Anna bị bắt cóc ở London và đưa sang Bắc Ireland, nơi bị giam giữ và cưỡng ép bán dâm với 20 người mỗi ngày.
Khung cảnh khu phố nơi Anna bị giam giữ nhìn từ cửa sổ ôtô. Ảnh: BBC.
Anna là người Romania. Đầu năm 2011, cô tới London với ước mơ đại học. Để đủ tiền học, Anna làm đủ nghề, từ phục vụ bàn, dọn dẹp tới gia sư toán. Thế rồi một ngày tháng 3/2011, cô bị bắt cóc ngay trên phố và đưa sang Ireland, trải qua 9 tháng địa ngục ở đó, theo BBC.
Hôm bị bắt cóc, Anna đang ở gần nhà. Chỉ đủ thời gian về nhà nhấm nháp vài miếng bánh cho bữa trưa trước khi đến chỗ làm, cô đeo tai nghe lên, rảo bước trên phố Wood Green ở phía bắc London. Vài bước nữa là tới nhà, Anna thò tay vào túi lấy chìa khóa. Bỗng ai đó ở phía sau tóm lấy cổ Anna, bịt miệng cô lại và kéo vào ghế sau một chiếc xe đỏ sẫm.
Trên xe có ba người, hai đàn ông và một phụ nữ. Họ đấm đá, tát vào mặt cô, hét lên đe dọa bằng tiếng Romani. Người phụ nữ ngồi ở ghế hành khách giật túi của Anna, lấy kính khỏi mặt cô. Họ dọa nếu không nghe lời sẽ giết chết người nhà Anna ở Romani.
"Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra hay họ đang đưa tôi đi đâu", Anna nói. "Tôi tưởng tượng mọi chuyện có thể xảy đến với mình, từ mổ bụng lấy nội tạng đến mại dâm, thậm chí bị giết, Chúa mới biết được".
Người phụ nữ kia lục lọi túi của Anna, nhìn vào ví, xem cuộc gọi gần đây và bạn bè trên Facebook, giấy tờ tùy thân. Trong túi có hộ chiếu, đi đâu Anna cũng mang theo sau một lần bị ăn trộm ngay trong phòng.
Anna nhận ra không có hy vọng thoát khỏi xe, nhưng khi tới sân bay, bọn họ bỏ lại cô một mình với một gã. Anna bắt đầu tự hỏi đây có phải cơ hội trốn thoát không, liệu cô có thể xin nhân viên sân bay giúp đỡ không.
"Rất khó để hét toáng lên khi bị đe dọa", Anna nói. "Họ giữ giấy tờ của tôi, biết mẹ tôi ở đâu, biết mọi thứ về tôi".
Quá nguy hiểm, Anna không dám liều. Ở quầy làm thủ tục, cô khóc, mặt đỏ ửng, nhưng nhân viên phía sau quầy không để ý. Khi gã kia đưa hộ chiếu ra, bà ấy chỉ mỉm cười, đưa họ thẻ lên máy bay.
Giả vờ là một đôi vợ chồng, hắn giục Anna đi qua cổng an ninh tới cổng chờ lên máy bay, chọn chỗ phía đuôi. Hắn dọa nạt, bắt cô ngồi im, không được la hét hay khóc lóc, nếu không muốn mất mạng.
Anna nghe tiếng cơ trưởng thông báo một sân bay ở Ireland mà cô chưa từng nghe tên. Nước mắt ràn rụa, cô bước khỏi máy bay, nhưng cũng giống nhân viên quầy thủ tục, cô tiếp viên hàng không chỉ mỉm cười, không nhìn kỹ Anna.
Lúc này, Anna quyết định sẽ chạy trốn ở sân bay nếu có cơ hội. Nhưng chẳng có cơ hội nào cả, hai người đàn ông Romani nữa đang đứng ở bến xe buýt chờ cô. Gã béo thò tay nắm lấy Anna, cười bảo: "Hàng lần này trông ngon hơn đấy". Đó là lúc Anna nhận ra cô đã bị bắt cóc.
"Khi đấy tôi mới biết mình đang bị bán", Anna tâm sự.
Bọn chúng đưa cô tới một căn hộ bẩn thỉu, gần một hiệu sách. Cửa phòng đóng chặt, không khí đầy mùi rượu, thuốc lá và mồ hôi. Mấy gã đàn ông phì phèo khói thuốc, chăm chú gõ phím trên mấy cái laptop trong phòng khách. Trên bàn có hơn chục cái di động, cái thì đổ chuông, cái thì để chế độ rung, còn phụ nữ ăn mặc hở hang, thậm chí khỏa thân đi lại giữa các phòng.
Vài tên đè chặt Anna, một người đàn bà vận áo choàng đỏ, đi dép xỏ ngón lột quần áo khỏi người cô. Chúng chụp ảnh Anna mặc đồ lót, dán lên miếng nhung đỏ gắn trên tường để làm quảng cáo Internet. Lúc thì chúng gọi cô là Natalia, lúc thì Lara, khi thì Ruby, nhiều tới mức Anna chẳng nhớ nổi. Tuổi tác và quê quán của cô cũng thay đổi, lúc thì 18, khi thì 20, lúc là người Latvia, khi thì người Hungary.
Anna bị ép quan hệ tình dục với hàng nghìn người. Nhiều tháng liền cô không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, chỉ được phép ngủ khi không có khách, nhưng chẳng lúc nào vắng khách cả, mỗi ngày cô tiếp đến 20 người. Nhiều hôm Anna phải nhịn đói, hoặc chỉ ăn một lát bánh mỳ hay đồ thừa của ai đó để lại.
Thiếu ngủ, thiếu ăn, liên tục bị lạm dụng, Anna sụt cân trầm trọng, đầu óc lúc nào cũng lơ mơ. Khách hàng trả 80-100 Euro cho nửa giờ quan hệ, hoặc 160-200 Euro cho cả giờ. Một số người khiến Anna chảy máu, hoặc làm cô đau đớn không chịu nổi tới mức nghĩ rằng mình sắp chết.
Một số khác tử tế hơn, hỏi cô có biết mình đang ở đâu không, hay đề nghị đưa cô ra ngoài quán rượu chơi, cùng đi dạo những thắng cảnh ở địa phương. Nhưng họ thừa biết là Anna và những cô gái khác bị giam cầm ngoài ý muốn.
"Họ biết rõ chúng tôi bị giam giữ ở đó. Họ thừa hiểu, nhưng không ai quan tâm", Anna nói.
Những vết bầm tím trên từng cm cơ thể Anna rất rõ ràng, vết này vừa mờ đi, vết mới đã xuất hiện, nhưng chẳng ai lấy làm phiền lòng vì điều đó. Anna căm hận tất cả bọn họ.
Đột kích
Tới tháng 7, bốn tháng sau khi bị bắt cóc, chuông điện thoại trong căn hộ không ngừng réo lên, báo động cảnh sát đột kích. Rồi một ngày, cảnh sát ập vào, bắt đi tất cả phụ nữ. Tuy nhiên, trước đó, những người đàn ông và phụ nữ điều hành ổ chứa này mang theo laptop và tiền mặt đã lặng lẽ rời đi. Anna tự hỏi tại sao họ lại biết cảnh sát đang đến.
Cảnh sát tịch thu ảnh chụp trong căn hộ, bao cao su đã sử dụng, đống đồ lót và bảo Anna cùng ba cô gái khác, cũng là nạn nhân của bọn buôn người, mặc quần áo vào. Anna khai rằng họ không có quần áo, họ bị giam cầm ở đó.
"Rõ ràng là cảnh sát có thể nhận ra chúng tôi là nạn nhân bởi chúng tôi không có quần áo, không có giấy tờ tùy thân", Anna nói. "Tôi đã cố giải thích, nhưng không ai thèm nghe".
Đồ lót giăng đầy trong căn hộ Anna bị giam giữ. Ảnh: BBC.
Dù sao Anna cũng mừng vì đã bị bắt. Cô cảm thấy thể nào cảnh sát cũng nhận ra họ là nạn nhân, nhưng cô đã lầm. 4 người phụ nữ bị nhốt cả đêm trong buồng giam và đưa tới tòa án vào sáng hôm sau.
Một luật sư giải thích tòa sẽ nghe họ điều trần. Các cô sẽ bị buộc tội kinh doanh nhà chứa, bị phạt tiền và sẽ được trả tự do sau vài tiếng nữa. Đây không phải vụ án lớn, ông luật sư giải thích. Đó chỉ là một phần của vòng xoay mà thỉnh thoảng, cảnh sát lại mở chiến dịch bài trừ mại dâm, bắt vài gã ma cô, sau đó lại thả ra.
Khi bốn cô gái rời khỏi tòa án, Anna muốn bỏ chạy, dù biết mình chẳng có chỗ nào để đi, trong người không xu dính túi. Nhưng cô cũng chẳng có cơ hội, những kẻ bắt cóc đã đợi sẵn họ bên ngoài, cửa xe lại mở ra lần nữa.
Ở Romani, mẹ của Anna nghe báo đài đưa tin về những cô gái trẻ điều hành một nhà chứa ở Ireland, trong đó có tên con gái. Khi đó, bà đã nhìn thấy ảnh của Anna trên Facebook, lúc thì khỏa thân, lúc thì mặc đồ lót, người đầy vết bầm tím. Bà còn nhìn thấy tài khoản của cô viết đầy bình luận về cuộc sống mới và tiền kiếm được khi làm gái ở Ireland. Đó toàn là lời dối trá do những tên đàn ông phịa ra qua bàn phím.
Không chỉ mẹ cô, hàng xóm cũng nhìn thấy Anna trên Facebook. Bạn bè cô cũng thấy. Không ai biết cô bị bắt cóc, bị đưa tới Ireland và cầm tù ở đó. Mẹ của Anna cố gọi điện cho con nhưng không ai nghe máy.
"Mẹ tôi đã tới báo cảnh sát ở Romania", Anna kể lại. "Nhưng họ bảo, \'Con gái bà đã là thanh niên và rời khỏi đất nước, cô ấy có quyền làm bất kỳ điều gì mình muốn\'".
Cuối cùng, Facebook xóa tài khoản của Anna vì hình ảnh không phù hợp. Nếu ai đó muốn tìm cô trên mạng xã hội, họ sẽ phát hiện dường như cô chưa từng tồn tại.
Các cô gái lại bị đưa đi khắp nơi, ở trong những căn hộ và khách sạn tại nhiều thành phố khác nhau. Nhưng cuộc sống của họ vẫn tồi tệ như cũ, liên tục bị lạm dụng bất kể ngày đêm. Anna tưởng rằng đời mình không thể tệ hơn được nữa, tới khi nghe được chúng lên kế hoạch đưa cô sang Trung Đông. Anna hiểu mình phải trốn đi.
"Khi đó tôi cũng chẳng biết chính xác mình đang ở đâu. Nhưng tôi biết mình có cơ hội trốn khỏi Belfast, hoặc Dublin, hay bất kỳ nơi nào chúng giam giữ, chứ nếu đã sang Trung Đông, tôi sẽ không bao giờ còn cơ hội", Anna nhớ lại.
Cô xỏ chân vào đôi dép tông của ả đàn bà nọ, mở cửa, cố không phát ra tiếng động và bước như bay. Đã nhiều tháng các bắp thịt ở chân Anna chưa từng căng ra, nhưng giờ cô phải cố sức kéo căng chúng.
Anna trốn thoát nhờ trí nhớ. Thỉnh thoảng, khách hàng lại yêu cầu đưa cô tới nhà, chứ không đến chỗ căn hộ nơi Anna bị giam giữ. Cô cố gắng nhớ kỹ quãng đường di chuyển.
"Tôi không biết một kẻ điên khùng nào đó đang đợi mình hay sẽ làm gì với mình. Bởi thế, bất kỳ lúc nào phải ra ngoài, tôi đều cố nhớ kỹ mình đang ở đâu. Khi bọn chúng đưa tôi từ chỗ này sang chỗ khác, tôi sẽ vẽ bản đồ trong đầu, nhớ đặc điểm các tòa nhà, biển báo, mọi dấu hiệu nơi chúng tôi đi qua", cô giải thích.
Anna có một khách quen tên là Andy. Gã này làm nghề buôn ma túy, nhưng chỉ muốn gọi cô tới để hỏi chuyện, chứ không có nhu cầu tình dục. Một người bạn của Andy muốn tìm hiểu việc kinh doanh nhà chứa nên đã khai thác thông tin từ Anna.
"Khi đó tôi đặt cược vào hắn ta. Tôi không tin hắn, nhưng gã từng ngỏ lời giúp tôi tìm chỗ trốn", cô nói.
Chạy trốn
Dựa vào trí nhớ, cô tới nhà Andy nhưng không ai mở cửa. Cô chỉ biết chờ đợi, hy vọng lũ ma cô không tìm thấy mình. Anna đặt cược thành công. Andy quay về nhà lúc nửa đêm và cho cô nghỉ lại. Việc đầu tiên Anna muốn làm là gọi cho mẹ.
Chuông điện thoại vang lên, bạn trai của mẹ cô nghe máy. Khi nhận ra ai đang gọi, ông ta dặn cô chớ gọi nữa, và đừng bao giờ quay lại thăm mẹ. Lũ ma cô và bọn buôn người liên tục đe dọa mẹ cô, bà đang rất sợ hãi.
"Thế là tôi bảo ông ta: \'Được rồi, thế này nhé. Nếu có ai bấm chuông dọa dẫm, ông hãy bảo rằng đối với ông và mẹ tôi, tôi đã chết rồi\'", Anna nói.
Ông ta cúp máy.
Lúc này, dù trong người không có giấy tờ tùy thân hay hộ chiếu, dù đã từng có kinh nghiệm về cảnh sát, nhưng Anna vẫn quyết định trình báo. Lần này cô may mắn gặp được những người biết lắng nghe.
Hóa ra Anna đang ở Bắc Ireland. Cô được mời tới gặp một cảnh sát cấp cao trong quán cà phê.
"Ông ấy lấy một tờ khăn giấy trắng, yêu cầu tôi viết tên của những kẻ đã bắt cóc và giam cầm tôi", Anna nhớ lại.
Viết xong, cô đẩy tờ giấy về phía ông ta. Viên cảnh sát choáng váng, nói rằng đó là những kẻ mà ông đã tìm kiếm suốt nhiều năm. Một cuộc điều tra kéo dài hai năm bắt đầu. Cuối cùng, những kẻ bắt cóc Anna sa lưới, nhưng cô vẫn lo lắng cho an toàn bản thân và mẹ, nên quyết định không ra tòa làm chứng.
Một cô gái khác ra làm chứng. Băng đảng này bị kết tội buôn bán người, kinh doanh mại dâm và rửa tiền ở Bắc Ireland. Mỗi tên bị kết án hai năm tù. Chúng bị giam 6 tháng trước phiên xét xử, sau đó ngồi tù 8 tháng khi bị kết án, rồi được tự do nhưng chịu quản chế. Trước đó, chúng từng thụ án hai năm tù ở Thụy Điển vì tội danh tương tự.
"Tôi vui mừng vì chúng bị bắt nhưng không hài lòng với quyết định bản án", Anna nói. "Mà tôi cho là đời này chẳng có gì công bằng cả".
Sau đó, cùng với những phụ nữ khác, Anna làm chứng cho Lord Morrow, một chính khách của đảng Liên minh, người đã bày tỏ quan ngại với Hội đồng lập pháp Bắc Ireland về tình trạng ngày càng nhiều trẻ em và phụ nữ bị cưỡng ép bán dâm, bóc lột sức lao động trong nông trại và nhà máy mà ông nghe kể.
Bọn kinh doanh mại dâm gọi Anna bằng nhiều cái tên, khi thì Rachel, khi thì Natalia, nhiều tới mức cô không nhớ nổi. Ảnh: BBC.
Luật Cấm Khai thác và Buôn bán Người thông qua năm 2015 khiến Bắc Ireland trở thành nơi đầu tiên và duy nhất ở Anh coi mua dâm là phạm tội. Ngược lại, hành vi bán dâm lại không vi phạm pháp luật.
Anna cảm thấy mình đã góp sức cho thành công này.
"Luật này có lợi cho nạn nhân, nó coi bọn buôn bán người và mua dâm là tội phạm", cô nói ."Nó sẽ ngăn chặn các đường dây buôn bán người".
Những người bị buôn bán như Anna giờ đây có thể sống mà không e sợ, bởi thay vì bị kết tội do bán dâm, họ được hưởng lợi từ đạo luật này. Năm 2017, mua dâm là phạm tội trên toàn Ireland, nơi Anna trải qua 9 tháng địa ngục.
Nhưng nỗi đau mà cô đã trải qua sẽ vĩnh viễn không thể xóa nhòa. Lưng và đầu gối của Anna lúc nào cũng đau đớn. Trên đầu có chỗ trọc hếu vì tóc không mọc nổi sau nhiều lần bị giật. Lúc nào Anna cũng hoảng hốt. Thỉnh thoảng cô mất ngủ, mà nếu có ngủ, Anna cũng gặp ác mộng. Đôi khi cô cảm giác cái mùi rượu trộn lẫn khói thuốc, mồ hôi, tinh dịch và hơi thở của những kẻ đã lạm dụng mình lại phảng phất đâu đây.
Nhưng Anna đang cố nhìn về phía trước. Cô đã tống những kẻ lạm dụng vào tù, cô đã giúp thay đổi luật pháp, và sau nhiều năm không trò chuyện, mối quan hệ giữa Anna và mẹ đã tốt hơn.
"Mẹ và tôi đã đi một hành trình dài để bà hiểu được tôi phải trải qua chuyện gì", Anna nói. "Mẹ học cách hiểu tôi, tôi học cách hiểu bà, bây giờ chúng tôi đều ổn".
Anna đã đăng ký học đại học ở Anh nhưng phải bỏ dở vì không thể trả học phí, cũng như không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Cô xin việc ở bệnh viện, công việc rất ổn.
"Rồi sẽ tới lúc tôi toàn tâm toàn ý với việc học", Anna nói. "Nhưng giờ thì tôi phải làm việc, hướng đến tương lai".
15 tháng địa ngục của nữ nhà báo bị bắt cóc và cưỡng hiếp ở Somalia Khi Amanda quyết định tự tử để chấm dứt chuỗi ngày bị giam cầm, hình ảnh một chú chim nhảy nhót trong nắng mai khiến ... |
Bị bắt cóc tống tiền 300 triệu đồng, con tin đột nhiên được trả về Ông D bị 1 nhóm đối tượng dùng dao khống chế, yêu cầu lên xe ô tô rồi điện thoại cho vợ gửi 300 triệu ... |
Người mẫu nội y kể chuyện bị bắt cóc làm nô lệ tình dục Chloe Ayling đã bị chuốc thuốc, bắt cóc và rao bán làm nô lệ tình dục trên web đen với giá khởi điểm 270.000 bảng ... |