Thông qua các công ty con, Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm dùng cách thức gian dối phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, thu 8.600 tỉ đồng của 6.600 nhà đầu tư. Các bị can trong vụ án đã lợi dụng kênh huy động tiền từ trái phiếu để lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng bằng quy trình tinh vi, móc ngoặc, nhiều toan tính.

Vụ án xảy ra ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, cũng là lời cảnh tỉnh về những cơn “sóng ngầm” trên thị trường trái phiếu, khi doanh nghiệp và các nhà giám sát, tài chính bắt tay nhau gian dối phát hành trái phiếu, còn nhà đầu tư (trái chủ) không có kiến thức chuyên môn để nhận định thật - giả.

Áp lực nợ nần, tìm vốn từ... trái phiếu

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị, tổ chức liên quan. Theo cáo trạng, Công ty Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, trụ sở chính tại 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), có vốn điều lệ 10.000 tỉ. Trong đó, ông Đỗ Anh Dũng góp 5.100 tỉ (chiếm hơn 51%) và 5 công ty liên quan. Để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ông Dũng thành lập thêm 45 công ty rồi chỉ định người nhà hoặc cá nhân, pháp nhân liên quan đến Tân Hoàng Minh đứng tên pháp nhân. Tuy nhiên trên thực tế, các công ty này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đỗ Anh Dũng - cáo trạng nêu.

1-1701063616419.jpg
Đỗ Anh Dũng được xác định giữ vai trò chủ mưu chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt gần 8.644 tỉ đồng của 6.630 bị hại

Đầu năm 2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỉ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu mà công ty đã phát hành. Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo con trai mình tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Công ty bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông. Về mặt pháp lý, giấy tờ thể hiện người góp vốn, đại diện theo pháp luật của các công ty này là các cá nhân khác nhau, có kê khai thuế độc lập. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định Chủ tịch Tân Hoàng Minh mới là chủ thực sự, chi phối và điều hành các công ty.

Do kết quả hoạt động của cả ba công ty không đủ điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế. Từ đó, các báo cáo tài chính được "đánh bóng" tạo lãi "khống" để đủ điều kiện phát hành trái phiếu

Để "tạo niềm tin cho người dân", ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân của ba công ty con ngụy tạo ra các hợp đồng kinh tế khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư. Các bị can cũng liên hệ với một số công ty kiểm toán để "đánh bóng báo cáo tài chính" từ tình trạng làm ăn bết bát thua lỗ sang có lãi để đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Với những tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý cũng được nhóm công ty thẩm định ban hành chứng thư thẩm định khi không kiểm tra. Theo cáo buộc của VKS, các công ty này tạo lãi khống được do có sự giúp sức của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá tài sản. Sự thiếu giám sát của các chi nhánh ngân hàng cũng là cơ hội để Tân Hoàng Minh tận dụng để phát hành trái phiếu.

Hô biến chục tỉ thành... nghìn tỉ

Tháng 12/2021, Công ty Cung Điện Mùa Đông phát hành 32 triệu trái phiếu với tổng giá trị 3.230 tỉ đồng. Khi lô trái phiếu trên vừa được chào hàng thì chính ông Dũng lại chỉ đạo thuộc cấp đặt mua toàn bộ để trở thành trái chủ sơ cấp.

2-1701063592380.jpg
Nhà đầu tư căng băng rôn yêu cầu đòi lại tiền từ Tân Hoàng Minh

Với số tiền khoảng 70 tỉ đồng trong tài khoản tại hai ngân hàng Techcombank và VietinBank, Tân Hoàng Minh đã luân chuyển, rút nộp 56 lần vào tài khoản của Công ty Cung Điện Mùa Đông. Số tiền này sau đó tiếp tục được luân chuyển quay vòng qua các cá nhân để cuối cùng đổ về tài khoản của Tân Hoàng Minh với tổng doanh số tiền chuyển là 3.230 tỉ đồng (gấp 47 lần số tiền thực tế).

Việc chuyển tiền quay vòng nhằm mục đích hợp thức hóa các hợp đồng đặt mua trái phiếu sơ cấp và tạo ra giá trị ảo của trái phiếu. Từ đó, ông chủ Tân Hoàng Minh bán lô trái phiếu này ra để chiếm đoạt hơn 3.300 tỉ đồng của hơn 3.300 khách hàng.

Tương tự, với các lô trái phiếu còn lại, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng dùng thủ đoạn chuyển tiền quay vòng thông qua tài khoản của nhiều cá nhân để mua các lô trái phiếu với giá trị ảo cao gấp nhiều lần thực tế và bán lại cho các nhà đầu tư.

Trước mỗi đợt thanh toán tiền mua trái phiếu, trong tài khoản của Công ty Tân Hoàng Minh chỉ có những khoản tiền dao động từ khoảng 39,5 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng, được sử dụng nhiều lần vào tài khoản của 3 công ty phát hành, chuyển nhiều vòng, cho đến khi hợp thức đủ giá trị của gói trái phiếu phát hành và hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp. Từ đó, hợp thức phương án phát hành hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, tạo giá trị ảo của 09 gói trái phiếu và tạo lập trái chủ sơ cấp cho Công ty Tân Hoàng Minh.

Theo cơ quan công tố, để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân, tháng 7/2021, Đỗ Anh Dũng đã thành lập Trung tâm kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh. Đỗ Hoàng Việt - Phó tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh được giao kiêm Giám đốc Trung tâm, chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu; ủy quyền cho Lê Văn Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh và 21 cá nhân thuộc tập đoàn này ký các hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu. Song thực chất, hành vi đó là để bán trái phiếu cho các nhà đầu tư. Công ty Tân Hoàng Minh đã thu được tổng cộng gần 14.000 tỉ đồng, cao hơn giá trị phát hành là do chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc; mua đi bán lại nhiều lần cao hơn giá trị phát hành.

Theo cáo trạng, do tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định pháp luật, có dòng tiền đầu tư thật vào dự án, báo cáo tài chính trung thực và Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có thương hiệu nên người dân đã dễ dàng đổ tiền mua và trở thành chủ sở hữu của 9 gói trái phiếu. 

Tiêu xài không kiểm soát

Theo cáo trạng, số tiền đã huy động từ việc mua bán trái phiếu được Đỗ Anh Dũng sử dụng vào nhiều khoản, không bị kiểm soát bởi mục đích, phương án phát hành trái phiếu.

Theo đó, Tân Hoàng Minh dùng tiền của người/hợp đồng mua trái phiếu sau để trả cho người/hợp đồng mua đến hạn trước là hơn 5.165 tỉ đồng; Trả nợ gốc, lãi vay của các ngân hàng tổng cộng hơn 1.976 tỉ đồng. Trong đó, trả nợ Ngân hàng SHB hơn 1.218 tỉ đồng; Agribank hơn 157 tỉ đồng; Thanh toán mua cổ phần, dự án, tạm ứng, đặt cọc với tổng số tiền hơn 4.568 tỉ đồng; Thanh toán các chi phí của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tổng số hơn 929 tỉ đồng; chuyển tiền sử dụng theo các mục đích cá nhân của Đỗ Anh Dũng như: Đầu tư chứng khoán, trả nợ cá nhân, mua bán USD... tổng cộng hơn 801 tỉ đồng; thanh toán tiền lãi và hoa hồng trái phiếu là hơn 316 tỉ đồng; số dư còn lại trên tài khoản của Tân Hoàng Minh tại thời điểm khởi tố vụ án là 214 tỉ đồng.

3-1701063574563.jpeg
Trái chủ của Tân Hoàng Minh

Ngoài số dư này, toàn bộ số tiền huy động từ việc phát hành, bán trái phiếu trái quy định pháp luật được Đỗ Anh Dũng chỉ đạo các bị can, cá nhân liên quan sử dụng hết, không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu.       

Tại cơ quan điều tra, ông Dũng còn khai vào năm 2022 sử dụng 585 tỉ đồng từ huy động trái phiếu để đặt cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Khi đó, Công ty Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) bỏ mức giá 24.500 tỉ đồng, gấp 8,3 lần giá chào. Tuy nhiên sau đó đã bỏ cọc, xin đơn phương chấm dứt hợp đồng gây nhiều ồn ào trong dư luận. Đến thời điểm khởi tố vụ án, hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn, theo Cơ quan công tố, toàn bộ số dư nợ gốc còn lại là hơn 8.643 tỉ đồng của 6.630 nhà đầu tư được xác định là tiền chiếm đoạt.

Trong quá trình điều tra đến nay, ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Chủ tịch Tân Hoàng Minh được cơ quan tố tụng đánh giá đã thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội, có đơn đề nghị và tích cực phối hợp khắc phục hậu quả trong vụ án.

Ông cũng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ là quá trình điều hành hoạt động của Tân Hoàng Minh có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội; tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương, các Ngành tặng nhiều bằng khen…

“Sóng ngầm” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp?

Cũng theo nội dung cáo trạng, đối với các cá nhân liên quan tại 5 công ty chứng khoán, gồm (Công ty CP Chứng khoán An Bình; Công ty CP chứng khoán Bảo Việt; Công ty CP chứng khoán Everest; Công ty CP chứng khoán Agribank và Công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam), cơ quan truy tố có quan điểm, các đối tượng đã thực hiện đúng quy định trong việc tư vấn phát hành trái phiếu cho Ngôi Sao Việt; Soleil; Cung Điện Mùa Đông. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, còn một số nhân viên của công ty thẩm định giá Ecomax; Định giá VAA; Thẩm định giá Thành Đô và Công ty CPA Hà Nội. Do kết quả điều tra chưa có căn cứ xác định các đối tượng thuộc những công ty này có sự bàn bạc, thông đồng từ trước về giá trị từng tài sản nên cơ quan điều tra chỉ kiến nghị xử lý hành chính.

4-1701063563006.jpg
Thị trường trái phiếu cần minh bạch hơn để tránh những phát sinh không đáng có

Một số cá nhân tại ngân hàng VietinBank Chi nhánh Tây Thăng Long; SHB Trung tâm Kinh doanh và VietcomBank Chi nhánh Thanh Xuân đã tham gia ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm và tài khoản trái phiếu với 3 công ty phát hành theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Giấy phép hoạt động của 3 ngân hàng. Vì chưa xác định rõ dấu hiệu thỏa thuận với các tổ chức phát hành để phát hành trái phiếu, không chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, nên cơ quan truy tố không đề cập xử lý.

Rõ ràng, vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đã đến lúc cần nhìn nhận tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ, lợi dụng uy tín và mối quan hệ sẵn có để lôi kéo người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu. Thị trường trái phiếu cần minh bạch để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, chỉ vì tin tưởng vào sự đánh bóng thương hiệu của công ty phát hành.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác bị truy tố cùng tội danh trên. Trong đó, Đỗ Anh Dũng giữ vai trò chủ mưu chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt gần 8.644 tỉ đồng của 6.630 bị hại trong vụ án.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/con-song-ngam-trai-phieu-mang-ten-tan-hoang-minh-i715119/

Kim Sa / CAND