Cứ yêu được 1-2 tháng, Nguyễn Phương Anh (Hà Nội) lại bị bạn trai mới quen đòi chia tay với lý do cô quá kiểm soát.
Xinh đẹp theo "chuẩn Tây" với làn da nâu cùng thân hình khỏe khoắn, lại đảm đang và tự lập, cô gái sinh năm 1995 ở Hà Đông không hiểu vì sao mình chưa từng có một tình yêu nghiêm túc, gắn bó.
Từ năm 18 tuổi, Phương Anh chỉ hẹn hò với đàn ông nước ngoài vì "các anh Tây khen tôi xinh". Giỏi tiếng Anh nên vừa vào đại học, cô đã đi làm gia sư tại trung tâm ngoại ngữ và gặp bạn trai đầu tiên, một đồng nghiệp người Mỹ. Mối quan hệ ban đầu tốt đẹp nhưng chỉ hai tháng đã đổ vỡ. Bạn trai đòi chia tay vì Phương Anh luôn kiểm tra điện thoại và nổi cáu nếu thấy anh nói chuyện với phụ nữ.
Hai tháng sau, Phương Anh hẹn hò với một huấn luyện viên quốc tịch Australia tại phòng gym, một người rất tâm lý, chiều chuộng cô. Một ngày, anh nhận lời huấn luyện riêng cho một khách hàng nữ. Nghi anh "có tình ý từ trước" với cô kia, Phương Anh giận dỗi, gào khóc, đập phá đồ đạc, bỏ ăn suốt mấy ngày. Giải thích mãi không được, huấn luyện viên kia bỏ cuộc, chủ động nói lời từ biệt.
Ảnh: Shutterstock. |
Các mối quan hệ về sau của Phương Anh đều kết thúc theo kịch bản tương tự. Chúng rất ngắn ngủi, trung bình 1-2 tháng, có khi chỉ 1-2 tuần.
Cứ chia tay, Phương Anh khóc lóc, bỏ ăn rồi sau đó lại tỏ ra vui vẻ, đi tìm người mới. Cho rằng "sự hòa hợp về tình dục có lẽ còn quan trọng hơn là có tình cảm với nhau", cô sẵn sàng quan hệ dù chưa biết rõ đối phương, thậm chí nhiều lần không sử dụng biện pháp an toàn rồi lại ân hận, lo lắng.
Nhận thức các mối quan hệ đều có vấn đề nhưng không ngừng lại được, Phương Anh tìm đến thạc sĩ tâm lý Phạm Lê Hoàng Minh (Hà Nội) nhờ trợ giúp. "Ba buổi đầu, cô ấy khóc suốt. Đến buổi thứ tư, cô ấy bắt đầu chia sẻ về gia đình, từ đó mọi chuyện sáng tỏ", ông Minh cho biết.
Hóa ra hồi nhỏ, Phương Anh không được sống cùng với bố mẹ do họ đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu. Đến năm 12 tuổi, cô mới chuyển về cùng bố mẹ.
Bố Phương Anh "hội tụ đầy đủ tính xấu", từ hút thuốc, rượu chè đến cờ bạc, bạo lực. "Bố kiếm đủ cớ để đánh mẹ. Có khi sắp cơm, mẹ lấy thiếu một cái đũa thôi cũng bị bố hất cả mâm cơm vào mặt", Phương Anh kể.
Không chỉ chứng kiến bạo lực, Phương Anh còn thường xuyên ăn đòn do vào can bố đánh mẹ. Đỉnh điểm là một đêm tháng 1/2016, Phương Anh bị bố xô ngã, đầu đập vào ghế. Cô gói đồ đạc, bỏ nhà đi.
Theo thạc sĩ Minh, quá khứ sống xa bố mẹ, không được quan tâm đầy đủ khiến Phương Anh cảm thấy bị bỏ rơi. Thiếu tình yêu thương của mẹ và sự bảo vệ của người cha, cô loay loay đi tìm những điều đó trong thế giới người lớn. Cô thích lời khen của những anh Tây về nhan sắc của mình vì chẳng bao giờ được nghe bố mẹ nói điều đó. Cô sẵn sàng lao vào các mối quan hệ chớp nhoáng với hy vọng tìm thấy sự bảo vệ, che chở và nhầm tưởng tình dục sẽ nhanh chóng đem tới sự gắn bó.
Sợ bị bỏ rơi, Phương Anh cố gắng kiểm soát người yêu, đâm ra ghen tuông. "Càng sợ mất, cô ấy càng muốn sở hữu, nhưng càng tìm cách sở hữu lại càng đẩy đối phương ra xa hơn", thạc sĩ Minh nói.
Ngoài ra, chuỗi ngày chứng kiến bố đánh mẹ khiến Phương Anh không biết sống thật với bản thân. Cô sợ nói ra cảm xúc, suy nghĩ thực sẽ bị đánh, mà dù không bị đánh thì cũng chẳng ai trong gia đình chịu lắng nghe. Không bao giờ được bố mẹ dạy cách yêu thương và ứng xử với người khác, Phương Anh cứ mãi chới với. Sâu kín bên trong cô mong mỏi một tình yêu gắn bó lâu dài, nhưng bề ngoài cô lại cố gồng lên, tỏ ra là người mạnh mẽ, lạc quan, dễ dàng vượt qua mọi lần chia tay.
Giống như với Phương Anh, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội) trong ba năm gần đây tiếp nhận hơn 10 trường hợp đổ vỡ quan hệ tình cảm do ám ảnh từ bố mẹ bạo hành.
Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi ở Việt Nam, hầu hết người dân vẫn ngại tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề tâm lý.Thạc sĩ Phong cảnh báo trẻ em chịu cảnh bạo hành gia đình có nguy cơ mất khả năng cư xử một cách bình thường, khi trưởng thành khó xây dựng gia đình do ảnh hưởng từ hình mẫu méo mó của bố mẹ. Chưa kể, gia đình bạo hành để lại cho họ những sang chấn tâm lý. Chúng như vết sẹo tinh thần, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mới có thể đối diện và thay đổi được.
Đàn ông phải chịu đựng hậu quả ngang ngửa phụ nữ. Thạc sĩ Phong từng tiếp nhận một người đàn ông 40 tuổi ở Bắc Ninh ghét phụ nữ đến cùng cực, không chịu lập gia đình do hồi nhỏ hay bị mẹ đánh.
Trải qua một năm rưỡi trị liệu, Phương Anh mới học được cách chấp nhận và sống thật với cảm xúc của bản thân. Với sự trợ giúp từ nhà tâm lý, cô chủ động kết thúc mối quan hệ không mong muốn, đồng thời chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn thực sự của mình cho đối phương mà không có cảm giác sợ hãi, tổn thương hay bị bỏ rơi sau khi chia tay. "Đó chắc chắn là lần chia tay ít đau khổ nhất của tôi", Phương Anh giãi bày.
Tuy vậy, từ năm 2016 đến nay, Phương Anh vẫn không dám ở cùng bố mẹ, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm. Cô chưa dám nghĩ đến ngày tha thứ cho bố.
Đôi khi, người bạo hành cũng là nạn nhân của một bối cảnh kéo dài nào đó mà không được trợ giúp. "Đằng sau một con người bạo lực là một con người đau khổ. Họ chỉ đang trút sự đau khổ của mình lên những người xung quanh", thạc sĩ Minh nói.
* Thông tin cá nhân của nhân vật được thay đổi theo nguyên tắc bảo mật của Hiệp hội Tâm thần Mỹ.
Minh Trang