Một lần nữa, lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất (ngày 3/5). Song, kể cả động thái ấy cũng không tạo nên nhiều xôn xao trong xã hội Mỹ cũng như đối với giới quan sát quốc tế, khi đặt cạnh câu chuyện về khả năng “vỡ nợ” của Chính phủ Mỹ.

Bởi, trong sâu thẳm, bất cứ nhà phân tích nào cũng có thể cảm nhận: Lồng ghép trong cả hai diễn biến ấy là những vận động “long tranh hổ đấu” trên chính trường Mỹ, vào thời điểm cuộc đua đến vị trí chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là chính thức diễn ra.

Đổ dầu vào lửa

Như FED công bố, lãi suất cho vay qua đêm tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5,00- 5,25%. Tuy vậy, FED cũng hé lộ rằng họ có thể tạm ngừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo, qua đó giúp giới chức Mỹ có thời gian đánh giá hậu quả từ các vụ đổ vỡ ngân hàng gần đây, chờ đợi giải pháp cho bế tắc chính trị về vấn đề trần nợ công đang làm xáo động thượng tầng nước Mỹ, cũng như tiếp tục theo dõi tiến trình thay đổi của mức lạm phát.

Cơn sóng ngầm dưới chân vách đá -0
Không ít sức ép đang chờ đợi Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các chuyên gia của FED nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng những diễn biến gần đây có thể khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng lao động và lạm phát. Những rủi ro liên quan đến sự sụp đổ gần đây của một số ngân hàng và sự bế tắc về giới hạn nợ của chính phủ khiến FED phải thận trọng hơn trong việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trong một diễn biến ngay trước đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, bà Heather Boushey, thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nhận định: FED đang tăng lãi suất với hy vọng giảm lạm phát và điều đó đang có tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng. Bà cũng cảnh báo: Các nghị sĩ và quan chức thành viên đảng Cộng hòa không nên làm trầm trọng thêm tình hình, nghĩa là “đổ dầu vào lửa” (bằng vấn đề trần nợ công). Theo bà, Quốc hội có thể dễ dàng loại bỏ các nguy cơ tài chính bằng cách tăng trần nợ công, trong khi vấn đề lãi suất (và những tác động của lãi suất đối với hệ thống ngân hàng) là một câu hỏi phức tạp hơn nhiều, mà không một thực thể đơn lẻ nào có thể giải quyết.

Cùng lúc, liên quan đến vấn đề trần nợ, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ không đàm phán về câu chuyện này, trong cuộc gặp với 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội vào ngày 9/5, nhưng ông sẽ thảo luận về việc bắt đầu "một quy trình ngân sách riêng", để bàn về các ưu tiên chi tiêu. Thực tế, đây có thể xem là bước đầu của một tiến trình gợi ý những thỏa hiệp bắt buộc. Hoặc, nó có thể trở thành một điểm đổ vỡ đáng sợ.

Vỡ nợ - nỗi ám ảnh có thật

Nước Mỹ - cường quốc số 1 thế giới cũng có thể vỡ nợ? Khả năng này, thật đáng ngạc nhiên, hoàn toàn có thể xảy ra. Nói đúng hơn, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, ngày 1/5, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo khác: Các ước tính của Bộ Tài chính cho thấy họ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính của chính phủ vào đầu tháng 6 tới, sớm nhất là vào ngày 1/6, nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này. Có nghĩa là, một cách ngắn gọn, Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính, do đó đối diện nguy cơ vỡ nợ sớm, có thể vào đầu tháng 6 tới.

Cơn sóng ngầm dưới chân vách đá -0
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thẳng thừng công khai nguy cơ Chính phủ Mỹ “vỡ nợ”.

Thực tế, từ tháng 1/2023, nước Mỹ đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD. Kể từ đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Nhưng, đến lúc này, có vẻ như những nỗ lực đó cũng đã trở nên “quá tải”.

Từ ngày 25/4, Bộ trưởng Janet Yellen đã cảnh báo: Việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ công sẽ gây ra "thảm họa kinh tế", đồng thời có thể khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới. Cụ thể, nếu trần nợ công không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi, trong khi chính phủ có thể sẽ ngừng cấp khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội. Hơn nữa, nếu trở thành hiện thực, tình trạng vỡ nợ có thể đe dọa những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đạt được từ sau đại dịch COVID-19.

Các tín hiệu khởi sắc đó, thực chất, chính là “điểm tựa” để đảng Dân chủ nói chung cũng như Tổng thống Joe Biden nói riêng phác thảo các cương lĩnh tranh cử, trong quỹ thời gian khá ít ỏi còn lại, trước cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. Vấn đề là, Nhà Trắng không thể che lấp một thực tế: Họ đã liên tục phải chi nhiều hơn thu. Sự thâm hụt đến từ các gói cứu trợ hay những khoản kích thích kinh tế khổng lồ kể từ đầu năm 2021, nhằm chống đỡ với cả các hệ lụy của đại dịch COVID-19 toàn cầu lẫn những biến động về chỉ số sinh hoạt hay giá nhiên liệu (bắt nguồn từ xung đột quốc tế) hầu như chỉ có thể được bù đắp bằng một giải pháp: Tăng thuế.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố riêng rẽ, Giám đốc Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel cho biết do các khoản thu thuế đến hết tháng 4 ít hơn so với dự đoán của CBO đưa ra hồi tháng 2, nên Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6.

Sóng gió chính trường

Cuối ngày 1/5, sau tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ triệu tập 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội Mỹ, bao gồm: Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer cùng lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell, để bàn thảo về các vấn đề nóng bỏng hiện tại.

Trước đó, ngày 16/4, Hạ viện Mỹ (với đảng Cộng hòa chiếm đa số) đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, với tỷ lệ sít sao 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống. Đề xuất chấp nhận tăng giới hạn nợ công thêm 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3 năm sau. Nhưng, đi kèm với đó là điều kiện: Chính phủ Mỹ sẽ phải chấp nhận khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong vòng 10 năm. Đây có thể xem là một “chiếc thòng lọng vô hình” quàng lên các quyết sách quan trọng (cũng như mang yếu tố thu hút “dân tâm”) mà đảng Dân chủ đang ấp ủ.

Theo giới phân tích, các nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật mang tên Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Biden. Đương nhiên, Nhà Trắng cũng như các nghị sĩ phe Dân chủ phản đối gay gắt. Theo họ, các khoản cắt giảm sẽ ảnh hưởng tới phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cũng như các biện pháp ưu đãi thuế đối với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác. Đề xuất của Hạ viện được đáp trả thẳng thừng là “không có khả năng được luật hóa” và ông chủ Nhà Trắng thì muốn trần nợ công được nâng lên “vô điều kiện”. Thậm chí, phe đa số ở Thượng viện Mỹ (do đảng Dân chủ kiểm soát) còn xúc tiến thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu cho dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỷ USD trong 2 năm mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào. Không có gì đáng ngạc nhiên, đến lượt phe Cộng hòa khẳng định: Họ sẽ chống lại ý tưởng này.

Hiện tại, sự bế tắc này được dự báo sẽ còn kéo dài, đặc biệt là với việc FED một lần nữa nâng lãi suất - điều sẽ khiến những áp lực đối với nền kinh tế Mỹ còn trở nên nặng nề hơn, khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư chắc chắn sẽ ngại ngần trong việc chấp nhận mạo hiểm hơn. Bối cảnh này khiến giới quan sát chú tâm hơn đến cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng và các thủ lĩnh hai phe, ở Thượng viện cũng như Hạ viện. Họ sẽ nói gì với nhau, nếu không thẳng thừng đề cập đến các vấn đề tồn tại xoay quanh câu chuyện trần nợ công?

Và, “một chương trình ngân sách riêng” sẽ mang hình hài như thế nào để tạo nên một “điểm thỏa hiệp” cần thiết mà cả hai phía đều có thể “gật đầu”, khi quan điểm hai bên đến lúc này vẫn cách xa nhau (chưa kể đến những tính toán chính trị). Lịch sử chính trường Mỹ từng chứng kiến không chỉ 1 lần một số Chính phủ Mỹ từng phải tạm thời “đóng cửa” do Quốc hội không thống nhất được về ngân sách hoạt động dành cho họ.

Tuy vậy, có lẽ chưa bao giờ nguy cơ những “vách đá tài chính” sập xuống lại lớn như lần này, đơn giản là bởi chưa bao giờ Chính phủ Mỹ phải giải ngân nhiều khoản ngân sách lớn trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Và, đương nhiên, đối với đảng Cộng hòa đang “tập trung lực lượng” để giành lại quyền lực, thì đó là điểm yếu của đối thủ mà họ không thể bỏ qua.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/con-song-ngam-duoi-chan-vach-da-i693208/

Đông Phong / antg.cand.com.vn