Với nỗ lực của Chính phủ, vài năm lại đây, thủ tục kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến khá tốt. Song, đây vẫn là vấn đề nhức nhối, khiến nhiều DN kêu trời về thời gian kiểm tra kéo dài, thậm chí phải chi tiền “lót tay” mới xong việc.
Chi tiền “lót tay”: Bộ Công Thương dẫn đầu
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố báo cáo về mức độ hài lòng của DN trong lĩnh vực thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018. Khảo sát được tiến hành với 3.061 DN, trong đó 46% là DN tư nhân trong nước, 33% DN FDI và 17% DN Nhà nước.
Theo phản ánh của các DN, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành. Đa số các DN chỉ đánh giá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyển ngành ở mức bình thường (chiếm từ 60-70%) số đánh giá tốt rất ít.
Đáng lưu ý, gần 500 DN (chiếm khoảng 18%), thừa nhận phải chi “lót tay” khi kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, DN phải “lót tay” với cán bộ Bộ Công Thương chiếm tỷ lệ gần 51%, Bộ NN-PTNT 34%, Bộ GTVT gần 30%, Bộ Y tế hơn 27%, Bộ KH-CN 24,5%,...
Mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế (ảnh minh họa)
Theo VCCI, với nỗ lực của Chính phủ vài năm trở lại đây, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã có chuyển biến khá tốt, nhưng vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối đối với các DN.
Với thống kê chưa đầy đủ, nhưng đã có tới hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật, 365 thủ tục, hơn 300 biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên quan tới quản lý chuyên ngành. Trong đó, nhiều mặt hàng phải thực hiện yêu cầu kiểm tra chuyên ngành khác nhau, do nhiều bộ, ngành quản lý.
Số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá lớn với khoảng 78.000 nhóm/mặt hàng khác nhau, có xu hướng mở rộng hơn so với quy định của luật. Nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong một bộ.
Ví dụ như mặt hàng sữa chua, pho mát vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ NN-PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ NN- PTNT,...
Tình trạng này đã được các DN phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết, VCCI cho biết.
Nỗi ám ảnh
Việc thực hiện quản lý chuyên ngành không dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, không cho phép kế thừa kết quả kiểm tra bởi các DN khác (với cùng model mặt hàng nhập khẩu), không chủ động thừa nhận các thương hiệu nổi tiếng,... đã gây lãng phí lớn cho DN và xã hội.
Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm chứa sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào Việt Nam, mặc dù đã có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu, đều phải kiểm dịch 100% mới được thông quan, bất kể động vật tươi sống hay đã qua chế biến, hay chỉ chứa một thành phần có nguồn gốc động vật như đạm sữa, đường lactose,...
Thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn kéo dài
Với quy định này, một cái bánh quy hay một gói cà phê sữa trong thành phần có chứa vài giọt sữa, hay sản phẩm dinh dưỡng y tế, vốn dĩ rất an toàn vì đã qua xử lý nhiệt và chỉ chứa một lượng nhỏ đạm chiết suất từ sữa (casein) vẫn phải kiểm dịch động vật.
Thời gian chờ kiểm dịch kéo dài, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, đặc biệt các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem,...
Báo cáo về kết quả kiểm tra chuyên ngành năm 2018 từ Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, với việc đơn giản, cắt giảm 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa và 27 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 8 Bộ đã tiết kiệm cho DN và xã hội khoảng 11 triệu ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm. Qua đó có thể hình dung ra, trước đây các DN và xã hội phải chịu lãng phí và tốn kém như thế nào.
Cuối năm 2017 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương công bố con số cho thấy, các DN mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng, chi phí cho các thủ tục này mỗi năm, nhưng tỉ lệ lô hàng vi phạm phát hiện được chỉ có 0,06%.
Đến nay, kiểm tra chuyên ngành vẫn là nỗi ám ảnh với các DN. Việc kết nối theo kiểu nửa vời, không chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành khiến DN phải đi lại nhiều, vừa tốn thời gian vừa phát sinh thêm chi phí. Việc rà soát, lại các văn bản, thủ tục cũng như quy trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chưa có lộ trình rõ ràng, để loại bỏ các thủ tục không cần thiết ở từng cơ quan, từng lĩnh vực cụ thể.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch VCCI chi nhánh TP.HCM, cho rằng, thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn kéo dài, chi phí lớn gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và tác động tiêu cực lên môi trường kinh doanh. Một khi vẫn tồn tại lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành thì việc rà soát, cắt giảm thủ tục, quy định khó có thể cải cách triệt để.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cần phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro, dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, cần loại trừ lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Nên xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận và đánh giá mức độ rủi ro mà đội ngũ nhân lực thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành mang lại.
Gần một nửa phải “bôi trơn”, “lót tay" 79% số lượng doanh nghiệp (DN) chấp nhận trả chi phí không chính thức. 52% số DN thừa nhận có chi trả chi phí không ... |
Xin 3triệu "lót tay" tiền hỗ trợ bão lũ: \'Tôi bị oan\' Bản thân Chủ tịch xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho rằng bản thân nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo là hơi nặng, chỉ đáng ... |
Chủ tịch xã đòi 3 triệu "lót tay" làm thủ tục hỗ trợ bão lũ Chủ tịch UBND xã Quảng Yên (Thanh Hóa) bị kỷ luật cảnh cáo vì trực tiếp điện thoại cho dân "đòi" 3 triệu đồng để ... |
Công an bác bỏ nghi vấn bố bệnh nhi tạo hiện trường giả lót tay bác sĩ Cơ quan điều tra xác định, do mất bình tĩnh, bố cháu bé bỏ ví xuống bàn để chứng minh có tiền, có thể chi ... |