Cái chúng ta cần là những người công nhân có tay nghề cao và sở hữu công nghệ hiện đại chứ không phải những người công nhân đứng theo dây chuyền làm một công việc dập khuôn, nhàm chán và sự sáng tạo thì chết dần chết mòn.
Như bao bạn trẻ khác khi có trong tay tấm bằng đại học, tôi nghĩ một công việc đúng chuyên ngành và phù hợp với mình không quá khó. Nhưng mọi thứ không dễ như khi nghĩ nó. Về quê, tôi xin đủ các loại việc nhưng tất cả đều không có kết quả. Quá chán chường, tôi nộp hồ sơ vào khu công nghiệp và đi làm sau đó mấy ngày.
Còi báo, tất cả đứng vào đúng vị trí như được lập trình sẵn. Dây điện tới thì phân loại cho đúng với màu, chỉ cần nhớ red-đỏ, green-xanh lá, blue-xanh nước biển, grey-xám, tất cả có tầm 10 hay 12 màu gì đó tôi không nhớ rõ… Mỗi ngày trôi qua đều là công thức đó, chẳng hề suy suyển.
Sau 2 tháng tôi xin nghỉ và tìm được một công việc khác đúng chuyên ngành đào tạo với mức lương rất ổn. Giờ ngẫm lại quãng thời gian làm công nhân ấy, tuy ngắn ngủi nhưng sức tàn phá thì thật ghê gớm. Sức công phá của nó mạnh tới mức chỉ sau có mấy tháng ở quê làm công nhân, khi lên Thủ đô làm công việc mới trông tôi y như một con bé người rừng. Ngô nghê, ngờ nghệch và thảm hại!
Công nhân khu công nghiệp với những công đoạn rập khuôn từ ngày này qua ngày khác sẽ "giết chết" sự sáng tạo.
Ấy vậy mà hôm nay đây, tôi lại đọc được thông tin rất sốc rằng, có tới gần 30% học sinh lớp 12 - tương đương hơn 237.000 học sinh đăng ký thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp chứ không xét vào đại học, cao đẳng, thậm chí trung cấp. Tôi xin nhấn mạnh là: Không xét tuyển vào trung cấp!
Cụ thể, ở Bắc Giang là 8.500 em, Nam Định là 4.192 em, thậm chí đất học như Nghệ An mà cũng gần 40% tổng số học sinh, khoảng 12.500 em đã đánh dấu vào ô chỉ xét tốt nghiệp. Và cũng tại Nghệ An, có không ít trường tỉ lệ học sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp chiếm từ 90-100%?!
Riêng tại tỉnh Hòa Bình, có hơn 58% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp vì sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không xin được việc làm rất nhiều, trong khi đó nhiều khu công nghiệp lại cần tuyển công nhân chỉ cần tốt nghiệp hoặc THCS đi làm ngay.
Có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng, đó là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các em (hoặc của gia đình) từ thực tế cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, “cất bằng đi làm công nhân”. Với cách làm này các em đã bỏ qua được giai đoạn 3-4 hoặc 6 năm rưỡi đi học đồng thời được tiết kiệm mấy trăm triệu, thậm chí gần tỉ đồng tiền học phí. Bài toán thoạt nghe có vẻ là một bước đi khôn ngoan...
Nhưng tôi cho rằng thay vì “bỏ con săn sắt bắt con cá rô”, đó là phép tính “tham chén bỏ mâm”.
Sự thực không thể phủ nhận đó là lao động giá rẻ (cụ thể là lao động ở các khu công nghiệp) đồng nghĩa với chất lượng thấp; không đáp ứng được xu thế đổi mới, sử dụng công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng cao của DN… Ví như lương một công nhân khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) có thu nhập trung bình khoảng 3-4 triệu/tháng.
Mức lương đó so với mức sống ở quê là thoải mái, thậm chí nhiều nhà có thể để ra được. Nhưng đó là cái nhìn ngắn hạn, còn về lâu dài nền kinh tế sẽ đi về đâu với thế hệ giai cấp công nhân không có trình độ, không có tư duy tiến bộ, nay làm mai bị đào thải, thay thế lúc nào không biết?
Nhiều khi chúng ta tự hào nói rằng Việt Nam là “công xưởng của thế giới" mà không nhận ra rằng, chúng ta cần lo ngay đi là vừa.
Sở hữu dân số trẻ, đông dân nên rõ ràng, sức hấp dẫn lớn nhất của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là lực lượng lao động. Nhưng cái đáng lo chính là ở đó. Giá nhân công rẻ giúp ta tham gia vào chuỗi cung cấp toàn cầu tương đối dễ dàng nhưng để trụ lại thì là câu chuyện khác, rất khác.
Cái chúng ta cần là những người công nhân có tay nghề cao và sở hữu công nghệ hiện đại chứ không phải những người công nhân đứng theo dây chuyền làm một công việc dập khuôn, nhàm chán và sự sáng tạo thì chết dần chết mòn.
Liên hệ với số TS đăng ký thi tốt nghiệp chỉ để có tấm bằng cấp 3 rồi không học lên (dù là trung cấp nghề) thì thấy thật đáng suy ngẫm.
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực, thậm chí kém cả Lào.
Vậy thì cái mà chúng ta vẫn nghe ra rả hằng ngày là cách mạng 4.0, cuộc cách mạng bằng AI - trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới khi vẫn còn tới hơn ¼ lực lượng lao động chọn làm công nhân khu công nghiệp chứ không chọn làm công nhân công nghệ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền cảm hứng cho giáo dục Trong bối cảnh công nghệ có mặt ở hầu hết lĩnh vực của đời sống, hệ thống giáo dục cũng cần thay đổi phương pháp ... |
Cử nhân thất nghiệp cao gấp 5 lần học viên trường nghề Sinh viên các trường đại học đối mặt nguy cơ thất nghiệp ngày càng cao khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang dần thay ... |
86% lao động dệt may có thể mất việc vì cách mạng 4.0 Tạo ra sự thay đổi lớn nhưng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại là phép thử, đào thải lao động nhân công giá rẻ, ... |