng/lít để hoà vốn, trên 1.000 đồng mới có lãi
Các DN tư nhân bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM về vướng mắc đang gặp phải trong bán lẻ xăng dầu ra thị trường.
Theo các DN, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đơn vị khẳng định đang rơi vào khủng hoảng do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn đỉnh điểm. DN cầm cự không nổi, buộc lòng treo bảng “hết hàng”, đóng cửa sớm hoặc chấp nhận tạm đóng cửa, nếu tình trạng thua lỗ kéo dài, DN có nguy cơ phá sản. Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu ra thị trường.
Các DN kiến nghị, đối với chính sách về hoa hồng (chiết khấu), DN bán lẻ phải hưởng mức tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hoà vốn; từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí và trên 1.000 đồng/lít để có lợi nhuận. DN hiện đang chịu nhiều chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền vận chuyển, chi phí hao hụt xăng dầu, lương thưởng nhân viên, các chế độ BHXH, công tác PCCC, khấu hao…
Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá cũng cần theo cơ chế thị trường và đúng thời điểm.