Trong phòng khách nhà tôi có treo một bức tranh khổ lớn của họa sĩ Nguyễn Văn Thể. Tranh vẽ theo chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện, một khối đen-đỏ-trắng đan xen linh loạn. Đó là một trong những chi tiết tôi ưng ý nhất trong căn nhà, nhưng rất hay làm tôi phiền toái mỗi khi có khách đến chơi. Mọi người hay hỏi tôi: “Tranh này vẽ cái gì?”.
Đã là ngôn ngữ hội họa, mà còn là hội họa trừu tượng biểu hiện, lại bắt gia chủ diễn giải bằng ngôn ngữ nói, thì đúng là bi kịch. Tôi không phải nhà phê bình nghệ thuật, nên cũng thường trả lời loanh quanh. Rồi đến đoạn bí quá, tôi quyết định trả lời: “Nó vẽ đường Tố Hữu lúc 8 giờ sáng”.
Nhiều vị khách hài lòng và không hỏi gì nữa. Hầu như mọi người biết đường Tố Hữu lúc 8 giờ sáng trông thế nào.
Tố Hữu, hay là đường Lê Văn Lương kéo dài, là một trong 4 con đường huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với phần phía Tây - tức là vùng Hà Tây cũ - phần đất chủ yếu được mở rộng sau năm 2008 của thành phố. Tương lai của thủ đô sẽ phát triển về hướng đó, cho dù là quy hoạch trên giấy hay thị trường bất động sản đều chứng tỏ điều này.
Nhưng khung cảnh con đường trong giờ cao điểm, nhìn từ phòng làm việc của tôi, là một bức tranh trừu tượng. Loại mà các nghệ sĩ trong cơn xuất thần dùng cọ hoặc bay vẩy sơn kín toan. Con đường tắc cứng. Ngập ngụa người và xe và đèn hậu và cả lớp hơi nóng cuộn lên từ dòng phương tiện, kéo dài chừng hơn 3 cây số.
Đường Tố Hữu tạo ra ấn tượng của một lỗi lầm quy hoạch. Bạn có thể mang ấn tượng đó ngay từ cả khi nhìn vào những bức ảnh chụp từ trên cao. Trên gần 3 cây số đường, có 40 dự án cao ốc, và dường như con số chưa dừng lại. Con đường oằn mình gánh một lượng phương tiện khổng lồ vào giờ cao điểm. Gọi Tố Hữu là con đường huyết mạch, thì cơ thể thành phố chắc bị bệnh mạch vành.
Đó không phải là nơi duy nhất ở Hà Nội mà người dân cảm nhận được những vấn đề trong quy hoạch. Trước khi bàn đến việc xây dựng “đô thị vệ tinh”, bàn cụ thể đến các tuyến BRT và metro, hay là cấm xe máy và taxi, cần làm rõ những mắc mớ trong quy hoạch thì việc xây dựng tương lai mới hanh thông được.
Câu hỏi đặt ra: cái gì đã tạo ra bức tranh quy hoạch hôm nay, mà nói như chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung, là đã “băm nát Hà Nội”?
Có khá nhiều văn bản nói về công tác quy hoạch của Hà Nội trong những năm qua, trong đó có kết luận về các “thiếu sót” ở quận Hà Đông, nơi tọa lạc con đường mạch vành Tố Hữu, có cả kết luận về “sai phạm” của Hà Nội. Trong một ngày mưa Hà Nội mà những con đường huyết mạch đều thành con đường khổ ải, người dân lầy lội hàng tiếng đồng hồ để nhích vài trăm mét, tôi quyết định tìm đọc các kết luận thanh tra. Tôi tìm được một lý do thú vị.
Trong thông báo kết luận thanh tra số 2923/TB-TTCP của Thanh tra chính phủ công bố cuối năm ngoái, khi bàn đến sai phạm trong quy hoạch tại Hà Nội, có đoạn viết: “... tình trạng tùy tiện đó, tạo ra cơ chế xin-cho, ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương; ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước...”.
Tôi dừng lại ở đây để suy nghĩ. Cơ chế xin-cho trở thành lý do phá vỡ được quy hoạch và cả kỷ cương phép nước, thì hẳn ai cũng tưởng tượng được. Nhưng có một khúc mắc mang tính ngôn ngữ ở đây: "cơ chế xin-cho" thực chất là gì?
Xin-cho là một cặp phạm trù thấm đẫm tình cảm. Một người xin, một người cho. Từ “xin” theo phần lớn các từ điển tiếng Việt, đều chỉ dừng lại ở: “Tỏ ý muốn người khác cho phép làm việc gì”. Tôi dắt tay người yêu về xin mẹ được cưới. Ông con trai xin tôi được xem phim hoạt hình 5 phút. Chỉ là tỏ ý thôi. Cảm thấy thoải mái vui vẻ thì cho.
Và có lẽ vì “xin-cho” mang sắc thái ngôn ngữ đầy vị tha như thế, cho nên dù chỉ ra được rằng có “cơ chế xin-cho” hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, phần lớn các xử lý (nếu có) đang dừng lại ở mức “kiểm điểm”. Các vụ khởi tố hình sự trong lĩnh vực quy hoạch không nhiều, cho dù kết luận về sai phạm thì không ít. Ở đây, có thể hiểu rằng cơ chế xin-cho hoạt động theo đúng sắc thái mà từ vựng mô tả: chủ đầu tư đến xin, cấp có thẩm quyền cho. Không có động tác nào ở giữa, thuần túy là tình cảm.
Việc khái niệm “cơ chế xin-cho” được sử dụng một cách chính tắc trong kết luận thanh tra và phát biểu của nhiều nhà chức trách khiến tôi cảm thấy có vấn đề. Có thực sự tồn tại cái gọi là “xin-cho” trong thời đại kinh tế thị trường này không, hay là giữa xin và cho luôn phải có một động tác có thể hình sự hóa? Có nên gọi hiện tượng này bằng một cái tên thẳng thắn hơn để truy nguyên bản chất?
Còn nếu như thực sự các quy hoạch, hay rộng hơn là nhiều khung pháp lý khác, có thể bị phá vỡ bằng tình cảm, thì tôi buộc phải chấp nhận rằng những con đường, những khu đô thị, những quy hoạch, những hạ tầng xã hội mình đang sống, chính là các tác phẩm trừu tượng. Chúng được tạo ra giống hội họa, đầy cảm xúc thăng hoa. Để tận hưởng, không cần giải thích.
Và một lúc nào đó, người ta không cần phân biệt các nhà quy hoạch với các họa sĩ trừu tượng nữa. Với cây bút, tờ giấy, và mạch tình cảm dâng trào, người này có thể làm việc của người kia.
Thứ trưởng Tài chính: Nhiều thủ tục trên \'cơ chế một cửa\' còn nửa vời Đại diện Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ ... |
Đề xuất bổ sung cơ chế xử phạt người mua nhà Đó là đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, khi cho rằng nếu chủ đầu ... |
Hà Nội bị phê bình, TP.HCM xin cơ chế Phó Thủ tướng phê bình UBND. TP Hà Nội thiếu nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng. |