Theo ý kiến của một cổ đông, trực tiếp là công nhân lao động tại Cảng Khuyến Lương cho rằng: “Thay đổi cơ cấu là phải tạo ra công ăn việc làm và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, sau khi chuyển thành Công ty cổ phần thì tôi thấy mọi thứ đều giảm”
Như thông tin Dân Việt đã đưa, Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương từ tháng 9.2013. Tại thời điểm cổ phần hóa, tài sản của công ty này được thống kê nguyên giá là hơn 40,6 tỷ đồng và sau khi trừ khấu hao chỉ còn 19,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hơn 10 ha đất đang sở hữu của doanh nghiệp này không được đưa vào xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đồng thời, sự góp mặt của ông ông Nguyễn Thủy Nguyên – người từng “nổi tiếng” trong việc có ý định thâu tóm “đất vàng” Hãng phim truyện Việt Nam và Cảng Hà Nội. Những thông tin trên đang khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về một cuộc “thâu tóm” hơn 10 ha đất Cảng Khuyến Lương sắp xảy ra.
Lợi nhuận từ giảm giá thuê đất?
Báo cáo về kết quả hoạt động của Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương năm 2017 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 vừa qua, ông Nguyễn Đình Thái – Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này cho biết, hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, thanh toán công nợ vẫn gặp khó khăn; một số phương tiện, thiết bị khai thác nhiều năm hư hỏng; sự cạnh tranh gay gắt của các bến tư nhân… Sự ràng buộc của Luật đê điều 2007 cũng đang gây khó khăn, bất cập trong việc làm thủ tục đầu tư xây dựng kho chứa hàng khu vực bãi sông Hồng.
Bên cạnh đó, theo ông Thái, những thuận lợi lớn của công ty trong năm 2017 là việc điều chỉnh giá thuê đất, đơn giá thuê kho đang được điều chỉnh tăng dần và việc hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép trạm trộn, xây kho.
Tại nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty năm 2017, bà Trương Thúy Nga – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương cho biết, sản lượng tấn thông năm 2017 đạt 77,43% so với kế hoạch năm 2017 và bằng 88,2% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh số sản lượng giảm nên doanh thu thu bốc xếp giảm theo.
Năm 2017, Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương được Nhà nước giảm khoảng 2,9 tỷ đồng tiền thuê đất. (ảnh Nguyễn Chương)
Tuy nhiên, theo bà Nga báo cáo, mặc dù sản lượng tấn thông giảm qua và doanh thu vật liệu xây dựng đạt thấp nhưng chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2017 đạt 103,88% so với kế hoạch năm 2017 và bằng 119,2% so với năm 2016. Nguyên nhân có sự mâu thuẫn này là do công ty đã tích cực bám sát và làm việc với cơ quan chức năng quản lý Nhà nước để miễn giảm hơn 2 tỷ đồng tiền thuê đất.
Nhấn mạnh thêm lợi ích từ việc giảm tiền thuê đất, theo Kế toán trưởng công ty Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra, lợi nhuận sau thuế của công ty đã được kiểm toán là 4,8 tỷ đồng. Thế nhưng, số lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2017 so với lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2016 tính theo giá trị tuyệt đối là 979 triệu đồng. Vì vậy nếu loại trừ nguyên nhân ảnh hưởng từ tiền thuê đất thì lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng đang sụt giảm 1,5 tỷ đồng.
Cũng theo bảng cân đối kế toán tài chính, tổng giá trị tài sản Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương tính đến ngày 31.12.2017 là hơn 56,3 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế là 4,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người là hơn 7 triệu đồng.
Cổ đông kêu khó
Theo tài liệu của PV Dân Việt, hiện tại, Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương có 02 nhà đầu tư có vốn điều lệ lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có số cổ phần sở hữu chiếm 49%; Công ty Liên hiệp Xây dựng Vạn Cường có số cổ phần sở hữu chiếm 40%. Các cổ đông còn lại chiếm 11% vốn điều lệ công ty.
Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, ông Nguyễn Đẳng Song – Phó Trưởng ban Quản lý Cảng biển (đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) cho rằng: “Theo báo cáo sản xuất kinh doanh tôi thấy chưa phát huy hết tiền năng của mình. Mặc dù có một số chỉ tiêu tăng nhưng lợi nhuận và thu nhập của người lao động, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu giảm, thậm chí lỗ như kinh doanh vận tải, nếu xét tổng thể lợi nhuận năm nay không đạt như năm trước”.
Hạ tầng Cảng không được đầu tư cải thiện nhưng kho bãi mới để cho thuê lại mọc lên dày đặc. (ảnh Nguyễn Chương)
Thừa nhận những khó khăn của Cảng Khuyến Lương trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Thái – Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2005 dự án nâng cấp Cảng giai đoạn II hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng không phát triển. Từ khi chuyển thành Công ty cổ phần hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn hơn…
Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 này, ông Nguyễn Hồng Thủy – là cổ đông, là người lao động của công ty nêu ý kiến: “Thay đổi cơ cấu phải thay đổi công ăn việc làm. Tuy nhiên sau khi chuyển thành Công ty cổ phần thì tôi thấy mọi thứ đều giảm. Mức thu nhập bình quân đầu người là thấp, đề nghị HĐQT xem xét, tăng thu nhập cho người lao động”.
Trả lời ý kiến của ông Thủy, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Thái cho rằng, từ ngày cổ phần hóa tiền lương và công việc tăng lên là không đúng. Vì từ ngày thành lập đến năm 2013 lợi nhuận hàng năm đạt không quá 2 tỷ đồng. Nhưng khi cổ phần hóa lợi nhuận hàng năm đều tăng lên.
“Việc tái cơ cấu, đây là việc cả xã hội đang phải làm, Trung ương chỉ đạo quyết liệt. Trước đây, ở Cảng một việc giao cho 2-3 người làm còn bây giờ thì 1 công việc chỉ giao cho 1 người làm, theo đó phải có lao động dôi dư là tất yếu”, ông Thái trả lời.
Doanh nghiệp đang được hưởng lợi lớn từ hơn 10 ha đất kho bãi của Cảng? (ảnh Nguyễn Chương)
Theo quan sát của PV Dân Việt, tại khu vực Cảng Khuyến Lương đang hình thành nhiều trạm trộn bê tông, các phương tiện trở bê tông tươi ra vào Cảng với số lượng lớn. Trong khi đó, hạ tầng của Cảng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, tuyến đường chính từ cửa phai đê vào Cảng vẫn chưa thi công xong.
Như vậy, mặc dù có thể thấy kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương có tăng. Tuy nhiên, phần lợi nhuận công ty này có được lại do việc cho thuê kho bãi, giảm giá thuê đất và khai thác hiệu quả từ trạm trộn bê tông. Thực tế này đang có phần lặp lại với “kịch bản” cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) với “nạn nhân” là Cảng Hà Nội.
Hai năm sau cổ phần hóa, Cảng Hà Nội từng lừng lẫy một thời chỉ tồn tại cầm chừng với hoạt động cho thuê kho bãi. Đại diện Cảng vụ Đường thủy Hà Nội trong lần trả lời báo chí cũng cho biết, không có bất cứ đầu tư mới nào vào cảng Hà Nội sau 2 năm cổ phần hóa. Thậm chí hoạt động của đơn vị này còn thu gọn lại.
Trước cổ phần hóa, cán bộ công nhân cảng có hàng trăm người, nhưng đến cuối năm 2016 nhân sự trực tiếp vận hành chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Đa số công nhân bị trả lương thấp đã xin nghỉ và bán lại cho Công ty Vạn Cường do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm chủ tịch số cổ phần ưu đãi sở hữu còn lại./.
Cảng Khuyến Lương được định giá chỉ hơn 40 tỷ đồng? Là một doanh nghiệp nhà nước, có nền tảng kinh doanh khai thác cảng, vận tải, thương mại gần 30 năm và hệ thống nhà ... |
Vụ bán Cảng Quy Nhơn: Nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Định nói gì? Cổ phần hóa (CPH) Cảng Quy Nhơn là vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đặc biệt quan tâm ... |
Thanh Hóa: Lặng bước trong bùn cáng thi thể ra khỏi dòng lũ - Bản làng bị vùi lấp ở Mường Lát (Thanh Hóa) sau 5 ngày bị cô lập. Thanh niên được huy động đưa thi thể ... |