Tổng thống Joe Biden đang có động thái "xoay trục", thắt chặt quan hệ với Ả Rập Xê-út khi Washington phải vật lộn để kiềm chế giá dầu tăng vọt.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine được xem là sự kiện làm thay đổi cách nhìn của Mỹ đối với Ả Rập Xê-út. Ngoài yếu tố dầu mỏ, sự cần thiết phải cô lập Moskva được cho là động lực quan trọng khiến ông Biden chuyển hướng, đẩy mạnh quan hệ với quốc gia Trung Đông này.
Ả Rập Xê-út là cường quốc kinh tế của Trung Đông. Trong nhiều năm, quốc gia này đóng vai trò quan trọng, có tiếng nói trong các vấn đề của khu vực, đồng thời là quốc gia có tiếng nói nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ngoài ra Ả Rập Xê-út còn là đồng minh thân thiết của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Sự thay đổi trong quan hệ với Ả Rập Xê-út được xem là động thái xuống nước của Tổng thống Biden. Ông Biden đã tự đặt ra cho mình thách thức nghiêm trọng sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021 khi tuyên bố sẽ định hướng lại chính sách đối ngoại đối với Trung Đông và coi nhân quyền trở thành một ưu tiên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman. |
Trước khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden thể hiện quan điểm cứng rắn trong chính sách đối ngoại với Ả Rập Xê-út. Theo đó, trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019, ông cho biết sẽ buộc Ả Rập Xê-út phải “trả giá” vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post năm 2018 mà tình báo Mỹ kết luận Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman là người đứng sau vụ việc này.
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Atlantic đầu tháng này, Thái tử bin Salman gửi thông điệp đến Mỹ. “Chúng tôi không có quyền lên lớp ở Mỹ. Ngược lại cũng vậy. Các bạn không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi”, ông nói.
Khác với ông Biden,cựu Tổng thống Donald Trump dành sự quan tâm lớn đối với Trung Đông, tăng cường quan hệ đối ngoại với các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, ông Trump còn cử con rể Jared Kushner làm đặc phái viên để thúc đẩy gắn kết với các quốc gia ở Trung Đông, trong đó có Ả Rập Xê-út.
Có lẽ, gạt qua những hiềm khích, bất đồng trong thời gian qua, chính quyền Biden giờ đây phải hướng đến lợi ích của nước Mỹ để củng cố, thắt chặt hơn nữa trong quan hệ với Ả Rập Xê-út. Washington phải duy trì mối quan hệ đối tác lâu đời hàng thập kỷ đảm bảo ảnh hưởng trong khu vực xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.
Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết, Mỹ và Ả Rập Xê-út đang cố gắng sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, căng thẳng hai bên hiện đã quá sâu, do đó để có được cuộc điện đàm như vậy cần thêm thời gian.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Emily Horne hôm 21/3 cho biết thêm: “Tổng thống Biden đã nói chuyện với Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud vào ngày 9/2. Hai bên đã đề ra một chương trình nghị sự song phương từ khí hậu, an ninh đến hợp tác năng lượng".
Ả Rập Xê-út hiện chiếm 7% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Con số này sẽ không thay đổi nhiều trừ khi Washingtton thúc đẩy sản lượng trong nước nhiều hơn. Ả Rập Xê-út cũng là một đối trọng quan trọng trong khu vực với Iran, quốc gia luôn được xem là "cái gai" trong mắt của Mỹ.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang khiến cho nguồn cung dầu ngày càng trở nên khan hiếm. Sự thiết hụt khiến giá xăng dầu tăng vọt, liên tục lập đỉnh. Chính quyền Biden đang mong muốn hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, lấy lòng cử tri trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Chính quyền của ông Biden đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ả Rập Xê-út và Venezuela nhằm mở rộng nguồn cung dầu của nước này, từ đó giảm giá nhiên liệu đang ngày một leo thang. (Ảnh: Bloomberg) |
Mới đây, Mỹ đã quyết định dừng nhập khẩu dầu từ Nga. Vụ việc sẽ có tác động lớn đến Mỹ và các đồng minh, nhất là châu Âu. Nếu một nước có trữ lượng dầu mỏ lớn như Ả Rập Xê-út hay Venezuela tăng xuất khẩu vào Mỹ và EU, lượng đó có thể bù đắp vào khoảng trống mà lệnh cấm tạo ra.
Thế nhưng, việc ông Biden muốn hàn gắn với Ả Rập Xê-út cũng vấp phải nhiều chỉ trích trong nội bộ nước Mỹ. Nghị sĩ Ilhan Omar cho rằng Tổng thống Biden đang nhắm mắt làm ngơ trước những “tội ác chiến tranh” của Ả Rập Xê-út ở Yemen. Phe Cộng hoà nói rằng việc chính quyền hàn gắn với Ả Rập Xê-út và Venezuela cho thấy sự cần thiết phải tăng cường khai thác dầu trong nước.
Việc tăng cường khai thác dầu trong nước sẽ đi ngược lại cam kết của ông Biden về việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và đưa Mỹ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Chống biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột hành động chính của đảng Dân chủ.
Không chỉ Mỹ, Đức, Anh và Nhật Bản cũng đang hướng tới Trung Đông trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine đang gây ra sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu.