Đa số người dùng Việt vô tư chia sẻ dữ liệu trên các trang mạng xã hội nhưng phần lớn không biết nguồn dữ liệu này đang bị khai thác triệt để, ẩn chứa nguy hiểm khó lường
Mấy hôm nay, vụ thông tin cá nhân của 50 triệu tài khoản người dùng Facebook bị lạm dụng bán cho hãng Cambridge Analytica (Anh) đã gây rúng động cộng đồng mạng xã hội. Người ta sẽ phải giật mình nhìn lại cách dùng mạng xã hội một cách vô tư, cẩu thả của nhiều người Việt. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook. Số liệu này cho thấy sự phổ cập và tầm ảnh hưởng của Facebook nhưng nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng cao.
Quá chủ quan, hớ hênh
Chỉ cần lướt qua giao diện trạng thái của Facebook, bạn có thể thấy không ít người dùng quá chủ quan, hớ hênh khi cung cấp các thông tin cá nhân trên mạng. Người ta khoe "nguyên con" các giấy tờ tùy thân, bằng lái, visa, thẻ lên máy bay…, thậm chí cả thẻ tín dụng mà không cẩn thận che hay xóa đi những thông tin nhạy cảm. Với những thiết bị công nghệ hiện nay, kẻ xấu dễ dàng làm giả những giấy tờ cho nhiều mục đích xấu hay lần ra những thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thông tin gây nguy hiểm cho chủ nhân.
Nhưng rộ và đáng sợ hơn cả là số lượng ứng dụng có tính năng tương tác với người dùng, những ứng dụng giải trí hay các trò đố vui, thử tài… xuất hiện nhan nhản trên Facebook. Chẳng hạn, "Về già, bạn sẽ thế nào?", "Kiếp trước hay kiếp sau bạn là ai?"… chính là những nguy cơ khiến bạn bị thu thập thông tin cá nhân. Vụ bê bối của Facebook cũng xuất phát từ một ứng dụng trắc nghiệm trí thông minh như vậy.
Dù người dùng không đăng bài, không khoe hình lên Facebook nhưng không có nghĩa là bên thứ ba không thể thu thập thông tin của họ Ảnh: CHÁNH TRUNG
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, người dùng vẫn tỉnh bơ click vào những link được chia sẻ trên mạng. Những cú click "chết người" đó có thể dẫn tới những trang web của bọn tội phạm tin học, nơi những mã độc được gài sẵn để xâm nhập hệ thống của người dùng.
Nhiều ứng dụng trên mạng yêu cầu người đăng ký cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân để được cấp quyền đăng nhập và sử dụng. Đa số người tham gia đã không hề nghi ngại, sẵn sàng cung cấp đủ loại thông tin cá nhân của mình cho chủ ứng dụng, miễn là để được xài.
Có một nghịch lý đang xảy ra trên Facebook. Có những doanh nghiệp tốn rất nhiều tiền xây dựng giải pháp bảo mật, bảo vệ cho hệ thống, quản lý mọi đăng nhập thật chặt chẽ nhưng lại lơ là khi tạo ra những nhóm, trang riêng mà phó mặc an ninh bảo mật cho Facebook. Trong trường hợp này, hoặc là họ thu thập thông tin của người dùng là những khách hàng tiềm năng, hoặc bị chính bọn xấu khai thác để đánh cắp thông tin của họ và người dùng.
Vụ bê bối Cambridge Analytica gây cho Facebook khốn đốn chỉ xảy ra ở Anh và Mỹ. Thế nhưng, dạng lạm dụng thông tin cá nhân này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở Việt Nam - nơi có số người dùng Facebook đứng trong Top 10 thế giới và có thói quen "sống" trên "phây" một cách thoải mái.
Trên mạng, đừng vội tin ngay cả người thân
Không phải chỉ có một mình Facebook, bất cứ mạng xã hội, diễn đàn, cộng đồng mạng nào và thậm chí trang web mà có thủ tục đăng ký thành viên cũng đều tiềm ẩn nguy cơ mất thông tin cá nhân người dùng. Thực tế là dù các nhà quản trị mạng có cẩn trọng tới đâu, có những biện pháp phòng vệ kỹ nhưng với khối lượng dữ liệu và đăng nhập quá lớn, họ cũng khó lòng không sơ sẩy.
Vì thế, bản thân mỗi người dùng mạng xã hội phải có ý thức tự bảo vệ thông tin của mình. Nhà chức trách cần có luật định buộc các mạng xã hội, diễn đàn, cộng đồng mạng... chỉ được thu thập những thông tin cơ bản của người dùng. Về phần mình, người dùng cũng chỉ chấp nhận cung cấp những thông tin nhận diện cơ bản như họ và tên, tuổi, giới tính, sở thích, địa chỉ e-mail... và kiên quyết không cung cấp những thông tin sâu hơn, nhạy cảm hơn.
Một nguyên tắc mà mọi người phải nằm lòng là phải cực kỳ cẩn trọng trước những đường link được cung cấp trên Facebook. Theo lý thuyết, bạn được khuyên chỉ nên tin tưởng vào những người có uy tín, những bạn bè thân thiết, người thân. Thực tế, giờ đây lời khuyên này cũng cần phải cẩn trọng vì những người kia có thể cũng chủ quan, hớ hênh hay tệ hơn nữa là họ đã bị kẻ xấu ăn cắp tài khoản mà mạo danh.
Khi muốn giao dịch trên Facebook, bạn tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào ngay cả trong phản hồi (comment). Hãy đề nghị inbox (nhắn tin) qua Facebook Messenger để cung cấp thông tin và tốt nhất cũng chỉ cho số điện thoại, mọi chi tiết cụ thể sẽ trao đổi trực tiếp.
Ngoài ra, không nên chấp nhận cung cấp mọi thông tin được yêu cầu từ các ứng dụng trên di động và trên mạng xã hội cốt để chạy được ứng dụng đó. Dù được người ta cho xài miễn phí nhưng người dùng cũng chỉ nên cung cấp những thông tin giao tiếp cơ bản, chỉ cài thêm những ứng dụng thật sự cần thiết. Bạn sẽ không thể nào lường được nguy cơ khi những ứng dụng độc hại đang ngày đêm "thập diện mai phục".
Sau vụ bê bối, đích thân ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg đã lên tiếng nhận trách nhiệm và công bố một loạt biện pháp mà Facebook đang và sẽ tiến hành để quản lý nền tảng an toàn hơn.
Theo đó, buộc các nhà phát triển ứng dụng không được yêu cầu người dùng cung cấp quá nhiều thông tin, cấp quá nhiều quyền để xâm nhập sâu hệ thống người dùng. Facebook nói sẽ giảm số dữ liệu mà bạn cung cấp cho một ứng dụng khi đăng nhập xuống chỉ còn tên, ảnh cá nhân và địa chỉ e-mail.
Thế nhưng, người dùng cũng không thể cả tin 100% phó mặc mọi thứ cho mạng xã hội. Một khi đã chấp nhận lên internet và vào chơi mạng xã hội, diễn đàn, người dùng phải hiểu là mình đang sống trong một môi trường ảo, nặc danh và ẩn chứa vô số nguy hiểm.
Hàng chục ngàn smartphone bị tấn công
Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav vào cuối tháng 1-2018, hơn 35.000 thiết bị smartphone tại Việt Nam đã nhiễm virus GhostTeam đánh cắp mật khẩu Facebook. Mã độc này lợi dụng hàng loạt ứng dụng Việt phổ biến trên Google Play để phát tán. Chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng cần quét virus và đổi ngay mật khẩu tài khoản Facebook nếu phát hiện điện thoại của mình nhiễm. Việc mất mật khẩu có thể dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân một cách dễ dàng.
CH.TRUNG
Ông NGUYỄN NGỌC DUY LUÂN, Trưởng Nhóm phân tích dữ liệu của Diễn đàn Tinhte.vn:
Kiểm soát chặt sự riêng tư
Trong công việc hằng ngày, tôi thấy phần lớn chủ tài khoản mạng xã hội chưa quan tâm đúng mức sự riêng tư của bản thân. Họ rất thờ ơ với sự an toàn thông tin khi chia sẻ trên các trang mạng. Điều này không những gây nguy hiểm cho dữ liệu của họ mà bạn bè họ cũng có thể bị các công ty phân tích dữ liệu thu thập thông tin để cung cấp cho các công ty online, tài chính, các nhà tuyển dụng... Mặt khác, họ còn gặp nguy hiểm khi kẻ xấu biết được thói quen, lịch hoạt động để thực hiện hành vi cướp, bắt cóc, lừa đảo…
Người dùng có thể tự bảo vệ sự riêng tư bằng cách hạn chế đăng các thông tin về mình, yêu cầu bạn bè ngừng gắn thẻ hoặc chia sẻ thông tin với bạn, dù có thể làm giảm đi tính kết nối của mạng xã hội nhưng an toàn là trên hết.
TS BÙI QUANG TÍN, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
Nên tiếp tục cảnh báo cho chủ tài khoản
Việc thanh toán, mua bán online qua kênh Facebook ở Việt Nam rất phổ biến. Trong trường hợp kẻ xấu có thông tin về số thẻ, tên chủ tài khoản, số CVV trên thẻ tín dụng là có thể đánh cắp tiền của người dùng để trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ. Do đó, theo tôi, người dùng nên chủ động bảo mật, cẩn trọng khi thanh toán, mua bán hàng hóa trên mạng, chỉ nên thanh toán ở các trang web uy tín.
Về phía các ngân hàng (NH), sau vụ rò rỉ thông tin người dùng Facebook, NH nên tiếp tục cảnh báo, khuyến cáo khách hàng thường xuyên nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản NH…
Facebooker VŨ ĐỨC ANH:
Facebook cũng chỉ là công cụ
Facebook hiện là mối đe dọa thật sự của sự rò rỉ thông tin riêng tư. Các công ty công nghệ đã nhận thức được điều này, họ đang cố gắng duy trì sự tin tưởng từ người dùng. Tuy nhiên, Facebook không chỉ là nơi chia sẻ buồn vui với bạn bè và cư dân mạng mà còn là nơi kiếm sống thì chắc chắn tôi không từ bỏ. Tôi đang bán quần áo qua mạng rất tốt và đương nhiên, tôi không muốn để bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến việc làm ăn của mình.
Tôi đã đọc hướng dẫn trên mạng và làm theo để hạn chế thấp nhất việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Hơn nữa, tôi vẫn tin rằng Facebook dù có chi phối cuộc sống của chúng ta nhiều đến đâu thì nó vẫn chỉ là một công cụ. Người dùng phải làm chủ được những hành động, ý thức của mình, phải biết và học cách tận dụng Facebook để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn chứ không phải lệ thuộc vào nó để rồi cảm thấy mình bị lợi dụng.
T.VY - TH.PHƯƠNG ghi
Lan Khuê khóc vì facebook có fan "khủng" bị hacker lấy làm trò đùa Quản lý cuả Lan Khuê chia sẻ, cô đã bật khóc và quyết định từ bỏ trang cá nhân khi bị hacker bắt cô thực ... |
Cách bảo vệ dữ liệu của bạn trên Facebook Để bảo vệ dữ liệu của mình an toàn hơn, người dùng cần thực hiện một số tinh chỉnh đặc biệt khi sử dụng mạng ... |
Facebook trên Android đang bí mật ăn cắp lịch sử cuộc gọi và tin nhắn SMS? Tweet trên Twitter đến từ một thành viên cho biết những nghi ngờ nhất định mà Facebook đang làm với người dùng Android. |
Phạm Hồng Phước