Ban đầu du khách Mỹ Lexie không nghĩ đến kỷ lục Guinness, mà chỉ muốn là một phượt thủ rong ruổi khắp nơi.
Lexie Alford, 21 tuổi, vừa lập kỳ tích đến thăm mọi quốc gia trên trái đất. Cuộc phiêu lưu của cô được cho là phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới về người trẻ tuổi nhất tới tất cả 196 quốc gia có chủ quyền - do James Asquith lập vào năm 2013, ở tuổi 24.
Lexie sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành du lịch. "Những chuyến đi là một phần trong đời khi tôi có thể ghi nhớ. Ba mẹ thường xin cho tôi nghỉ học một lần trong năm và đi những chuyến nghiên cứu độc lập kéo dài hàng tuần cho tới hàng tháng", cô chia sẻ.
Khi lớn hơn, Lexie cùng gia đình thăm thú khắp nơi từ những ngôi làng nổi ở Campuchia, Burj Khalifa tại Dubai, thành phố Ushuaia ở rìa Argentina cho tới Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Ảnh này Lexie chụp trong chuyến tham quan vườn thú tại Nam Phi.
"Ba mẹ tôi luôn để tôi tiếp xúc với mọi mặt của cuộc sống, điều đó ảnh hưởng to lớn tới con người tôi ngày hôm nay. Tôi luôn tò mò về cách người dân tại những miền đất khác sống ra sao, họ tìm thấy hạnh phúc như thế nào", Lexie tâm sự.
Lexie kể cô ban đầu không nghĩ đến chuyện phá kỷ lục mà chỉ muốn trở thành một phượt thủ, với quyết tâm cho mọi người thấy thế giới không phải nơi đáng sợ như truyền thông phản ánh, và người tốt có ở khắp nơi.
Năm 2016, Lexie tốt nghiệp trung học và có bằng liên kết với một trường cao đẳng tại quê nhà, bang California. Nữ phượt thủ nhận ra mình không còn nhiều thời gian để chinh phục 124 quốc gia còn lại trong danh sách. Do đó, trong thời gian gap year, blogger Mỹ dành toàn bộ thời gian để chu du thế giới.
"Thú thực, tôi chỉ muốn đẩy mình tới giới hạn để xem bản thân có thể làm gì, và cố gắng tận mắt thấy càng nhiều điều về thế giới càng tốt. Đến khi giải quyết được các vấn đề khó khăn, tôi mới nhận ra mình có thể truyền cảm hứng tới người khác ra sao, đặc biệt là những cô gái trẻ", nữ phượt thủ nói.
Lexie tiết lộ mình tự túc toàn bộ chi phí trên đường phượt, nhờ làm đủ kiểu công việc có thể và tiết kiệm từ năm 12 tuổi. Khoản tiền này đủ cho hành trình khoảng một năm rưỡi.
Dù hợp tác với vài thương hiệu và chạy chiến dịch quảng cáo để có thêm thu nhập, Lexie chưa từng có một nhà tài trợ chính thức nào. Trong thời gian chuẩn bị, cô tìm trước chuyến bay giá rẻ, đặt phòng trong nhà nghỉ bình dân và sẵn sàng quảng bá cho các khách sạn để đổi lấy chỗ ở miễn phí. Cô chắt chiu chi phí sinh hoạt nhờ sống ở nhà cùng ba mẹ, tránh mua sắm đồ dùng không cần thiết.
Những quốc gia có tiếng xấu khiến người ngoài không dám đặt chân đến khiến cô tò mò nhất. "Tôi đã thấy nhiều người tốt và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên tại Pakistan và Venezuela nhiều hơn bất kỳ điểm du lịch điển hình nào", cô tiết lộ mình không bao giờ mang kỳ vọng gì trước khi đến một miền đất mới.
Vì kinh tế không cho phép, Lexie không dành hàng tuần ở mỗi nước, nhất là những nơi cô không thoải mái khi độc hành.
Nơi khiến cô chật vật nhất là Tây và Trung Phi, do visa không thuận lợi và thiếu cơ sở hạ tầng du lịch, rào cản ngôn ngữ, cộng thêm chi phí đắt đỏ để đảm bảo đi lại an toàn. Nam Sudan, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Mali, Chad và Papua New Guinea là những nơi cô lưu lại ít nhất vì không cảm thấy an toàn.
Khó khăn tưởng chừng buông xuôi phải kể đến quốc gia cuối cùng trong danh sách: Triều Tiên - nơi cấm công dân Mỹ nhập cảnh. Theo chỉ dẫn của Sách Kỷ lục Guinness, vào phòng đàm phán trong ngôi nhà màu xanh tại Khu vực phi quân sự DMZ được tính là một chuyến thăm Triều Tiên. Ngày 31/5, Lexie đã có mặt ở địa điểm này.
"Tôi rất thất vọng vì không thể khám phá quốc gia này trọn vẹn, nên sẽ quay lại ngay khi lệnh cấm được dỡ bỏ", cô bộc bạch.
Lexie chụp tại khu vực phi quân sự DMZ thuộc vĩ tuyến 38, vạch ngăn cách hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên.
"Tôi đã hết sức nỗ lực trong hơn 6 tháng để tìm đến những địa điểm khó khăn nhất trên thế giới. Phải đến khi vào phòng đàm phán tại DMZ, tôi mới sực nhận ra mình đã đi xa đến thế nào", Lexie nói.
Lexie khám phá Việt Nam cùng một người bạn và chia sẻ những hình ảnh tại Tràng An, Ninh Bình cùng phố đường tàu tại Hà Nội.
"Tôi thích đi xa khỏi các thành phố thủ đô, thử những món ăn địa phương, chụp ảnh văn hóa và thiên nhiên và ở lại miễn là tôi đủ khả năng", cô nói.
Blogger 21 tuổi đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm tại từng quốc gia và bài học trên đường phượt. Hiện cô còn phải gửi bằng chứng cho Guinness để chứng thực chuyến đi của mình. Sau đó, cô sẽ dành vài tháng để hồi phục thể chất và tinh thần khi lên kế hoạch cho tương lai.
Lời khuyên của Lexie dành cho những người trẻ muốn thực hiện một hành trình như cô là: Hãy tin rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì mình tâm niệm. Nếu đặt những chuyến đi lên trên hết, vấn đề chỉ còn là thời gian để bạn biến điều đó thành hiện thực.
Theo Forbes
Cuộc phiêu lưu 10 năm của phượt thủ tới 193 quốc gia trên thế giới Henrik đã tiêu khoảng 60.000 - 80.000 USD (1,3 - 1,8 tỷ đồng) cho 3.000 ngày tới 193 quốc gia trên thế giới. |