Năm vừa qua, lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và thị trường vàng đều có những biến động. Bởi vậy, đầu tư vào đâu sau Tết là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Kênh đầu tư loạn nhịp

2023 là một năm nhiều biến động đối với cả 4 kênh đầu tư: Bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm ngân hàng và vàng. Những biến thiên của các kênh đầu tư này đều khó lường trước và tác động đến thị trường tài chính năm nay.

Để đầu tư an toàn, nhà đầu tư cần chú ý đến 3 mục tiêu là bảo toàn vốn, tỷ lệ sinh lời phù hợp và có tính thanh khoản. Nhà đầu tư nên chia số tiền đang có thành 3 phần, 1/3 gửi vào ngân hàng, 2/3 còn lại chia ra đầu tư vào vàng, chứng khoán và bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Đầu tiên phải kể đến là bất động sản. Sau một thời gian dậy sóng, đâu đâu cũng đề cập chuyện lướt sóng kiếm lời tiền tỷ, thì năm 2023, không ít doanh nghiệp bất động sản đóng cửa, nhân viên môi giới nghỉ việc quá nửa.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm vừa qua, có tới 1.286 doanh nghiệp giải thể; 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề, chỉ còn khoảng 20% đang hoạt động.

Thị trường chứng khoán cũng giảm điểm đáng kể, khiến nhà đầu tư hụt hẫng. Tính đến đầu tháng 9/2023, VN-Index tăng gần 24% so với đầu năm, đạt hơn 1.255 điểm. Đến quý IV, VN-Index quay về quanh ngưỡng 1.100 điểm.

Gửi tiết kiệm ngân hàng cũng xuất hiện diễn biến không ngờ đến khi có những ngân hàng giảm lãi gửi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục 1,7%/năm.

Trong bối cảnh đó, vàng lại trở thành cơ hội đầu tư của nhiều người khi tăng giá phi mã. Có lúc giá vàng SJC tăng vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 20% so với đầu năm.

Có nên "lướt sóng" vàng?

Trước những biến động của các kênh đầu tư trong năm qua, các chuyên gia dự báo, năm 2024, đầu tư vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn và có thể có lãi.

Có tiền, nên đầu tư vào đâu năm 2024?- Ảnh 1.

Trước những biến động của các kênh đầu tư trong năm qua, các chuyên gia dự báo, năm 2024, đầu tư vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn và có thể có lãi. Ảnh: Tạ Hải.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tình trạng ngân hàng không dám cho vay, doanh nghiệp không muốn vay có thể tạo ra khả năng vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và dài hạn.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay năm 2023, giá vàng đã có sự đột phá, dự báo sẽ tăng giá trong năm 2024, đặc biệt khi có nhiều biến động về chính trị trên thế giới. Với kênh đầu tư này, ông Hiếu cho rằng, nhà đầu tư không nên đầu tư "lướt sóng", cần đầu tư cẩn thận, giữ vàng ít nhất 6 tháng đến 1 năm.

Ông Lê Xuân Huy, chuyên gia tài chính cá nhân, nhìn nhận xung đột chính trị leo thang khiến nhà đầu tư tìm tới các sản phẩm đầu tư an toàn, trong đó có vàng. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm lãi suất năm 2024 khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi như vàng.

Nhìn về quá khứ, giai đoạn tháng 12/2018 đến tháng 3/2020, Fed đã ngừng tăng lãi suất và cắt giảm từ 2,25-2,5% về 0-0,25%. Trong giai đoạn đó, vàng tăng từ 1.221 USD/ounce lên 1.702 USD/ounce.

Trong năm 2024, Fed đã phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Nếu lịch sử tiếp tục lặp lại, xu hướng vàng tăng giá là điều khó tránh khỏi.

Cổ phiếu lĩnh vực nào tiềm năng?

Ông Huy cũng đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Theo chuyên gia này, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng thấp kỷ lục (dưới 2%/năm), kênh đầu tư bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào kênh chứng khoán.

Có tiền, nên đầu tư vào đâu năm 2024?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia, khi lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng thấp kỷ lục, kênh đầu tư bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn sẽ khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào kênh chứng khoán.

Ông Huy cho rằng, cổ phiếu một số ngành tiềm năng liên quan lĩnh vực dầu khí, chứng khoán, công nghệ thông tin. Trong đó, cổ phiếu ngành dầu khí chịu tác động khi giá dầu tiếp tục neo ở mức cao do sản xuất công nghiệp thế giới dần phục hồi, còn nguồn cung sụt giảm vì xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang ở vùng vịnh.

Còn ngành chứng khoán có dòng tiền lãi suất rẻ. Đối với ngành công nghệ thông tin, quá trình chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ và xu hướng về công nghệ AI vẫn đang phát triển mạnh mẽ kích thích hoạt động tiêu dùng cho mảng công nghệ tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, chứng khoán là kênh đầu tư có sự biến động trong nửa đầu năm và ổn định ở 6 tháng cuối năm nay vì 2024 được dự báo là năm nền kinh tế có thể vực dậy và phục hồi. Nếu nền kinh tế tăng trưởng ở mức 6-6,5%, các thị trường tài chính sẽ phát triển theo. Diễn biến tương tự cũng có thể xảy ra với thị trường bất động sản.

https://www.baogiaothong.vn/co-tien-nen-dau-tu-vao-dau-nam-2024-192240219231250939.htm

Nguyễn Hùng / Giao thông